Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm

23/07/2015 06:37

(HNM) - LTS: Tại kỳ họp lần thứ 13 HĐND TP Hà Nội khóa XIV diễn ra từ ngày 6 đến 8-7-2015, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐND về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2015 của TP Hà Nội và Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn TP Hà Nội.


Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu toàn văn hai Nghị quyết tới độc giả.

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26-11-2003;
Xét các báo cáo của UBND thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, Viện kiểm sát nhân dân thành phố; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND thành phố; ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố; ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố.

QUYẾT NGHỊ:


Điều 1. Tán thành đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015 và thông qua nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 của thành phố Hà Nội như báo cáo của UBND thành phố trình.

HĐND thành phố nhấn mạnh: 6 tháng cuối năm 2015, các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô phấn đấu để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch cả năm và kế hoạch 5 năm 2011-2015, trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015-2016, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của thành phố. Tiếp tục rà soát để giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư xã hội, chú trọng các biện pháp khơi thông dòng vốn. Triển khai có hiệu quả chính sách của thành phố hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, lãi suất vốn vay sản xuất kinh doanh. Tăng cường các biện pháp bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh, sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.

Thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng đang có ưu thế, đa dạng hóa thị trường, tập trung vào thị trường tiềm năng. Triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.

Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tích cực hướng dẫn, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, chương trình: sản xuất lúa hàng hóa; phát triển nuôi trồng thủy sản; sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; phát triển cây ăn quả, hoa cây cảnh;…

Thực hiện tốt công tác tu bổ đê điều, các công trình thủy lợi, phòng chống lụt bão và kế hoạch sản xuất vụ mùa 2015, vụ đông 2015-2016. Chú trọng bảo đảm số lượng và chất lượng giống cây, con. Gieo cấy hết diện tích vụ mùa, phấn đấu cấy sớm để tăng hiệu quả phòng chống úng đồng thời bảo đảm thời vụ cho vụ đông. Tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi, tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm, thủy sản. Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh bùng phát; kiểm soát giết mổ thủ công gia súc, gia cầm. Tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng, chống cháy rừng.

Trong quý III hoàn thành phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa 8 doanh nghiệp còn lại trong kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư, tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách. Tập trung quyết liệt để hoàn thành 12/22 công trình trọng điểm còn lại. Rà soát các công trình, dự án dở dang để tập trung đầu tư dứt điểm. Đẩy mạnh thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA, FDI. Tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Thủ đô, các dự án BT, BOT. Bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA. Tập trung xử lý nợ cũ, không để phát sinh nợ mới trong xây dựng cơ bản.

Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư và dự toán ngân sách năm 2016; Đề án phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, đề án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách giai đoạn tới, bảo đảm chất lượng.

3. Tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đô thị, đất đai, tài nguyên môi trường. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Chú trọng công tác thông tin truyền thông đến cấp xã, phường, tổ dân phố và người dân. Chú trọng các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, văn hóa của người tham gia giao thông. Củng cố và xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Thực hiện tốt kế hoạch thoát nước mùa mưa. Xử lý vi phạm và thu hồi diện tích công cộng sử dụng sai mục đích để ưu tiên bố trí sân chơi cho trẻ em và các sinh hoạt cộng đồng tại các khu đô thị, khu dân cư cũ; ưu tiên bố trí sân chơi cho trẻ em khi phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới. Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng; kiểm tra, kiểm soát thường xuyên để ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm; tập trung xử lý dứt điểm các công trình vi phạm xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp.

Sửa đổi Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 6-5-2011 của UBND thành phố cho phù hợp Luật Đất đai. Nghiên cứu có chính sách khuyến khích các hộ dân hợp thửa, hợp khối để đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” còn tồn đọng, phối hợp tốt để phát hiện và xử lý sớm các trường hợp có nguy cơ phát sinh mới. Kiểm tra, xử lý kiên quyết các công trường xây dựng không thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động.

Phấn đấu 6 tháng cuối năm 2015 tổ chức phê duyệt 11 đồ án quy hoạch chung, 17 đồ án quy hoạch phân khu và 02 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc.

Kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tiếp tục xử lý kiên quyết các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ, các trường hợp vi phạm Luật Đất đai. Chấn chỉnh công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước, quỹ nhà chung cư tái định cư. Đẩy nhanh tiến độ dự án Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn thành phố và dự án Đo đạc hiện trạng và cắm mốc ranh giới sử dụng đất các nông, lâm trường, trạm trại và đất rừng trên địa bàn.

Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường. Rà soát, lập danh sách và kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

4. Phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tổ chức tốt các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh các lớp đầu cấp và khai giảng năm học mới. Đẩy nhanh tiến độ kiểm tra và công nhận trường chuẩn quốc gia. Quan tâm xây dựng các trường mầm non trong các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. Kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã hoàn thành phổ cập giáo dục.

Chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động.

Tích cực thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô giai đoạn 2015-2020. Đưa Quỹ phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội vào hoạt động. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Triển khai hoạt động trợ giúp phát triển công nghệ đối với các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

5. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo năm 2015, chú trọng công tác giảm nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc. Phát triển các mô hình chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với người lao động. Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng. Phát triển mạnh và có chọn lọc các trung tâm y tế chuyên sâu, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong khám chữa bệnh. Ưu tiên đầu tư để hoàn thành chỉ tiêu chuẩn quốc gia về y tế. Mở rộng hợp tác quốc tế về y tế, đặc biệt là trong đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ mới, phát triển các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại. Hoàn thiện đề án ghép tạng giai đoạn II. Triển khai phẫu thuật nội soi ở 100% các bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất thực phẩm lớn, các doanh nghiệp, các bếp ăn tập thể.

Huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Hoàn thành đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”. Xây dựng hồ sơ đề cử danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và thành phố cho các di sản tiêu biểu; hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia. Phê duyệt, ban hành danh mục di tích trên địa bàn thành phố. Tổ chức tốt công tác sưu tầm hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng quy chế quản lý và khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao.

Củng cố và phát triển thể thao thành tích cao vững chắc, lấy đấu trường Olympic làm mục tiêu chính, phấn đấu có nhiều vận động viên vượt qua vòng loại Olympic Brazil 2016.

6. Tiếp tục xây dựng, củng cố và giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Chú trọng bảo đảm an ninh nông thôn. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ các lực lượng không để bị động bất ngờ, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, hội nghị quốc tế trên địa bàn và Đại hội Đảng các cấp.

Tổ chức huấn luyện tốt các khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2-9. Tăng cường nắm bắt tình hình, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tội phạm về ma túy. Bảo đảm công tác quốc phòng thường xuyên; chú trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh; hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng lực lượng như công tác tuyển quân; huy động, kiểm tra, huấn luyện lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, diễn tập, hội thi, hội thao các đơn vị thường trực; khai mạc các khóa đào tạo cán bộ quân sự cấp xã,… tăng cường đầu tư ngân sách xây dựng khu vực phòng thủ.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở, khu dân cư thực hiện các quy định về phòng chống cháy nổ. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các khu vực có nguy cơ cao về cháy nổ và có biện pháp xử lý mạnh các điểm vi phạm. Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Thực hiện hiệu quả chương trình hành động về hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng thúc đẩy mở rộng và đa dạng hóa thị trường nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại. Thực hiện tốt các nội dung, dự án hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

7. Đẩy mạnh cải cách hành chính; công tác phòng, chống tham nhũng; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp theo hướng quyết liệt, sâu sát. Tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức với nhân dân, doanh nghiệp. Tiếp tục khảo sát để nhân rộng mô hình một cửa tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước của thành phố. Sớm hoàn thiện tổ chức bộ máy và đi vào hoạt động hiệu quả các đơn vị mới được thành lập như Sở Du lịch; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch; Công ty Đường sắt Hà Nội; Trường Đại học Thủ đô.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tiếp công dân và các luật mới có hiệu lực thi hành từ 1-7-2015: Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...

Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung xem xét, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng theo Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND của HĐND và Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19-9-2013 của Thanh tra Chính phủ. Coi trọng hiệu quả kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.

8. Tăng cường thông tin tuyên truyền, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Nâng cao công tác quản lý các cơ quan truyền thông, báo chí, mạng internet hoạt động quảng cáo,... Các cấp, các ngành chủ động tổ chức tốt công tác thông tin truyền thông, bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời về các cơ chế, chính sách, sự điều hành của thành phố, của cấp mình, đơn vị mình. Đẩy mạnh tiếp xúc, đối thoại, trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi về các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế, chính sách gắn liền với cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Tăng cường công tác truyền thông, gắn với phát động phong trào thi đua, tạo sự đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại hội Thi đua yêu nước, Đại hội Đảng các cấp.

