Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu

HNM| 07/08/2015 07:03

(HNM) - Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với các nội dung trong dự thảo đã đề cập, trong đó có nhiều vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội.


Có thể nói, sản xuất nông nghiệp trong 5 năm qua của Hà Nội không chỉ chuyển động theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả mà đã đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ… Tuy nhiên, ở nội dung kết quả đạt được cần nêu bật một số nội dung.

Thứ nhất, thành phố đã xác định rõ, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, bởi nông nghiệp Thủ đô có đặc điểm riêng, vừa sản xuất vừa cung cấp thông tin chuyên ngành với hàm chứa lượng tri thức cao. Trên cơ sở đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô.

Thứ hai, nông nghiệp Hà Nội đã có những chuyển biến bước đầu về tổ chức sản xuất, đã hình thành các hình thức hợp tác, không những trong nội bộ thành phố, mà còn với các tỉnh, thành phố trong cả nước dưới nhiều hình thức khác nhau như liên kết để cung cấp sản phẩm cho thị trường Hà Nội và ngược lại.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp thay đổi, nhất là đê điều, thủy lợi được đầu tư bảo đảm phục vụ đa mục tiêu. Hà Nội được đánh giá là địa phương có trang trại, gia trại nhiều nhất cả nước, với hơn 1.360 trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Toàn thành phố có gần 1.000 HTX nông nghiệp... Một yếu tố khá quan trọng không thể không nhắc tới, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp của Hà Nội khá bài bản, là địa phương có số lượng cán bộ lãnh đạo cấp xã có trình độ đại học nhiều nhất cả nước, có xã có tới 80% cán bộ tốt nghiệp đại học liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp...

Ở nội dung liên quan đến những tồn tại hạn chế, báo cáo đã chỉ rõ thực trạng. Để khắc phục hạn chế, định hướng phát triển nông nghiệp trong nhiệm kỳ tới, tôi cơ bản nhất trí với các nội dung đã đề cập trong báo cáo. Tuy nhiên, về quan điểm, phải thay đổi tư duy mới đáp ứng được tình hình mới, bởi vì sự chuyển động hội nhập của thế giới nhanh như vũ bão. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang cùng "sân chơi" rộng lớn với nhiều quốc gia khác trên thế giới, chỉ khác nhau về hàng rào kỹ thuật. Tất cả sản phẩm nông nghiệp có ở Hà Nội thì thế giới cũng có. Nếu sản phẩm nhập khẩu rẻ và đẹp hơn, người tiêu dùng sẽ sử dụng và không sử dụng sản phẩm trong nước. Từ đó, phải có tư duy về hội nhập, về thị trường, kinh tế, hợp tác và mở cửa.

Lâu nay, thành phố định hướng phát triển nông nghiệp đô thị gắn với sinh thái bền vững, hiệu quả. Thời gian tới, dứt khoát nông nghiệp Thủ đô phải thay đổi về các mặt: Cần xác định rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị thời hội nhập và phải được nghiên cứu kỹ với sự góp ý của những chuyên gia đầu ngành để có định hướng đúng. Phải xác định rõ thị trường, vùng xung quanh Hà Nội để xác định mục tiêu sản xuất, cung cấp sản phẩm nông sản có ưu thế vượt trội và có hàm lượng công nghệ cao. Đây là nhiệm vụ số một. Xu hướng chung, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không ô nhiễm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có chất kháng sinh, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ...

Về tổ chức sản xuất, phải hình thành các chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo Luật HTX sửa đổi, các HTX nên liên kết lại với nhau theo địa giới hành chính hoặc không, miễn là thực hiện theo điều lệ, đăng ký cổ phần... Hà Nội phải chọn được doanh nghiệp có năng lực và xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp trở thành "đầu kéo" thì mới tạo ra chuyển biến mạnh. Đây là khâu then chốt và nếu thực hiện tốt, chắc chắn nông sản của Hà Nội đủ sức cạnh tranh với thế giới. Khoa học, công nghệ là then chốt trong sản xuất nông nghiệp hiện đại và đón đầu những tiến bộ khoa học tiên tiến nhất của thế giới hiện nay là rất cần thiết.

Trong bối cảnh hội nhập, thời gian tới khoảng 2.600 sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế. Theo tôi, Hà Nội phải đón đầu ngay 3 khâu. Thứ nhất, chọn giống cây trồng, vật nuôi tốt nhất của thế giới đưa vào sản xuất. Thứ hai, áp dụng ngay khoa học quản lý vì đây vẫn là khâu yếu kém lâu nay. Thứ ba, thực hiện hiệu quả đào tạo nhân lực, hướng đào tạo tốt nhất theo sự lan tỏa, nên chọn những hạt nhân có năng lực đào tạo trong nước và nước ngoài, sau đó truyền đạt lại kiến thức tới nông dân. Thành phố Hà Nội cũng nên đẩy mạnh phát triển nông nghiệp dịch vụ; hợp tác đầu tư công - tư (PPP); vận dụng tối đa chính sách đầu tư cho nông nghiệp và tuân thủ bảo hộ sản xuất nông nghiệp… 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.