Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cương quyết, nhất quán, không né tránh khi thực thi nhiệm vụ

Võ Lâm| 14/10/2015 06:22

(HNM) - Ngày 13-10, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và các Phó Bí thư Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội họp Hội nghị lần thứ 23 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và một số công việc quan trọng khác.



Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đề cập nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm như việc xử lý vụ vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) tại số 8B phố Lê Trực (quận Ba Đình), thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", việc công khai thông tin với báo chí và đặc biệt là công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội XVI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt


Cương quyết, nhất quán trong xử lý vi phạm TTXD

Đề cập đến vụ vi phạm TTXD tại số 8B phố Lê Trực (quận Ba Đình), Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, quản lý TTXD nói riêng và đô thị nói chung rất phức tạp. Sở dĩ hai năm qua thành phố chọn chủ đề "Năm trật tự và văn minh đô thị" là từ nhận thức nghiêm túc, muốn tăng cường cho lĩnh vực này. Thành phố đã xử lý nhiều vụ vi phạm TTXD nghiêm trọng. Những vi phạm nhỏ, công trình nhỏ cấp cơ sở xử lý thì rất nhiều. Những công trình lớn vượt nhiều tầng, sai giấy phép, thành phố trực tiếp chỉ đạo cũng không ít. Các biện pháp thành phố đã đề ra để xử lý các vi phạm TTXD cũng rất tỉ mỉ. Khi cấp giấy phép, cơ quan chức năng phải yêu cầu chủ đầu tư có bản vẽ mặt tiền ngôi nhà treo hoặc dán ở chân công trình để không những thanh tra giám sát mà toàn dân giám sát. Khi thi công, qua theo dõi giám sát, nếu phát hiện xây dựng sai phép, thì sai đến đâu, thành phố có quy định xử lý đến đấy. Nếu vì sai, đã bị lập biên bản mà chủ đầu tư không chấp hành, thành phố có quy định cho cắt điện, cắt nước. Đến mức đã cắt điện, cắt nước mà chủ đầu tư vẫn vi phạm tiếp thì có quy định cho đình chỉ thi công, không cho mua bán, giao dịch, không cho đưa công trình vào khai thác sử dụng. Có thể nói không chỉ tỉ mỉ, các biện pháp quản lý, xử lý vi phạm TTXD của thành phố rất chặt chẽ, nghiêm khắc. "Sở Xây dựng, Sở QH-KT nếu khó khăn trong việc xử lý vi phạm tại 8B Lê Trực thì cần mở lại những văn bản chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, của UBND thành phố những năm qua. Các đồng chí cứ theo đó mà làm, không cần phải có biện pháp gì mới" - Bí thư Thành ủy chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, những ngày qua, đồng chí suy nghĩ rất nhiều về việc xử lý vi phạm tại số 8B phố Lê Trực. Vì khi phát hiện vi phạm, dư luận phẫn nộ, lên án, phê phán kịch liệt, đòi thành phố xử lý nghiêm. Bây giờ thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, có quyết định theo hướng xử nghiêm thì lại thấy xuất hiện một vài ý kiến có phần bênh chủ đầu tư, nói rằng "cắt" thì làm lệch trọng tâm, kiểu dáng kiến trúc mất cân đối... Mặc dù vậy, Bí thư Thành ủy khẳng định, thành phố cương quyết, nhất quán trong xử lý vi phạm TTXD tại số 8B phố Lê Trực như đã từng làm trong những năm qua. "Tôi cho rằng, tải trọng của ngôi nhà ấy chồng thêm nữa mới nguy hiểm chứ cắt bớt đi thì chỉ có nhẹ thêm. Đáng cho làm 12 tầng mà chủ đầu tư làm thành 15-16 tầng mới lo gãy sập chứ cho làm 12 tầng, làm đúng 12 tầng thì đâu có xảy ra vấn đề gì. Nhưng cứ giả sử có vấn đề gì xảy ra khi phá dỡ, cần phải gia cố ngôi nhà thì trách nhiệm này chủ đầu tư phải làm, không thể đưa lý do này ra rồi đòi hỏi thành phố phải chiếu cốa..." - Bí thư Thành ủy nêu rõ quan điểm. Đồng thời, Bí thư Thành ủy yêu cầu coi đây là trường hợp điển hình để xử lý tiếp tục làm bài học răn đe cho các chủ đầu tư khác. Đặc biệt, đồng chí cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan song song với xử lý công trình vi phạm, phải kiểm điểm xử lý nghiêm những người liên quan, trong đó có cán bộ thanh tra, lập biên bản mà không xử lý, không báo cáo.