Điều 2. Tán thành những nhiệm vụ, giải pháp trong điều hành ngân sách thành phố 6 tháng cuối năm 2015 do UBND thành phố báo cáo và tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tăng cường quản lý thu, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế. Tập trung xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế và các khoản thu từ đất, nhất là thu của các dự án được giao đất không trong thời gian được gia hạn, hạn chế số nợ thuế mới phát sinh; công khai và tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, chậm thanh toán nợ thuế; thu hồi các khoản phải thu theo kết quả kiểm toán, thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác cải cách, hiện đại hóa ngành thuế, hải quan: mở rộng và nâng cao chất lượng công tác kê khai thuế qua mạng internet, nộp thuế điện tử, thông quan điện tử; bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác quản lý và thực hiện nghĩa vụ về thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp thuế khi thực hiện các nghĩa vụ về thuế. Cùng với đôn đốc thu, cần tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu, tìm kiếm các nguồn thu mới. Thực hiện cải cách hành chính trong xác định giá khởi điểm (giá sàn) để đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất.

2. Tăng cường công tác quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; điều hành ngân sách chủ động, tích cực, bảo đảm cân đối ngân sách. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015. Kiên quyết thu hồi vốn của các đơn vị chậm triển khai và chậm giải ngân để tập trung vốn cho các công trình đã hoàn thành và có khả năng hoàn thành trong năm 2015.

Chỉ đạo công tác thanh quyết toán kịp thời, đúng thời gian quy định; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng các khoản tạm ứng trong đầu tư, có chế tài và kiên quyết thu hồi đối với các khoản ứng sử dụng không đúng mục đích. Tăng cường kiểm soát chi chuyển nguồn ngân sách. Quan tâm sử dụng tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Tăng cường quản lý đối với hoạt động của các quỹ có nguồn gốc ngân sách của thành phố. Triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ.

3. Sớm phân bổ các khoản tăng thu, thưởng vượt thu năm 2014 theo quy định.

4. Xây dựng phương án phân bổ dự toán vốn sự nghiệp khoa học công nghệ năm 2016 cho các đề tài, dự án chủ yếu theo phương thức tuyển chọn, chỉ giao trực tiếp cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.

Điều 3. Giao UBND thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Giao Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố và đề nghị Ủy ban MTTQ thành phố giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

HĐND thành phố kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, các cấp, ngành, MTTQ và các đoàn thể thành phố nỗ lực phấn đấu thi đua hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách năm 2015 của thành phố Hà Nội.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 6-7-2015./.

NGHỊ QUYẾT

Về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố
trên địa bàn thành phố Hà Nội

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 16-11-2003;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20-3-2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ;

Xét Tờ trình số 34 /TTr-UBND ngày 15-6-2015 của UBND thành phố Hà Nội về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015, Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND thành phố;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đặt tên 19 tuyến đường, phố mới

1. Phố Hoàng Liên (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường đê Liên Mạc đến ngã ba đường đối diện nghĩa trang thôn Hoàng Liên.
Dài: 520m; rộng: 7m.

2. Đường Sùng Khang (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Tây Tựu, Kỳ Vũ đến ngã tư giao cắt đường Yên Nội (Trạm điện Yên Nội), phường Thượng Cát, Liên Mạc.
Dài: 1.400m; rộng: 7-10,5m.

3. Phố Châu Đài (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba Dốc Đình giao cắt chân đê đường Thượng Cát đến ngã tư Cầu Vò, cạnh đền Châu Đài (đền Thượng Cát).
Dài: 600m; rộng: 5-7m.

4. Phố Trung Tựu (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba đường Phú Diễn, Liên Mạc đến đường Tây Tựu (khu vực quy hoạch Nghĩa trang liệt sĩ thành phố).
Dài: 1.300m; rộng: 7m

5. Phố Đăm (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Tây Tựu đến Đình Đăm.
Dài: 350m; rộng: 5,5-7m.

6. Phố Thanh Lâm (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ đường quốc lộ 32 đến ngã ba giao cắt đường số 4 khu công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm, cạnh chùa Thanh Lâm, phường Minh Khai.
Dài: 605m; rộng: 15m.

7. Phố Mạc Thái Tổ (quận Cầu Giấy): Cho đoạn đường từ ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt phố Trung Kính, đối diện tòa nhà E1 Chelsea Park.
Dài: 900m; rộng: 60m.

