Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyên ngôn Độc lập - Giá trị dân tộc và thời đại

Minh Ngọc| 29/08/2015 06:10

(HNM) - 70 năm trước, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử...


Với dung lượng 1.021 từ, giá trị, ý nghĩa, sức lan tỏa của Tuyên ngôn Độc lập đã được chứng minh trong thực tiễn phát triển của Cách mạng Việt Nam suốt 70 năm qua cũng như phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Hội thảo khoa học với chủ đề "Tuyên ngôn Độc lập - Giá trị dân tộc và thời đại" diễn ra ngày 28-8, tại

Bảo tàng Hồ Chí Minh do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tiếp tục khẳng định Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam, đồng thời hàm chứa những giá trị thời đại sâu sắc.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam mới, mở ra bước ngoặt vĩ đại của dân tộc để hôm nay lớp lớp người dân được hưởng thành quả: Sống trong tự do, hòa bình, no ấm.Ảnh: Nhật Nam


Nhiều giá trị to lớn

PGS,TS. Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phân tích: Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện khai sinh ra nước Việt Nam mới, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc. Bản tuyên ngôn hàm chứa nhiều giá trị và một trong những giá trị nổi bật nhất đó là sự khẳng định về quyền con người, quyền dân tộc. "Quyền con người, quyền dân tộc luôn là vấn đề tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhân loại.

Nhưng trên thực tế có thời kỳ những giá trị tốt đẹp đó chỉ dành cho thiểu số người trong xã hội (nam giới, người da trắng, người giàu…). Thấy rõ đó là sự bất bình đẳng, bất hợp lý, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "không phải chỉ thiểu số người", mà "tất cả mọi người" sinh ra đều bình đẳng và đều được hưởng các quyền thiêng liêng con người, nhất là quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Trên cơ sở bổ sung và phát triển về quyền con người, Tuyên ngôn Độc lập đã tiến tới xác lập quyền của cả một dân tộc, của tất cả các dân tộc được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Đây là những quyền bất khả xâm phạm" - PGS,TS. Phạm Ngọc Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thu Hường (Bảo tàng Hồ Chí Minh) nhận định: Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là bản tuyên ngôn đầu tiên hay duy nhất khẳng định sự độc lập của dân tộc Việt Nam. Bởi trước đó, chúng ta đã biết đến Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi). Nhưng, các bản tuyên ngôn trước chỉ đề cập chủ quyền của dân tộc, chủ quyền lãnh thổ mà chưa nói đến quyền độc lập dân tộc, quyền tự do và quyền con người. Việc nâng quyền con người lên thành quyền dân tộc là sự vận dụng sáng tạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không chỉ đề cao quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập, ngay sau khi chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bảo đảm các quyền con người, quyền công dân cho nhân dân bằng một cơ chế dân chủ. Theo bà Trần Thị Thanh Hằng (Bảo tàng Hồ Chí Minh), cơ chế đó chính là bộ máy Nhà nước đủ mạnh; thật sự dân chủ, được lập ra thể theo nguyện vọng của nhân dân và phục vụ nhân dân. Vì thế, nước ta mới sớm có cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, Hiến pháp năm 1946. Tuyên ngôn Độc lập đã vượt qua thời gian, không gian và được coi là tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của các dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc, văn minh; đồng thời, loại bỏ mọi bất công, bất bình đẳng. Đây cũng là nhận định của của nhiều nhà khoa học tham dự hội thảo.

Những bài học còn nguyên tính thời sự 

Trên thực tế, những giá trị lý luận, khoa học, thực tiễn, những quan điểm mang tính nhân văn, bác ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập đã và đang được Đảng, nhân dân ta vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt.

Theo bà Phạm Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập không những mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam mà còn có giá trị quan trọng đối với công cuộc xây dựng đất nước. Sự thống nhất, biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta coi là bài học quý giá trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Tuyên ngôn Độc lập thấm đượm tinh thần yêu nước, là tuyên ngôn về ý chí tự lập, tự cường của dân tộc ta. Bà Nguyễn Thị Tình (Bảo tàng Hồ Chí Minh) mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn nữa việc giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí phấn đấu vươn lên, nhất là đối với thế hệ trẻ. Có như vậy, Việt Nam mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như mong mỏi của Bác kính yêu.

Phân tích ý nghĩa của vấn đề quyền con người, quyền dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập, bà Nguyễn Thị Kim Dung (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: Trong thời đại ngày nay, vấn đề nhân quyền, dân quyền và quyền của các dân tộc gắn liền với các mục tiêu lớn của loài người, đó là hòa bình, hợp tác và phát triển; độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Đối với mỗi con người, quyền con người không phải tự nó đến mà phải qua đấu tranh kiên cường, bền bỉ mới có được. Đối với mỗi dân tộc, nếu không có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì không thể có tự do, độc lập. Vì thế, đấu tranh vì quyền của con người phải gắn liền với cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc…

Giá trị dân tộc và thời đại trong Tuyên ngôn Độc lập cho đến nay vẫn vẹn nguyên ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên ngôn Độc lập - Giá trị dân tộc và thời đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.