Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá đúng tiềm năng, chủ động tạo thế mạnh cạnh tranh thành công trong hội nhập quốc tế

TS Bùi Thanh Sơn| 26/10/2015 06:16

(HNM) - Cạnh tranh là vấn đề đặt ra với tất cả các quốc gia, trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm, trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng xác định: Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đánh giá đúng tiềm năng của nền kinh tế, chúng ta cần đánh giá đúng nguồn lực lao động, nguồn tài nguyên, nguồn vốn đầu tư, trình độ khoa học và công nghệ của đất nước. Về nguồn lực lao động: Nước ta có dân số lớn, nguồn lực lao động dồi dào, tỷ lệ người đang ở tuổi lao động cao chiếm trên 50% dân số. Dân tộc có truyền thống lao động thông minh và sáng tạo. Đây là lợi thế để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy vậy, thể lực của lao động nước ta kém, trình độ thấp, tỷ lệ lao động không qua đào tạo cao. Chất lượng đào tạo thấp, năng lực đào tạo chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn cuộc sống, lý thuyết chưa gắn với thực hành. Nạn mua điểm, học thay, thi hộ, chạy bằng vẫn còn diễn ra. Tất cả các vấn đề đó có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn lực đất nước.

Cùng với nguồn lực, các cấp cần đánh giá đúng tiềm năng của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguồn đất sản xuất nước ta không nhiều, trong khi đất phục vụ yêu cầu phát triển dân sinh và công nghiệp ngày càng tăng. Dân số nước ta là 98,7 triệu, trong đó 60,7 triệu người sống ở vùng nông thôn, nhu cầu có đất sản xuất rất lớn, trong khi đó diện tích ngày càng giảm, dự kiến đến năm 2020 chỉ còn 262.732km2. Bên cạnh đó còn do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, đất sản xuất ven biển bị ngập mặn, diện tích càng thu hẹp. Bình quân đất sản xuất ở Đồng bằng Bắc Bộ hiện nay chỉ dưới 200m2/người. Nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất ngày càng giảm do tác động của thiên nhiên cộng với ô nhiễm, khai thác thiếu kế hoạch, không được giám sát và kiểm soát chặt chẽ. Nhiều tỉnh, thành phố, nhất là ở Trung Bộ hạn hán và ngập lụt kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Thanh niên nông thôn phải ly hương, tìm đường sinh sống trong các đô thị, tác động không nhỏ đến mật độ dân cư, tỷ lệ lao động và bảo đảm an sinh xã hội. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất nước ta đã tăng, nhưng chưa nhiều bằng một số nước trong khu vực. Nguồn vốn vay và viện trợ của nước ngoài, cùng các tổ chức quốc tế có xu hướng giảm. Trong khi đó nợ xấu còn ở mức cao, đầu tư công dàn trải, thất thoát và lãng phí chậm được khắc phục. Những vấn đề đó có ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn đầu tư cho sản xuất của đất nước, rất cần được nhanh chóng khắc phục. Nguồn lực về khoa học và công nghệ nước ta đã có phát triển, tuy vậy so với một số nước trong khu vực còn thấp.

Chủ động tạo sức mạnh, cạnh tranh thành công trong hội nhập quốc tế, trước hết phải nâng cao thể lực và chất lượng nguồn lực lao động. Các cấp cần chăm lo đến đời sống nhân dân, cơ quan chuyên ngành phải có kế hoạch chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Trong đó, cần xác định rõ tiêu chí về thể lực, tiêu chuẩn về ăn uống, chế độ sinh hoạt, học tập và lao động cũng như rèn luyện thể lực ở từng lứa tuổi; từng bước nâng cao thể lực và sức khỏe nhân dân, ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Thi tuyển phải trung thực, nội dung và chương trình giáo dục cần gắn chặt nhà trường với thực tiễn phát triển của nền kinh tế và xã hội. Tích cực chuyển đổi phương thức đào tạo, từ trang bị lý luận sang bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện, cả nhận thức và thực hành cũng như phẩm chất, đạo đức, phong cách và lối sống. Thực hiện có hiệu quả quy trình chọn lọc và đào thải trong quá trình đào tạo. Thi tuyển, kiểm tra đánh giá kết quả phải trung thực, nghiêm túc từ bậc học phổ thông đến sau đại học, theo đúng quy luật có vào có ra. Không để tình trạng học kém cũng lên lớp, cũng tốt nghiệp hay thi hộ, chạy điểm, chạy bằng như hiện nay. Đây là yếu tố quan trọng để ta bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Từng cấp, ngành cần có quy hoạch, kế hoạch điều tra, đánh giá, quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả nhất, đúng chủ trương của Đảng và pháp luật nhà nước. Động viên toàn dân cùng các doanh nghiệp quản lý và bảo vệ tốt nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên đất và nước. Ứng dụng khoa học và công nghệ vào khai thác, chế biến, nâng cao năng suất và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất trong nước và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Quá trình khai thác và chế biến cần gắn chặt với bảo vệ môi trường, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng ta đã đề ra. Đó là những vấn đề thiết yếu để tăng nhanh ngân sách quốc gia, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Nhà nước cần có kế hoạch và chính sách, thu hút nguồn vốn đầu tư của các cấp và các ngành, các công ty và doanh nghiệp, nguồn vốn của nhân dân ở trong và ngoài nước vào phát triển sản xuất. Cùng với huy động, từng cấp cần có chiến lược đầu tư, định hướng cho các doanh nghiệp và nhân dân, tập trung vào những ngành nghề có thế mạnh, năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó cần mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế để thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài; tranh thủ sự giúp đỡ và vay vốn của các nước cũng như các tổ chức quốc tế để đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm, công nghệ cao, tạo nền tảng thúc đẩy sản xuất phát triển. Đồng thời, từng cấp, ngành cần kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, kiên quyết không đầu tư dàn trải hoặc để thất thoát và lãng phí như hiện nay. Đây là vấn đề rất quan trọng để sử dụng một cách hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Từng cấp phải coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Vì vậy, cần tập trung nguồn nhân lực và nguồn vốn đầu tư, đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động… Đó là những yếu tố căn bản tạo ra thế mạnh, để Việt Nam cạnh tranh thành công trong hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá đúng tiềm năng, chủ động tạo thế mạnh cạnh tranh thành công trong hội nhập quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.