Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 8: Đồng bộ cải cách hành chính

Hà Phong| 05/10/2015 05:58

(HNM) - Là một trong chín chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XV, một trong hai khâu đột phá của nhiệm kỳ 2010-2015, Chương trình số 08-CTr/TU đã kế thừa, phát huy tốt kết quả của các nhiệm kỳ trước trong công tác cải cách hành chính.

Tạo chuyển biến đồng bộ

So sánh các chỉ số CCHC thành phần qua các năm của Hà Nội có thể nhận thấy, bên cạnh những kết quả được Bộ Nội vụ đánh giá cao, mang ý nghĩa điển hình thì tốc độ cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông năm 2014 của Hà Nội có xu hướng giảm so với năm 2013. Và ngay trong những tháng đầu năm 2015, Hà Nội cũng đã thẳng thắn nhận diện những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là nhận thức của một số cấp ủy về trách nhiệm đối với công tác CCHC còn hạn chế, cá biệt có nơi coi đây là nhiệm vụ của chính quyền. Việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện phân cấp quản lý kinh tế - xã hội triển khai chưa quyết liệt, chậm so với yêu cầu. Việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến qua mạng còn ít và kém hiệu quả. Sự phối hợp trong thực thi công vụ có việc còn lúng túng.

Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” phường Trung Tự (quận Đống Đa). Ảnh: Bảo Kha


Đáng lưu ý hơn, tuy chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố về tổng thể đã có nhiều tiến bộ, nhưng một số tiêu chí đánh giá chưa có chuyển biến đáng kể, như: Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính năng động và tiên phong của các cấp chính quyền. Vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và công dân chưa tận tình. Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, đất đai... liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân, nhưng tính đến ngày 10-9-2015, Sở GD-ĐT, Sở GT-VT, Sở Y tế, Sở TN-MT và ngay cả Sở Tư pháp - vốn được mệnh danh là cơ quan gác cổng pháp luật của thành phố vẫn chưa thực hiện chế độ báo cáo công tác CCHC theo quy định của UBND thành phố. Thực tế đó cho thấy, CCHC vẫn phải là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá mà Thủ đô cần tiếp tục tập trung thực hiện nhằm tạo chuyển biến mạnh, đồng bộ hơn nữa.

Tiếp tục là khâu đột phá

Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình 08-CTr/TU Trần Huy Sáng cho biết: Từ nay đến hết nhiệm kỳ, BCĐ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt cấp ủy một số đơn vị khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra tại chương trình bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Theo dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV trình Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, CCHC tiếp tục được xác định là một trong ba khâu đột phá của thành phố giai đoạn 2015-2020, trong đó tập trung đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Nhận định cán bộ là gốc của mọi vấn đề; nếu cơ chế chính sách tốt nhưng không có sự vào cuộc mạnh mẽ của những cán bộ, công chức, viên chức thi hành và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thì cải cách chỉ nằm trên giấy, các quận, huyện, sở, ngành liên quan đều ủng hộ chủ trương trên, nhấn mạnh rằng đây là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, điều không ít cán bộ cấp dưới mong mỏi là song song với tăng cường kiểm tra giám sát, thành phố cần rà soát lại đội ngũ cán bộ, xây dựng quy trình, xác định rõ trách nhiệm phối hợp, giải quyết thủ tục hành chính liên thông liên quan đến một số sở, ngành... Có như vậy mới hạn chế triệt để tình trạng "đóng cửa", "việc anh anh làm, việc tôi tôi làm" trong giải quyết các thủ tục liên thông.

Kết quả triển khai thực hiện đề án Thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội cho thấy, việc tham mưu UBND thành phố sửa đổi Quyết định số 69/2013/QĐ-UBND ngày 30-12-2013 của UBND thành phố về việc ban hành quy định về sản xuất, cung cấp, sử dụng nước sạch và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn cho phù hợp với các nội dung tại bộ dịch vụ công công bố và yêu cầu CCHC do Sở Xây dựng chủ trì còn chậm. Mức độ chuyên nghiệp, thành thạo các quy trình giải quyết công việc và kỹ năng tư vấn để khách hàng dễ hiểu, dễ thực hiện ở các đơn vị thực hiện thí điểm chưa cao. Vẫn còn tình trạng giải quyết quá hạn hồ sơ đề nghị cung cấp dịch vụ công (tỷ lệ quá hạn là 13,7% tại Công ty TNHH MTV Nước sạch số 2 Hà Nội). Chưa kể, phần mềm hỗ trợ quá trình tiếp nhận và trả kết quả đã được triển khai nhưng chưa thực sự hoàn thiện. Kỹ năng sử dụng các phần mềm, thiết bị hỗ trợ của viên chức, nhân viên còn hạn chế.

Đây cũng là nguyên nhân khiến một bộ phận khách hàng chưa thực sự hài lòng. Thời gian tới, cùng với việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thành phố cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách chính sách tiền lương, nhằm tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ chất lượng, hiệu quả. Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của thành phố, một yêu cầu hết sức quan trọng là sự hỗ trợ, giúp đỡ đồng bộ của các bộ, ngành và trung ương thì công tác CCHC của Thủ đô mới thực sự chuyển biến tích cực hơn nữa, thúc đẩy Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 8: Đồng bộ cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.