Không né tránh dư luận, báo chí

Đề cập đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội thời gian qua, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, kết quả có thể tóm gọn trong vài dòng, nhưng công việc thực tế của các cơ quan thành phố phải làm không biết bao nhiêu mà kể, đặc biệt như việc tổ chức những ngày kỷ niệm trọng đại. Nhắc lại sự kiện lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng Quốc khánh 2-9 và Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới IPU 132, Bí thư Thành ủy cho biết, hàng nghìn khách quốc tế đến Hà Nội chứng kiến hàng triệu người vui chơi trong an toàn tuyệt đối, tất cả ai cũng khen. "Không biết các đồng chí có đọc bài báo mà Báo Hànộimới đăng lại (đăng ngày 9-9-2015 - PV) của một phóng viên Truyền hình Australia hay không? Họ khen ngày Quốc khánh tổ chức tại Hà Nội, có thể nói là khen hết lời. Họ nói tất cả những ngày lễ hội quan trọng nhất của Australia cộng lại cũng không vui, không hoành tráng bằng ngày Quốc khánh như ở Hà Nội" - Bí thư Thành ủy nói và nhấn mạnh: "Nói như thế để thấy rằng, biết bao nhiêu việc chúng ta làm tốt, làm hay như vậy, nhưng chỉ vài ba việc dở thôi là bị lấn át hết. Nếu lấy ý kiến dư luận có khi người ta chỉ nghĩ đến vụ cây xanh, vỡ đường ống nước Sông Đà, vi phạm số 8B Lê Trực, chứ còn những việc trọng đại, to lớn thành công thế kia, thì coi đó là tất nhiên, đương nhiên, chắc chắn các đồng chí phải làm, không cho phép làm điều gì sai."

Khẳng định một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng nói trên là vì công tác thông tin, tuyên truyền có lúc, có nơi, có việc còn chưa đầy đủ và kịp thời, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành phải có thêm các biện pháp để tăng cường mối quan hệ hợp tác, xây dựng cộng tác trách nhiệm với các cơ quan báo chí. Trách nhiệm này là của tất cả các cấp, các ngành, trước hết là của Ban Tuyên giáo Thành ủy, của Sở TT-TT.

TP Hà Nội rất cởi mở về thông tin. Bản thân Bí thư Thành ủy là người chịu trách nhiệm cao nhất ở thành phố này cũng luôn luôn cởi mở về thông tin với báo chí. "Có những việc xảy ra, có đồng chí còn băn khoăn cho đưa tin hay không cho đưa tin, như vụ nổ pháo hoa dịp 1000 năm Thăng Long, tôi nói không thể không đưa tin được". Nhưng theo Bí thư Thành ủy, cái mong muốn chung là đưa tin khách quan, trung thực, có định hướng, để người dân tin tưởng, tìm được giải pháp xử lý, không làm hoang mang, nhiễu loạn thông tin.

Bí thư Thành ủy chỉ đạo, các cơ quan thành phố phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí một cách kịp thời, chính xác, khách quan, xây dựng, có định hướng. "Chúng ta không né tránh. Tôi rất lấy làm tiếc là có không ít đồng chí có phần né tránh. Nếu chúng ta công khai minh bạch, kịp thời sẽ giúp cho người nghe nhận thức đúng. Đây là vấn đề tôi rất mong đổi mới để các cấp, các ngành có cách thức làm việc tốt hơn, nhất là trong thời đại thông tin hiện đại như bây giờ. Suy nghĩ, quản lý theo kiểu cũ không phù hợp nữa" - Bí thư Phạm Quang Nghị nói.

Chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết

Nhìn nhận kết quả tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp thành phố, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, Đảng bộ TP Hà Nội là đảng bộ có số đảng viên đông nhất trong các đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có nhiều đầu mối đảng bộ cơ sở, cấp trên cơ sở bậc nhất trong cả nước, nhưng đã hoàn thành rất tốt đại hội cơ sở và cấp trên cơ sở. Cả những đảng bộ có vướng mắc, khó khăn, thậm chí rất khó khăn đều đã được giải quyết kịp thời, phù hợp như Đại hội xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai. Xem xét báo cáo, cả 57 đại hội đảng bộ của thành phố chỉ có 10 đồng chí cấp ủy viên tái cử không trúng vào cấp ủy. Đây là tỷ lệ rất nhỏ. Thực tế có những trường hợp không trúng là đúng vì cấp ủy chuẩn bị nhân sự không tốt, đánh giá chưa chính xác. Nhưng cũng có trường hợp do nội bộ mất đoàn kết. Cá biệt có đảng bộ không nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và đại biểu dự đại hội, lãnh đạo bầu cử chưa tốt, làm ảnh hưởng tới kết quả chung của thành phố. Nói cụ thể đây là huyện Mỹ Đức bầu trượt hai đồng chí, làm cho tình hình thông tin như thể công tác chuẩn bị đại hội của thành phố không tốt. Nhưng ngay ở Mỹ Đức, thành phố cũng đã có biện pháp kịp thời là cử cán bộ thành phố về.

Phân tích lý do vì sao tỷ lệ cán bộ trẻ trúng vào cấp ủy cấp trên cơ sở còn thấp, Bí thư Thành ủy cho rằng, kết quả này phần nào phản ánh một thực tế là cán bộ của Đảng bộ TP Hà Nội phải có bề dày, có quá trình phấn đấu, có thành tích. Vì vậy, để đưa cán bộ trẻ có chất lượng vào cấp ủy không phải dễ, mà là rất khó. Không thể vì bảo đảm cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Nhưng đây cũng là vấn đề thành phố cần quan tâm để có biện pháp tăng tỷ lệ cán bộ trẻ trong thời gian tới.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhắc nhở cấp ủy các cấp, cần khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại đại hội. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: "Ngay sau Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, các cấp, ngành cần bám sát chỉ đạo của Thành ủy, hết sức chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội, đồng thời chuẩn bị và triển khai thật tốt bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021."

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cương quyết, nhất quán, không né tránh khi thực thi nhiệm vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.