Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tọa đàm trực tuyến "Viết tiếp trang sử hào hùng của những ngày tháng 8-1945 lịch sử"

Hànộimới| 27/08/2015 06:21

(HNMO) - Trong không khí Thủ đô và cả nước có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, sáng nay (27-8), tại trụ sở Báo Hànộimới diễn ra cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Viết tiếp trang sử hào hùng của những ngày tháng 8-1945 lịch sử".

11:47 27/08/2015

Phát biểu kết thúc cuộc tòa đàm, bà Mai Kim Thoa – Phó TBT Báo Hànộimới đánh giá:

Trong vòng 3 tiếng đồng hồ, tuy thời gian không nhiều nhưng chúng ta đã được nghe rất nhiều câu chuyện bổ ích. Đây là cách tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng 8 một cách thiết thực, hiệu quả.

Thay mặt cho Báo Hànộimới, xin hứa trong tương lai báo sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc tọa đàm tương tự để thế hệ bạn đọc trẻ tuổi thêm trân quý những gì chúng ta có được ngày hôm nay.

Xin được gửi lời cảm ơn tới các bác, những người làm nên lịch sử. Chúng cháu xin hứa sẽ tiếp tục con đường của các bác, bằng những nhiệm vụ hiện nay, phấn đấu góp sức xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ dạy. Chúng cháu sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn hiện nay để tiếp bước các thế hệ đi trước.

Một lần nữa xin chúc sức khỏe các vị đại biểu, các em học sinh và xin chân thành cảm ơn!

Phó TBT Báo Hànộimới Mai Kim Thoa chụp ảnh ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự toạ đàm.




11:44 27/08/2015

Ông Nguyễn Hải Hào xúc động chia sẻ thêm với các em học sinh:

Các cháu ngày nay đi học quá sung sướng vì được chăm sóc đủ đầy. Năm 1945 chúng tôi đi học bị chịu nhục với lính Pháp rất nhiều, nó bắt học sinh mình quỳ mình phải quỳ, thầy giáo đứng đấy cũng không làm gì được. Điều đó bác mới khẳng định các cháu học sinh giờ đây sung sướng như thế nào khi được sống trong một đất nước tự do không bị cai trị.

11:43 27/08/2015

Ông Lê Đức Vân - Ủy viên Ban Thanh vận:


Xin cảm ơn Báo Hànộimới đã tổ chức một cuộc tọa đàm rất lý thú và chất lượng, không chỉ với chúng tôi và các em mà còn với độc giả của báo. Chúng ta đã có cuộc trò chuyện sơ lược về Cách mạng tháng Tám - sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam, kết nên khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ và thống nhất đất nước. Qua sự kiện này, đồng bào Hà Nội cũng sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám. Sau 19/8, những địa phương khác mới làm xong Cách mạng, nhưng Đảng và Nhà nước đã lấy ngày làm Cách mạng của Hà Nội làm ngày kỷ niệm. Đó là vinh dự của nhân dân Hà Nội.

Ngày hôm này, nghe phát biểu của các anh chị và các em, chúng tôi thấy rất yên tâm khi đã đóng góp một phần nhỏ vào sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Hôm vừa rồi được 98 thủ khoa trong kỳ thi đại học năm 2015, tôi rất cảm động vì các em được học tập và đào tạo trong một môi trường chính quy, đây chính là thành quả Cách mạng hiện lên ngay trước mắt.

Trước đây, chúng tôi gặp Tây, gặp Nhật đều không dám nhìn thằng mà phải tìm cách tránh đi. Tôi còn nhớ có một bà cụ bớt một phần lương thực của Nhật cho ngựa ăn, đã bị Nhật phát hiện và chôn sống vào bụng ngựa. Bây giờ chúng ta được sống trong độc lập, các em hãy giữ vững và phát huy thành quả này để nước ta ngày càng có vị thế xứng đáng, đúng theo lời Bác Hồ dạy: Xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tôi rất mong muốn và tin tưởng thế hệ sau này sẽ làm được điều đó.

11:34 27/08/2015

Bạn Vũ Hương Giang – học sinh PTTH chuyên Sử Chu Văn An:

Qua buổi tọa đàm này, cháu đã hiểu sâu sắc hơn về lịch sử và tự hào về dân tộc. Vì vậy cháu hứa quyết tâm học tập tốt để tiếp bước những thế hệ cha anh.

