Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho một Hà Nội hôm nay và mai sau

Hoàng Thu Vân| 10/10/2015 06:41

(HNM) - Kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô năm nay (10/10/1954 - 10/10/2015) diễn ra vào một thời điểm quan trọng, đó là đúng 5 năm sau khi Hà Nội của chúng ta tròn 1000 năm tuổi, và đặc biệt là Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI chuẩn bị diễn ra...

Một Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn đã và đang hình thành. Ảnh: Vũ Long


1. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, có “thế rồng cuộn hổ ngồi”, “tiện hướng nhìn sông dựa núi”, hàng nghìn năm trước ông cha ta đã chọn Hà Nội là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu toan nghiệp lớn. Từ kinh đô Cổ Loa của nhà nước Âu Lạc cách đây hơn 2.000 năm, đến kinh đô Thăng Long của nhà nước Đại Việt 1.000 năm trước; Từ một thành Đại La chu vi khoảng 6km, với hơn 5.000 nếp nhà cách đây 1.000 năm, đến ngày giải phóng khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, Thủ đô Hà Nội có diện tích 152,2km2 với 36 tuyến phố nội thành, 4 huyện ngoại thành, dân số 43,7 vạn người. Qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính vào các năm 1961, 1978, 1991 và 2008; Hà Nội hôm nay có diện tích tăng gấp 18 lần, dân số tăng gần 17 lần so với thời điểm năm 1954, và là một trong 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới.

Có thể thấy, trải qua bao biến thiên của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa và sức mạnh của đất nước và dân tộc Việt Nam. Và 61 năm trong lịch sử hơn 1.000 năm tuổi là khoảng thời gian không dài nhưng rất đặc biệt đối với Thăng Long - Hà Nội khi đã chứng kiến một trong các giai đoạn phát triển hào hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam cùng những bước chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội. Cảm động biết bao, trong 12 ngày đêm của mùa đông năm 1972 lịch sử, khi Thủ đô đang chìm trong bom đạn, khói lửa của quân thù mà nhà thơ Phan Vũ vẫn có một “Em ơi! Hà Nội phố” với những hình ảnh bình thản đến lạ lùng: “… Ta còn em mùi hoàng lan / Ta còn em mùi hoa sữa / Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ / Ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm…”. Nếu không có “mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, khó ai có thể hình dung bài thơ đã được sáng tác ngay trong những ngày Hà Nội đầy máu và nước mắt.

“Chân ta bước lòng ung dung tự hào” về “một thời đạn bom, một thời hòa bình”. 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cả nước và Hà Nội đã chung tay xây dựng Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng tầm với một Việt Nam đang vươn lên trong xu thế hội nhập và phát triển, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quy mô và tầm vóc mới cùng truyền thống nghìn năm văn hiến chính là nguồn sức mạnh giúp Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, thế hệ tiếp bước thế hệ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chung sức đồng lòng lập nên những chiến công hiển hách và thành tựu chói lọi, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng “Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng” của nhân dân cả nước.

Hà Nội bảo đảm những tiêu chí quan trọng của một đô thị phát triển bền vững, trong đó không gian mặt nước là yếu tố nổi bật. Ảnh: Trọng Đạt


2. Hôm nay, Hà Nội của chúng ta đang thay da đổi thịt từng ngày, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia - một vị thế chính trị có tầm quan trọng đặc biệt, đồng thời là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Trong “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao có “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về / Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào”, giờ đây khó có thể nhận ra hình ảnh của những Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy của 61 năm về trước - những nơi cũng từng xuất hiện trong “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi với tíu tít gánh gồng, làn áo xanh nâu…

Có thể nói Hà Nội hiện như một “đại công trường” để hướng tới tầm cao phát triển mới, hướng tới mục tiêu văn minh, hiện đại. Chỉ trong khoảng từ tháng 11-2011 - tức là thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 - đến tháng 6-2015, thành phố đã phê duyệt khoảng 420 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường. Một số đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng đến việc phát triển của thành phố đã hoàn thành như Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây, Quy hoạch chi tiết hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài... đã nhanh chóng được triển khai và phê duyệt. Một số đồ án quy hoạch chi tiết đối với khu vực quan trọng tiếp tục được tập trung hoàn thiện như đường Vành đai 3, đoạn Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Phạm Văn Đồng, đường Phạm Hùng, đường Vành đai 2,5, hai bên sông Tô Lịch… Do vậy cũng không ngạc nhiên khi bạn bè quốc tế và những ai xa Hà Nội, dù chỉ một khoảng thời gian ngắn cũng không khỏi trầm trồ, kinh ngạc trước những đổi thay.

Một “Hà Nội vùng lên, Hồng Hà cuộn sóng” trong thời đại mới, thời đại của hội nhập và phát triển. Có thể nói trong 5 năm qua, từ ngày Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn năm tuổi và dài hơn một chút là từ ngày Thủ đô chính thức mở rộng địa giới hành chính (1-8-2008) đến nay, thành phố đã khẩn trương bắt tay giải quyết một khối lượng công việc thật khổng lồ, trong đó có những vấn đề khó, những vấn đề mới và những việc chưa từng có tiền lệ. Song, ý thức đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, Đảng bộ Hà Nội và từng người dân với tình yêu mãnh liệt mảnh đất này đã xác định quyết tâm “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm”, nỗ lực tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của đất nước. Phải chăng vì lẽ đó, trong “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm từng viết: “Trong anh và em hôm nay / Đều có một phần đất nước”. Và như nhạc sĩ Phú Quang, người viết nhiều ca khúc mang dấu ấn rất riêng về Hà Nội với góc phố rêu phong, mái ngói xô nghiêng, những nhành cây, chiếc lá... từng tâm sự, yêu Hà Nội từ những điều bình dị và nhỏ nhặt bởi ẩn chứa sau đó là biết bao điều thiêng liêng khác nữa.

Trên thực tế, Hà Nội đã giành được những thành tựu to lớn, toàn diện. Hằng năm tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố đạt 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước; đóng góp cho đất nước khoảng 10% tổng sản phẩm quốc gia; 20% ngân sách; 20% giá trị hàng hóa xuất khẩu... Những con số đó chính là minh chứng cho mồ hôi, công sức và sự nỗ lực của những lớp người đầy nhiệt huyết, khát vọng và tình yêu Thủ đô, biết trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống mà ông cha để lại. Từ đó, một Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn đang hình thành cho hôm nay và mai sau.

Hà Nội reo vui hôm nay trong nắng Ba Đình
Hà Nội đi lên hôm nay tiếng hát xây đời…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho một Hà Nội hôm nay và mai sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.