Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy nguồn lực tri thức, góp phần phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô

GS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội| 09/08/2015 06:23

(HNM) - Trong giai đoạn hiện nay, để Hà Nội triển khai thành công chiến lược phát triển nhanh và bền vững, nhất định phải đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu chuyển giao tri thức và ứng dụng công nghệ tiên tiến.


Đây là những mục tiêu được khẳng định trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV tại Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội. Đây cũng là yêu cầu bức thiết của thực tiễn bởi hiện nay, Hà Nội đang phải giải quyết một loạt vấn đề có độ phức hợp cao như: Bảo tồn và phát triển, quy hoạch đô thị và quy hoạch phát triển, xây dựng và nhân rộng những mô hình sinh kế đô thị và sinh kế ven đô hiệu quả, bền vững...

Quan trọng hơn, nếu triển khai được những giải pháp hữu hiệu, Hà Nội sẽ là địa bàn thuận lợi nhất để phát triển kinh tế tri thức và trở thành đầu tàu kinh tế tri thức của cả nước. Hà Nội là nơi có hàng trăm viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng với hàng vạn nhà khoa học, trong đó có hàng nghìn nhà khoa học đầu ngành, thuộc đủ các lĩnh vực, các ngành chuyên môn. Hà Nội lại là nơi được đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao và các cơ sở KH&CN với tiềm năng mạnh.

Hà Nội lại là địa bàn diễn ra giao lưu tri thức và văn hóa lớn nhất, sôi động nhất cả nước, hằng năm có hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia, quốc tế và đang triển khai hàng nghìn đề án hợp tác quốc tế, các chương trình KH&CN cấp quốc gia. Vì vậy, nếu khai thác, phát huy tốt nguồn lực trí tuệ to lớn này thì nhất định Hà Nội sẽ phát triển kinh tế tri thức một cách hiệu quả và bền vững. Ngược lại, nếu không thực hiện được vấn đề nêu trên một cách hiệu quả thì đó sẽ là một sự lãng phí nguồn lực to lớn. Hơn nữa, là nơi tập trung đông đảo nhất đội ngũ trí thức, Hà Nội sẽ luôn đối mặt với những sự phản biện, phê phán... không phải lúc nào cũng thuận chiều.

Nhằm phát triển kinh tế tri thức, phát huy nguồn lực to lớn mà Hà Nội đang có, trong những năm trước mắt, chúng tôi cho rằng nên tập trung vào một số hướng cơ bản sau đây:

Thứ nhất: Giải quyết bài toán về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Hà Nội có hệ thống di sản văn hóa giàu có, phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều di sản vô giá. Các di sản đó cần được bảo tồn, phát huy và trở thành một nguồn lực phát triển. Đồng thời, với tư cách là Thủ đô, nhu cầu phát triển nhanh và bền vững để trở thành một đô thị lớn, hiện đại, năng động cũng hết sức lớn lao và cấp bách. Hà Nội đang là một trọng điểm CNH, HĐH, đô thị hóa sôi động nhất. Hai nhu cầu này, nếu không giải quyết một cách hài hòa thì sẽ là một trong những "điểm nghẽn" của quá trình phát triển. Từ những vấn đề liên quan đến khu Hoàng thành Thăng Long, đàn Xã Tắc, chùa Trăm Gian, cầu Long Biên, làng cổ Đường Lâm... đã cho thấy rõ thực trạng này. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như những cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên địa bàn có khả năng tổ chức triển khai giúp Hà Nội giải quyết tốt bài toán này.

Thứ hai: Xây dựng hành trang văn hóa của người Hà Nội trong quá trình hội nhập quốc tế. Cùng với cả nước, Hà Nội đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Trong quá trình đó, quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa diễn ra ở Hà Nội hết sức sôi động và phức tạp. Trong những năm qua, bên cạnh việc tiếp thu có chọn lọc một số thành tựu và tinh hoa văn hóa nhân loại, đã xuất hiện hiện tượng tiếp nhận xô bồ, du nhập tràn lan những trào lưu và hiện tượng văn hóa tiêu cực. Cùng với đó là quá trình phục hồi giá trị văn hóa truyền thống thiếu định hướng khiến cho nhiều hiện tượng lệch chuẩn, phản văn hóa xuất hiện trong đời sống văn hóa Hà Nội. Rõ ràng là cần có những nghiên cứu nhằm xây dựng hành trang văn hóa cho người Hà Nội trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thứ ba: Trong lĩnh vực xã hội và quản lý đô thị. Hà Nội là một đô thị lớn và với vị thế Thủ đô thì nhu cầu đặt ra đối với quản lý đô thị và xã hội là vô cùng cần thiết. Do vậy cần tập trung vào một số trọng tâm như: Nghiên cứu, khảo sát về sinh kế của các nhóm cư dân cơ bản của Hà Nội ở tất cả các khu vực (nội đô, ngoại thành) nhằm xây dựng một Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành cung cấp thông tin đầu vào sát thực, tin cậy cho quá trình xây dựng chính sách của Hà Nội (quy hoạch, chiến lược, chính sách, giải pháp phát triển ...) góp phần xây dựng mô hình sinh kế bền vững, hiệu quả của nhân dân Hà Nội. Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền khu vực đô thị, khu vực nông thôn của Hà Nội theo nguyên tắc của quản lý phát triển. Xây dựng một số bộ công cụ quản lý hiện đại, tiện dụng, như hệ thống atlas, đặc biệt là Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp, các phần mềm quản lý chuyên biệt. Xây dựng thuật toán giúp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.

Thứ tư: Trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, định hướng ưu tiên là triển khai một số nghiên cứu nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các khu vực nội thị và nông thôn Hà Nội: Giảm thiểu ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính, xử lý rác thải ở các khu vực nội đô giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, giải pháp xử lý và giảm thiểu ô nhiễm ở các làng nghề... Phát triển một số nguồn năng lượng sạch ở Hà Nội: Năng lượng mặt trời, địa nhiệt; các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Thứ năm: Trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ, định hướng ưu tiên là triển khai một số đề tài, dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng) nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển kinh tế tri thức của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy nguồn lực tri thức, góp phần phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.