Bạn Vũ Hương Giang – học sinh PTTH chuyên Sử Chu Văn An

11:33 27/08/2015

Bạn Nguyễn Đức Mạnh, học sinh trường THPT Chu Văn An bày tỏ:

Hôm nay, cháu đã cảm nhận được nhịp thở Cách mạng tháng 8 năm 1945. Qua buổi tọa đàm hôm nay, cháu hiểu thêm về nỗi khó khăn, vất vả của các ông, các bác cách đây 70 năm, giúp cháu càng thêm tin yêu vào cuộc sống, để tiếp tục học, cống hiến và chứng kiến sự đổi mới của đất nước.

Thay mặt cho các bạn học sinh Thủ đô, cháu xin gửi lời tri ân tới các vị lão thành cách mạng và các nhân chứng lịch sử.

Em Nguyễn Đức Mạnh, học sinh trường Chu Văn An, chia sẻ cảm xúc.

11:32 27/08/2015

Em Nguyễn Thượng Đạt- Học sinh lớp 11, trường THPT Chu Văn An:  

Là học sinh trường Chu Văn An, ngôi trường có truyền thống yêu nước, và học giỏi, cháu cảm thấy rất vinh dự và tự hào được tham dự cuộc tọa đàm hôm nay, được gặp những nhân chứng sống ở đây, cháu rất xúc động. Được nghe các ông, các bác kể lại, thấy 70 năm trước đất nước rất khó khăn, nạn đói, giặc Pháp, Nhật đô hộ… Chúng ta không còn con đường nào khác là phải làm cách mạng. Thấy các ông, các bác khi ấy cũng trẻ như chúng cháu bây giờ, chỉ 17 -18 tuổi nhưng dũng cảm, đi theo cách mạng.

Chúng cháu mong được gặp các bác nhiều lần hơn nữa, mong các bác luôn mạnh khỏe để bảo ban, kể cho chúng cháu nhiều câu chuyện lịch sử hay hơn nữa.

Em Nguyễn Thượng Đạt, học sinh trường Chu Văn An, chia sẻ cảm xúc.

11:28 27/08/2015

Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền chia sẻ:

Trước hết, tôi xin bày tỏ tình cảm với chương trình, chính hoạt động do Báo Hànộimới tổ chức hôm nay đã góp phần chứng minh việc dạy môn lịch sử như thế nào. Ngày hôm nay có cả các bác là nhân chứng lịch sử, cùng các em học sinh. Đây chính là cách nhìn mới trong vấn đề dạy lịch sử. Các nước khác dạy lịch sử tại bảo tàng và các địa danh lịch sử để gây hứng thú cho các em. Nhưng rất tiếc, hiện nay chúng ta vẫn dùng phương pháp thầy đọc, trò chép.

Tôi sinh ra vào 9/1945, tuy không đúng dịp 2/9 nhưng tôi cũng được ông bà, cha mẹ kể lại những ngày tháng hào hùng ấy. Xin cảm ơn các bác – những người đã đưa lịch sử Việt Nam sang trang mới. Chúng tôi sẽ kế tục và làm cho lịch sử Việt Nam tiếp tục phát triển.

Tôi là Hiệu trưởng trường Đoàn Thị Điểm. Hiện trường đã bước vào năm thứ 19. Tôi khẳng định mình thành công trong lĩnh vực giáo dục ngoài công lập bởi trường tôi có 110 lớp tiểu học, 3 cơ sở khang trang ở Hà Nội và 1 cơ sở liên cấp ở Hạ Long.

Tôi không được chứng kiến những năm tháng hào hùng năm 1945 nhưng tôi lại chứng kiến thời kỳ Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc. Khi là sinh viên năm thứ 3, tôi xung phong vào bộ đội với vai trò phiên dịch. Bởi vậy tôi cũng mang trong mình hình bóng người lính và điều này đã giúp tôi rất nhiều khi đóng vai trò lãnh đạo.

Một trong những thành công của trường Đoàn Thị Điểm là chúng tôi lấy việc dạy người làm gốc. Các em không chỉ là công dân Việt Nam mà còn là công dân toàn cầu. Các em không chỉ học lịch sử trong lớp mà còn được đi thăm tất cả bảo tàng tại Hà Nội và những vị trí có dấu ấn lịch sử như Lăng Bác, Tượng đài Lý Thái Tổ… Việc giáo dục truyền thống ở tiểu học vô cùng quan trọng, giúp các em tự hào và có những hành động thiết thực với đất nước.

