Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới thành phố xanh, hiện đại

Khánh Khoa| 01/08/2015 06:21

(HNM) - Kể từ năm 1954, Hà Nội đã trải qua 7 lần nghiên cứu lập quy hoạch chung. Trong số đó, phải kể đến quy hoạch năm 1981, do Liên Xô giúp Thủ đô nghiên cứu; quy hoạch năm 1998, lần điều chỉnh thứ 6, là tiền đề hình thành hàng loạt các khu đô thị mới hiện đại và quy hoạch phê duyệt năm 2011, lần điều chỉnh thứ 7,

Sau khi địa giới hành chính được mở rộng, Hà Nội có điều kiện thuận lợi để quy hoạch phát triển toàn diện. Ảnh: Vũ Long


Qua 7 lần nghiên cứu, phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô, nhưng phải đến lần thứ 7, sau khi mở rộng địa giới hành chính, quy hoạch Thủ đô có nhiều thách thức mới, không chỉ ở quy mô diện tích, dân số mà còn thể hiện ở đổi mới về cấu trúc đô thị. Đó là mô hình chùm đô thị, với đô thị trung tâm hiện hữu và các đô thị vệ tinh xác lập xung quanh; là không gian xanh chủ đạo chiếm 70% diện tích; là các trục không gian hướng tới dài hạn cho nhiều thế hệ sau… Vì vậy, đồ án quy hoạch chung phê duyệt tháng 7-2011, sau 3 năm nghiên cứu, có thể coi là một sự kiện lớn trong xây dựng định hướng không gian, hoàn thiện công cụ quản lý để Thủ đô Hà Nội trở thành "Thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại - phát triển bền vững".

Sau quy hoạch chung được duyệt, đến nay Hà Nội đã thực hiện được khối lượng công việc đồ sộ chỉ trong thời gian ngắn. Đó là lập 33 đồ án quy hoạch chung, 35 đồ án quy hoạch phân khu, trong đó, 21 đồ án quy hoạch chung, 16 đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, 5 đồ án đã trình phê duyệt, số còn lại dự kiến phê duyệt từ nay đến cuối năm 2015. Bên cạnh đó, Hà Nội đã lập hàng nghìn đồ án quy hoạch chi tiết, trong đó có những đồ án quan trọng, cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, làm cơ sở lập dự án đầu tư công trình, như Khu Liên hợp Thể thao quốc gia; các bệnh viện: Nhi Hà Nội, Thận Hà Nội, Xanh Pôn… Một điểm mới là thành phố đã nghiên cứu, hoàn thành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng trong nội đô lịch sử; đồng thời, trong năm 2015, triển khai 28 quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch quận, huyện, thị xã; 2 quy chế đặc thù (trong đó có quy chế quản lý phố cổ - di sản đặc biệt của Hà Nội), 14 quy chế thị trấn; 30 đồ án thiết kế đô thị hai bên tuyến đường, phố... Đến thời điểm này, quy hoạch đã phủ kín 100% diện tích thành phố; khối lượng quy hoạch đã phê duyệt và đủ điều kiện chuẩn bị phê duyệt trên 83%. Dự kiến, trong năm nay sẽ hoàn thành phê duyệt trên 95% đồ án, (riêng quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ).

Tuy nhiên, từ quy hoạch đến hiện thực, Hà Nội phải đối mặt, giải quyết nhiều vấn đề gai góc. Điển hình là tình trạng gia tăng dân số cơ học. Quy hoạch năm 1998 đặt mục tiêu giảm dân số đô thị lõi xuống 800.000 người, nhưng thực tế dân số tăng lên 1,2 triệu người. Từ năm 1994-1995, Hà Nội đã đặt vấn đề nghiên cứu dự án giãn dân phố cổ, nhưng đến năm 2015 mới chính thức triển khai bằng việc khởi công xây dựng khu nhà ở tại Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên). Tương tự, việc cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ đã hư hỏng, xuống cấp cũng là bài toán khó với thành phố, khi mâu thuẫn giữa quyền lợi doanh nghiệp đầu tư, của người dân đang sinh sống tại các khu tập thể cũ và của xã hội không tìm được đáp số chung. Lấn chiếm đất công, số hộ dân tăng gấp nhiều lần so với thiết kế ban đầu, nếu xây đúng chỉ tiêu quy hoạch thậm chí không đủ nhà tái định cư nhưng nếu tăng số tầng, tăng chiều cao để nhà đầu tư có lợi nhuận thì tăng "chất tải" hạ tầng. Thế nên, nhiều dự án cải tạo tập thể cũ vẫn dậm chân tại chỗ. Hay một ví dụ nữa cũng có thể thấy rõ là tình trạng ùn tắc giao thông. Quy hoạch có nhưng dự án "treo", chậm triển khai; thời gian dài buông lỏng phát triển giao thông công cộng còn xe cá nhân phát triển ồ ạt, dẫn đến ùn tắc, quá tải, ô nhiễm môi trường. Rồi đô thị hóa đi trước quy hoạch, nhà xây nhưng không có hạ tầng, hồ, ao bị lấp lấy đất xây nhà… hậu quả là úng ngập.

Hà Nội sau khi mở rộng có một khối lượng di sản đồ sộ. Hà Nội đã nhận diện quỹ di sản này nhưng để bảo tồn cần phải có lộ trình và giải pháp thích hợp. Vai trò của cộng đồng chưa được phát huy, nhiều di tích người dân muốn trùng tu nhưng không có chuyên gia; ngược lại công trình có chuyên gia tham gia thì cộng đồng không ủng hộ. Định hướng xã hội hóa là đúng nhưng thiếu cơ chế cho doanh nghiệp đóng góp, đầu tư để hoàn thiện quy hoạch cũng là câu chuyện chung đối với lĩnh vực ít hoặc không có lợi nhuận như công ích, vườn hoa, hạ tầng kỹ thuật, xã hội…

Tại hội nghị tổng kết Chương trình 06 của Thành ủy "Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2010-2015", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu, phải tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; đồng thời cho biết, sẽ kiến nghị Thành ủy tiếp tục đưa vấn đề phát triển đô thị và quản lý đô thị làm nhiệm vụ trọng tâm, chương trình lớn của Thành ủy khóa tới. Thành phố sẽ chú trọng phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng khung giao thông, cấp, thoát nước, điện, viễn thông… Dù còn nhiều khó khăn nhưng ai cũng thấy, Thủ đô đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới thành phố xanh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.