Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới phương thức lãnh đạo - chìa khóa thành công

Võ Lâm| 01/08/2015 06:58

(HNM) - Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội đang được lấy ý kiến của nhân dân, Thành ủy Hà Nội nêu lên 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó đặc biệt lưu ý đến bài học thứ nhất: Phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Những đổi mới, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo tại các địa phương đã góp phần đẩy nhanh công tác dồn điền đổi thửa. Ảnh: Bá Hoạt



1. Bảy năm qua, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Hà Nội là đòi hỏi tất yếu. Với vai trò là Thủ đô, Hà Nội có tầm quan trọng đặc biệt. Từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội mang tầm vóc mới, nên mỗi nhiệm vụ đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền thành phố đều lớn hơn, đòi hỏi tầm, mức cao hơn. Hà Nội là Thủ đô, nhưng khu vực nông nghiệp, nông thôn rất rộng lớn, trong khi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao... Từ vấn đề hợp nhất bộ máy tổ chức, cán bộ; yêu cầu đồng thời làm tốt chức năng quản lý đô thị, vừa xây dựng, phát triển khu vực nông thôn; vấn đề quản lý và phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ cũng như bảo đảm sự vững vàng trong mọi tình huống trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh... đều là những thách thức vô cùng lớn đối với bộ máy lãnh đạo, quản lý thành phố. Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi từng nhận định: "Hà Nội phải giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ, trong đó có nhiều việc mới, việc khó, nhiều vấn đề cũ - mới đan xen. Tất cả đều đòi hỏi phải giải quyết hài hòa. Chỉ riêng việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản, di tích lịch sử - văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị qua các dự án như: Xây dựng cầu vượt ở nút giao thông Ô Chợ Dừa, bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, di tích cầu Long Biên… đã là một bài toán rất khó, đòi hỏi đổi mới phương thức lãnh đạo".

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cấp ủy, chính quyền Hà Nội không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá, đồng thời xây dựng 9 chương trình công tác toàn khóa. Trong bối cảnh công việc đặt ra thì nhiều, sức người, nguồn lực còn hạn chế, thành phố đã chọn ra những việc quan trọng, cấp thiết nhất để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm giải quyết. Đó là những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những việc nóng, việc đột xuất phát sinh, trực tiếp tác động đến sản xuất và đời sống người dân. Mỗi năm thành phố chọn một chủ đề, hai năm 2014, 2015 chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị" chính là theo cách đó. Cùng với lựa chọn công việc đúng và trúng, thành phố đã tập trung đổi mới cách thực hiện, giải quyết trên tinh thần kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả.

Bảy năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, nhiều lĩnh vực quan trọng, vốn là những vấn đề nóng, bức xúc hoặc yếu kém, đều có những chuyển biến tích cực như quản lý đô thị nói chung (quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng); ùn tắc giao thông; cải cách hành chính; văn hóa - văn minh đô thị; ô nhiễm môi trường... Kết quả đổi mới phương thức lãnh đạo đã trang bị cho cấp ủy, chính quyền thành phố sự phản ứng linh hoạt trước những vấn đề nóng, mới phát sinh. Điều này đã phát huy hiệu quả rõ rệt mà dẫn chứng tiêu biểu là Hà Nội đã triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chỉ trong hơn một ngày, toàn bộ hơn 17.000 chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố đã tổ chức sinh hoạt để phổ biến chỉ đạo của Thành ủy. Từ việc tiếp thu, đồng thuận của 38 vạn đảng viên đã nhanh chóng lan tỏa khắp thành phố, thống nhất nhận thức thể hiện lòng yêu nước ở thời điểm đó không phải là kéo nhau xuống đường biểu tình, tuần hành. Hà Nội đã giữ bình yên tuyệt đối, càng gia tăng sự yên tâm, tin tưởng của các nhà đầu tư. Cách ứng phó trong tình huống này đã trở thành kinh nghiệm được phổ biến rộng rãi tại nhiều hội nghị của Trung ương.

2. Chính nhờ không ngừng quan tâm, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, liên tục trau dồi bản lĩnh, kinh nghiệm xử trí các tình huống mới, vấn đề khó, Hà Nội đã lãnh đạo tổ chức thành công đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, đặc biệt là các đại hội gặp khó khăn đều đã diễn ra êm thuận, thành công, tạo được khí thế phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân. Ví dụ có thể kể đến là việc chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai. Những vi phạm về kỷ luật đảng tại đây diễn ra trong một thời gian dài, nhưng với cách giải quyết lấy lợi ích của nhân dân làm trọng, Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã, mở ra một thời kỳ mới cho địa phương này. Từ cách giải quyết ở Thanh Văn hay trước đó là việc giải quyết thành công vấn đề phức tạp xảy ra ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên năm 2012... đã cho thấy phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo hết sức chủ động, linh hoạt, quyết liệt và hiệu quả.

Kết quả đổi mới phương thức lãnh đạo của thành phố đã lan tỏa xuống các cấp, ngành. Nhiều quận, huyện, xã, phường có sự tiến bộ vượt bậc, tạo được đột phá nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo. Quận Long Biên tạo dấu ấn về công tác GPMB, phát triển hạ tầng và xây dựng đô thị; các huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Phúc Thọ... tiến bộ vượt bậc về xây dựng nông thôn mới; quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm làm tốt công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng... Nhiều xã, phường trước gặp khó khăn, thậm chí là địa bàn yếu kém, nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo đã chuyển biến rõ rệt. Chẳng hạn như Đảng bộ xã Văn Hoàng (huyện Phú Xuyên) từng bị xếp loại yếu kém đã vươn lên trở thành Đảng bộ trong sạch, vững mạnh hay xã Hợp Thanh từng xảy ra nhiều sai phạm về quản lý nay là một trong những xã đi đầu về xây dựng nông thôn mới của huyện Mỹ Đức...

3. Mặc dù đạt được những thành công đáng kể, nhưng từ quan điểm không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, Hà Nội luôn hướng tới những mục tiêu cao hơn với tinh thần cầu thị và học hỏi. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị từng nhấn mạnh: "Chúng ta vui mừng, trân trọng trước mỗi thành công và tiến bộ; đồng thời cũng hằng ngày, hằng giờ chúng ta băn khoăn, trăn trở, tự phê bình nghiêm túc về những việc chưa làm được cùng với những yếu kém, khuyết điểm của mình. Việc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phê bình, góp ý đúng đắn và xây dựng của nhân dân, của báo chí cũng quan trọng không kém việc chúng ta ghi nhận, biểu dương thành tích, ưu điểm. Trung ương cũng như nhân dân luôn đòi hỏi thành phố Hà Nội phải làm tốt hơn, phải sửa chữa, khắc phục kiên quyết hơn những yếu kém, khuyết điểm". Đó có lẽ là tâm thế cần thiết đối với mỗi cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên Thủ đô cần có trước nhiệm vụ đang đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới phương thức lãnh đạo - chìa khóa thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.