Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh từ cơ sở

Linh Nhi| 27/01/2016 07:18

(HNM) - Việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ và Quyết định số 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hệ thống MTTQ.

Đoàn giám sát do Ủy ban MTTQ, Hội Nông dân TP Hà Nội phối hợp kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh.


Việc triển khai thực hiện ở các cấp đã nâng cao vị thế, vai trò và tổ chức MTTQ thực sự trở thành trung tâm quy tụ, thu hút các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân cùng tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng đất nước giàu đẹp…

Giám sát, phản biện - xây và chống


Trong những ngày giá rét này, 11 cán bộ Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng (TTND, GSĐTCĐ) của thôn Văn Thượng và xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) đều đã cao tuổi, nhưng vẫn không quản ngại vất vả, thay nhau có mặt tại công trình xây dựng tuyến đường liên thôn trong dự án xây dựng nông thôn mới tại địa bàn. Công việc là quan sát, theo dõi, tham gia đo đạc, kiểm định, giám sát chất lượng vật liệu thi công để nếu có sai sót, lệch chuẩn so với thiết kế, không bảo đảm về mỹ thuật, kỹ thuật thì kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh.

Chủ tịch MTTQ xã Xuân Canh Nguyễn Thị Lịch cho biết, trên tinh thần trách nhiệm cao vì lợi ích của cộng đồng, suốt hai tháng từ khi bắt đầu thi công đến nay, cán bộ TTND, GSĐTCĐ không ngày nào vắng mặt tại công trình. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng, nhân dân cũng đã hiến hàng chục mét vuông đất, dự định khánh thành vào 25 Tết, thực sự là niềm vui chung cho hơn 1.400 người dân nơi đây khi Tết đến xuân về…

Không chỉ ở thôn Văn Thượng (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh), lực lượng TTND, GSĐTCĐ cùng cán bộ MTTQ cơ sở luôn phát huy tinh thần lợi ích nhân dân, vì sự trong sạch, vững mạnh của cấp ủy, chính quyền mà vào cuộc. Tại huyện Đông Anh năm 2015 vừa qua, 100% Ủy ban MTTQ từ huyện đến cơ sở đều xây dựng kế hoạch và triển khai nghiêm túc tinh thần Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền.

Năm 2015, các ban GSĐTCĐ toàn thành phố giám sát 4.610 công trình xây dựng, phát hiện 2.035 vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý 1.956 vụ việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết 1.123 vụ, thu hồi về cho Nhà nước 6.586m2 đất, trị giá trên 10,9 tỷ đồng. Các ban TTND toàn thành phố giám sát 8.360 cuộc, phát hiện 2.639 vụ vi phạm. MTTQ cấp quận, huyện tiếp nhận hơn 11 nghìn đơn thư, xử lý hơn 5 nghìn đơn thư, chuyển hơn 4 nghìn đơn thư đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có hơn 3.100 đơn được giải quyết.


Tuy là nhiệm vụ mới và khó, nhưng theo Chủ tịch MTTQ huyện Đào Duy Tùng, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, sự phối hợp tốt của chính quyền và các tổ chức thành viên, 48 ban TTND, ban GSĐTCĐ cấp cơ sở đã được kiện toàn đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu công việc. Kết quả, qua giám sát 91 vụ việc, đã phát hiện, đề nghị chính quyền thu hồi gần 2.000m2 đất sử dụng trái phép cùng hàng chục triệu đồng do lãng phí, sai phạm…

MTTQ quận Tây Hồ cũng là một điểm sáng về thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền. Trong dịp tổ chức Đại hội Đảng vừa qua đã có 74 hội nghị lấy ý kiến được tổ chức, tiếp nhận được gần 700 lượt ý kiến tâm huyết, chất lượng của các tầng lớp nhân dân vào văn kiện Đại hội Đảng các cấp. Trong công tác giám sát, phản biện xã hội, toàn quận giám sát 452 vụ việc, phát hiện 92 vi phạm lấn chiếm hơn 7.400m2 đất.

Chủ tịch MTTQ quận Phạm Tuấn Diếp chia sẻ kinh nghiệm, công tác giám sát, phản biện xã hội ở cấp phường trên địa bàn quận có khởi sắc một phần là do Ủy ban MTTQ quận tăng cường kiểm tra Ủy ban MTTQ phường, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động giám sát, phản biện để hướng dẫn cơ sở không để bị tình trạng "đầu voi, đuôi chuột".

Cùng với Đông Anh, Tây Hồ, việc thực hiện Quyết định 217, 218 trên địa bàn toàn thành phố thể hiện rõ vai trò của MTTQ trong việc xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh đoàn kết trong nhân dân, chống và ngăn ngừa vi phạm, sai sót trong thực thi nhiệm vụ ở địa phương. Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã chỉ đạo sát sao, triển khai nhiều chương trình mẫu nên nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội đã và đang trở thành công việc thường xuyên, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.

Cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Xuân Điệp cho biết, trước khi triển khai Quyết định 217, 218 tại cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố tổ chức 5 cuộc giám sát chuyên đề: Nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCĐ và Đề án 02-212 tuyên truyền giáo dục pháp luật trong dân cư...

Song song với đó, Ủy ban MTTQ thành phố chủ động phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Thường trực HĐND, TAND, Viện KSND thành phố giám sát, phản biện nhiều nội dung, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và kiến nghị nhiều nội dung về xây dựng Đảng, chính quyền. Riêng công tác tham gia góp ý văn kiện Đại hội Đảng các cấp, MTTQ toàn thành phố đã tổ chức 5.246 hội nghị với hơn 120 nghìn người dự, tiếp nhận hơn 24,6 nghìn ý kiến.

Để thực hiện hiệu quả, Ủy ban MTTQ thành phố đã rất chú trọng yếu tố con người, tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận các cấp. Riêng năm 2015, Ủy ban MTTQ thành phố tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 2 nghìn cán bộ Mặt trận và chỉ đạo Ủy ban MTTQ quận, huyện, thị xã mở 148 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận cho hơn 22,7 nghìn lượt người làm công tác Mặt trận. Toàn thành phố cũng kiện toàn được 486/584 Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã tham gia cấp ủy và 28/30 Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận, huyện tham gia cấp ủy thì có 25 người tham gia Ban Thường vụ.

Kết quả đạt được bước đầu khá khả quan, tuy nhiên, Ủy ban MTTQ thành phố cho rằng, công tác giám sát, phản biện, xây dựng Đảng, chính quyền của các cấp MTTQ thành phố vẫn còn hạn chế, bất cập cần quan tâm giải quyết như: Chất lượng hoạt động chưa đồng đều do biến động số lượng cán bộ sau Đại hội; một số nơi thực hiện nhiệm vụ này còn hình thức do sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền còn hạn chế; hoạt động của hội đồng tư vấn phản biện xã hội chưa sâu sát, kịp thời, chưa nắm bắt đầy đủ ý kiến, bức xúc trong nhân dân.

Nhằm khắc phục những mặt tồn tại, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ kiến nghị, Đảng, Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế pháp lý để MTTQ và các tổ chức thành viên tham gia giám sát độc lập, đồng thời cần sớm cụ thể hóa Luật MTTQ Việt Nam về công tác giám sát, phản biện xã hội, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác này… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.