Đầu tháng 8 vừa rồi, các em học sinh được đi viếng Lăng Bác và thăm Bảo tàng Hà Nội. Chúng tôi cũng sân khấu hóa lịch sử vào thứ hai hàng tuần bằng những hình ảnh gây ấn tượng với các em học sinh. Trong những giờ ra chơi, chúng tôi cho phát những bài hát phù hợp với các dịp kỷ niệm. Ngoài ra, chúng tôi cũng mời những nhân chứng lịch sử đến nói chuyện với các em. Các hoạt động đó sẽ tạo hứng thú cho học trò, thay vì đọc cho các em chép.

Trong kỳ thì THPT vừa qua, có rất ít học sinh chọn môn lịch sử. Tôi tin là sắp tới sẽ có những đổi mới lớn trong phương pháp giảng dạy. Lịch sử nếu được dạy đúng cách sẽ là một môn học vô cùng thú vị. Đoàn Thị Điểm là ngôi trường của ước mơ và nhân ái, tất cả học sinh tại trường đều phải tham gia hoạt động nhân ái, từ thiện. Đây cũng là một trong những hoạt động góp phần xây dựng truyền thống.

Các em thấy được sự ra đời, lịch sử của đất nước Việt Nam đã phải trả bằng những gì, từ đó, trân trọng những gì chúng ta có được hôm nay.

11:12 27/08/2015

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, giao lưu, chia sẻ tại toạ đàm:




Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền là người sáng lập và liên tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hiệu trưởng trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm - mái trường nổi tiếng hàng đầu đất Thăng Long với mô hình phát triển giáo dục toàn diện, được đông đảo phụ huynh và học sinh tín nhiệm. 


Năm nay, dù đã ở tuổi ngoài 70, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền vẫn miệt mài, tâm huyết và đam mê cháy bỏng trong sự nghiệp trồng người. Bà là một trong 10 gương mặt được vinh danh là Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2014.



11:10 27/08/2015

Thượng tá Lê Đức Đoàn chia sẻ:

Tôi rất vinh dự được tham dự buổi tọa đàm này. Chúng tôi là thế hệ con cháu vì cha anh của chúng ta đã một lòng một dạ đi theo Đảng, đã ghi dấu ấn trong lịch sử thế giới tức là ngày 19/8 giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Hôm nay tôi vinh dự được nghe các bác, các anh kể lại về lịch sử ngay tại cuộc toạ đàm do Báo Hànộimới tổ chức.

Với gần 40 năm tham gia lực lượng công an nhân dân, là con cán bộ kháng chiến nghèo trước đây là lưu học sinh liên bang Nga, tôi có niềm tin đối với nhân dân và nhân dân cũng có niềm tin với mình nên rất vui.

Trong quá trình làm việc, tôi đã giúp được những người có hoàn cảnh éo le. Theo tôi, những người có trái tim nồng ấm đều giúp được người có hoàn cảnh ấy. Dù những đóng góp của mình vẫn còn nhỏ nhưng tôi rất tự hào.

11:01 27/08/2015

Thượng tá Lê Đức Đoàn - Đội CSGT số 1- CATP Hà Nội, Công dân ưu tú Thủ đô năm 2012 chia sẻ niềm vinh dự khi tham gia buổi Toạ đàm, về niềm vinh dự khi được nhân dân tin yêu trong suốt 40 năm công tác.

Thượng tá Lê Đức Đoàn - Đội CSGT số 1- CATP Hà Nội được vinh danh Công dân ưu tú Thủ đô năm 2012, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2013 và được Chủ Tịch nước tặng huy chương chiến công năm 2014. Tính đến khi nghỉ hưu (năm 2014), Thượng tá Lê Đức Đoàn đã có gần 40 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân, trong đó có 19 năm đảm nhận công việc đảm bảo an ninh trật tự giao thông trên cầu Chương Dương. Đáng chú ý, trong thời gian đó, thượng tá Đoàn đã thuyết phục và cứu khoảng 40 người có ý định nhảy cầu Chương Dương tự tử, đã từng vứt bỏ xe máy, chạy bộ bắt cướp, nhiều lần đưa trẻ em đi lạc về tận gia đình... Có thể nói, Thượng tá Lê Đức Đoàn là người CSGT được yêu mến nhất cả nước năm 2014, trên mạng xã hội có cả một trang "Hội những người hâm mộ Thượng tá Lê Đức Đoàn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm trực tuyến "Viết tiếp trang sử hào hùng của những ngày tháng 8-1945 lịch sử"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.