Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những "chiến sĩ" không bỏ trống "trận địa"

Hiền Lương| 01/08/2015 06:14

(HNM) - Trải qua 85 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác tuyên giáo đã có những cống hiến xuất sắc góp phần làm nên sức mạnh to lớn, đem lại những thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Quá khứ vinh quang, hiện tại đáng tự hào, nhưng tương lai phía trước tiếp tục

1. Cách đây tròn 85 năm, ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản một tài liệu có ý nghĩa lịch sử "Ngày quốc tế đỏ 1-8-1930" kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ giải phóng dân tộc. Cuốn tài liệu nhanh chóng gây ảnh hưởng rộng lớn trong dư luận xã hội thời bấy giờ, động viên hàng trăm cuộc biểu tình của các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Năm 1999, Thường vụ Bộ Chính trị TƯ Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy "Ngày quốc tế đỏ 1-8" là Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, nay là Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng.

Trải qua các giai đoạn của lịch sử, các thế hệ người làm công tác tuyên giáo của Đảng luôn giữ vững phẩm chất kiên trung với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa tin cậy của Đảng. Thành quả 30 năm đổi mới của Đảng có đóng góp không nhỏ của ngành tuyên giáo, trước hết là kết quả đổi mới tư duy lý luận của Đảng trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Những đóng góp của ngành tuyên giáo đã được ghi nhận, đánh giá ở nhiều góc độ, trên nhiều phương diện khác nhau. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã nêu rõ: "Công tác tư tưởng đã góp phần nâng cao nhận thức, tính tích cực của cán bộ, đảng viên, nâng cao lòng tin của nhân dân vào đường lối đổi mới, tạo sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội".

Hòa chung vào truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành tuyên giáo của Đảng, ngành tuyên giáo Thủ đô đã có những cống hiến quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô. Bốn tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 6-1930, Thành ủy Hà Nội đã được thành lập. Không lâu sau đó, Thành ủy đã thành lập Đội Tuyên truyền xung phong, tiền thân của Ban Tuyên giáo Thành ủy, nhằm tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng của Đảng trong các tầng lớp nhân dân, tập hợp quần chúng vào các đoàn thể, ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, mở rộng và phát triển cơ sở cách mạng không chỉ ở địa bàn Hà Nội mà còn ở cả một số vùng của Hà Đông và Sơn Tây. Cho đến trước thời điểm Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, ngành tuyên giáo Hà Nội và Hà Đông, Sơn Tây sau này là Hà Tây đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đảng bộ tỉnh Hà Tây. Ở nhiều giai đoạn, người trực tiếp nắm Ban Tuyên huấn là các Bí thư Tỉnh, Thành ủy, cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này.

2. Ở mỗi giai đoạn phát triển của Thủ đô và đất nước trong suốt 85 năm qua, đội ngũ cán bộ tuyên giáo Thủ đô vẫn luôn vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; chống lại mọi biểu hiện dao động, tư tưởng lệch lạc và sự chống phá của các thế lực thù địch. Ngành tuyên giáo Thủ đô đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị; chủ động tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác: Dư luận xã hội, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa giáo, báo chí, lịch sử Đảng và đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở các đơn vị, địa phương trên địa bàn Thủ đô.

7 năm kể từ ngày Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, ngành tuyên giáo là một trong những lực lượng xung kích, đóng góp không nhỏ vào thành quả chung của Thủ đô. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi từng khẳng định: "Việc tổ chức thành công các sự kiện chính trị - văn hóa quan trọng của đất nước, triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án công tác lớn của thành phố cũng như giải quyết tốt các vấn đề xã hội... được xem như một cuộc sát hạch nghiêm khắc, là mức thang đánh giá chất lượng hoạt động trên nhiều lĩnh vực của guồng máy Thủ đô, trong đó có công tác tư tưởng - tuyên giáo". Những năm qua, trong hầu hết những vấn đề mới, nóng, phức tạp ở các cấp độ xảy ra trên địa bàn thành phố đều có sự tham gia giải quyết một cách hiệu quả của ngành tuyên giáo.

3. Đứng trước những yêu cầu trong thời kỳ mới, ngành tuyên giáo cũng gặp không ít khó khăn, thử thách. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh từng nêu một trong những hạn chế cần khắc phục của ngành tuyên giáo cả nước. Đó là: "Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa theo kịp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, internet. Năng lực tổng hợp, dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng, phát hiện, tham mưu giải quyết các vấn đề trong thực tiễn chưa cao". Ở góc độ khác, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi nhận định: "Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa đã, đang và sẽ có những mặt trái làm tổn thương một số đối tượng nhất định trong xã hội. Tất cả đang là những vấn đề gây tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; là cơ hội để kẻ xấu và các thế lực thù địch tung ra những thông tin sai lệch, những luận điệu sai trái gây phân tâm, nghi ngờ trong xã hội". Đòi hỏi đặt ra đối với ngành tuyên giáo hôm nay ngày càng cao, cần sự cố gắng vượt bậc của mỗi cán bộ ngành tuyên giáo.

Ban Tuyên giáo Thành ủy có phương châm 10 chữ nhằm đổi mới công tác tuyên giáo đã phát huy hiệu quả tích cực trong những năm qua là "Chủ động - linh hoạt - sáng tạo - thuyết phục - hiệu quả". Ngành tuyên giáo Thủ đô luôn coi những tập thể làm công tác tuyên giáo của mình là những "binh chủng", những người làm công tác tuyên giáo là những "chiến sĩ" với quyết tâm không bao giờ "bỏ trống trận địa". Kinh nghiệm và nhận thức như vậy đem lại niềm tin rằng ngành tuyên giáo nói chung và tuyên giáo Thủ đô Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục cống hiến, làm nên những thành quả mới cho Đảng, cho Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những "chiến sĩ" không bỏ trống "trận địa"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.