8. Phố Mạc Thái Tông (quận Cầu Giấy): Cho đoạn đường từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng (đối diện cổng sau Trung tâm Hội nghị quốc gia) đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính, nối tiếp phố Vũ Phạm Hàm.
Dài: 840m; rộng: 17m.

9. Phố Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy): Cho đoạn đường từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính, Dương Đình Nghệ đến bùng binh nối các phố Tôn Thất Thuyết, Trần Thái Tông (cạnh Cung trí thức thành phố).
Dài: 500m; rộng: 40m.

10. Phố Yên Lộ (quận Hà Đông): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt với tuyến đường tiếp nối phố Tố Hữu vào tổ dân phố 10, 11, 12, 13 phường Yên Nghĩa đến ngã ba giao cắt với lối lên đê Yên Nghĩa (gần trạm bơm).
Dài: 1.000m; rộng: 8m.

11. Đường Phúc Lợi (quận Long Biên): Cho đoạn cuối phố Lưu Khánh Đàm đến ngã ba giao cắt quốc lộ 1B giáp chân cầu Phù Đổng.
Dài: 3.836m; rộng: 21m.

12. Phố Đại Linh (quận Nam Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Cương Kiên và Trung Văn đến ngã ba giao cắt phố Sa Đôi, đối diện công ty 49 Doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dài: 1.500m; rộng: 7m.

13. Phố Do Nha (quận Nam Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Miêu Nha tại cổng làng Miêu Nha đến Trường Tiểu học Tây Mỗ, phân hiệu 2.
Dài: 600m; rộng: 5-7m.

14. Phố Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt đường Phạm Hùng (cạnh Bến xe Mỹ Đình) đến ngã tư đường Lê Đức Thọ, phố Hàm Nghi.
Dài: 2.200m; rộng: 40m.

15. Phố Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Thanh Niên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng đến ngã ba giao cắt phố Trích Sài (đối diện nhà số 2).
Dài: 2.230m; rộng: 7,5 - 9,5m.

16. Phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ): Cho đoạn từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến giao với dốc đê đường Âu Cơ cạnh Trường THPT Phan Chu Trinh.
Dài: 900m; rộng: 9,5 - 12,5m.

17. Đường Bắc Hồng (huyện Đông Anh): Cho đoạn từ cầu Đò So bắc qua sông Cà Lồ đến ngã ba giao cắt đường đi thôn Thượng Phúc và Quan Âm, xã Bắc Hồng.
Dài: 2.120m; rộng: 10,5m.

18. Đường Vân Nội (huyện Đông Anh): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Vân Trì (nhà số 109) đến đường rẽ đi thôn Mỹ Nội, xã Bắc Hồng (Doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam).
Dài: 900m; rộng: 10,5m.

19. Đường Gia Lương (huyện Đông Anh): Cho đoạn từ cuối đường Dục Nội (giáp Ga Cổ Loa) đến ngã ba giao cắt đường đi vào thôn Thư Cưu, xã Cổ Loa.
Dài: 1.560m; rộng: 10,5m.

Điều 2. Điều chỉnh kéo dài 03 tuyến phố

1. Phố Trần Phú (quận Ba Đình): Cho đoạn từ cuối phố Trần Phú (ngã năm giao cắt phố Lê Trực, Ông Ích Khiêm, Trịnh Hoài Đức) đến ngã ba giao cắt phố Sơn Tây (số nhà 98-108).
Dài: 220m; rộng: 22m.

2. Phố Nhật Tảo (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ cuối phố Nhật Tảo (chùa Nhật Tảo) đến ngã ba gần Xí nghiệp xây lắp H36, tổ dân phố xóm chùa, phường Đông Ngạc.
Dài: 500m; rộng: 5 - 7m.

3. Phố Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm): Cho đoạn từ cuối phố Hàm Nghi đến ngã ba giao cắt đường K2, đối diện xí nghiệp 197 Bộ Quốc phòng, phường Cầu Diễn.
Dài: 500m; rộng: 40m.

Điều 3. Giao UBND thành phố tổ chức thực hiện phân định ranh giới, gắn biển tên đường, phố và tuyên truyền để nhân dân hiểu ý nghĩa của 22 đường, phố mới được đặt tên, điều chỉnh độ dài theo Nghị quyết này.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban Hội đồng nhân dân thành phố, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 6 -7-2015./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.