Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ cương

Thế Phương| 03/02/2016 06:20

(HNM) - Đại hội XII của Đảng thành công tốt đẹp. Tinh thần dân chủ từ Đại hội đã và đang tỏa lan, tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong đời sống xã hội.


1. Ở mỗi điểm nhìn khác nhau sẽ có những khái niệm khác nhau về dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ mà trong đó mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Mặt khác, dân chủ là một quá trình, là kết quả của giáo dục ý thức, nâng cao năng lực thực hành, phát triển văn hóa dân chủ. Quá trình này phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, xã hội, tư duy, nhận thức nhưng không thể thoát ly thực tiễn chính trị.

Đích đến mà Đảng đã lựa chọn theo nguyện vọng của toàn dân tộc là xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, nhất thiết phải xây dựng và không ngừng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ, thực chất của quá trình này là phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tính tích cực, tự giác, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Có dân chủ trong Đảng, mới có dân chủ trong xã hội, vì Đảng ta là đảng cầm quyền, Đảng không có quyền lợi gì riêng của mình, Đảng không ở trên dân mà cũng không ở ngoài dân. Chế độ ta là chế độ dân chủ…". Đảng ta vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo hệ thống chính trị thực hành dân chủ trong xã hội, vì thế, để thực hiện dân chủ trong xã hội, phải phát huy dân chủ trong Đảng. Nói cách khác, dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy dân chủ trong xã hội. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng sẽ tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên vận dụng ở từng cơ quan, đơn vị, từ đó phát huy dân chủ trong xã hội.

2. Mở rộng dân chủ về thực chất là thực hành dân chủ thực sự trong nội bộ các tổ chức Đảng, là đoàn kết nội bộ. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ vào thực tiễn sẽ sáng rõ nhiều vấn đề và đây chính là kim chỉ nam để thực hành dân chủ trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Nếu không có dân chủ thì nội bộ của Đảng sẽ âm u", "nếu không có đoàn kết thì nội bộ Đảng không thống nhất". Người khẳng định thực hiện nghiêm chế độ tập trung dân chủ là "cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng".

Dân chủ trong Đảng càng rộng rãi bao nhiêu, thì tập trung trong Đảng càng đúng đắn bấy nhiêu. Trong nguyên tắc tập trung dân chủ, quan hệ giữa tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nội dung quan trọng nhất nhằm tránh những ý muốn chủ quan, sai lầm khi ra quyết định, đồng thời khắc phục tình trạng vô trách nhiệm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "không xác định rõ cá nhân phụ trách, thì giống như "nhiều sãi không ai đóng cửa chùa"". Người cũng chỉ rõ: Trong nội bộ Đảng, chủ thể dân chủ là đảng viên. Tất cả các đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ Đảng; trong thực hiện, bảo đảm cho sự hiểu biết, sự tham gia, sự quyết định và quản lý của đảng viên đối với công việc của Đảng. "Bất cứ vấn đề nào, đảng viên đều phải được thảo luận và phát biểu ý kiến".

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Khi quyền dân chủ của đảng viên được phát huy, đảng viên sẽ có trách nhiệm và tích cực tự phê bình và phê bình trên cơ sở tình đồng chí thương yêu nhau; đồng thời sẽ hạn chế được thái độ "sợ phê bình", "nể nang không phê bình". Đặc biệt sẽ khắc phục được căn bệnh phê bình để nói xấu, để công kích lẫn nhau. Theo Người, tập trung dân chủ phải đi liền với công khai thừa nhận khuyết điểm: "Có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách sửa chữa khuyết điểm đó". Người cho rằng, giám sát dân chủ trong Đảng là "thang thuốc hay nhất, là thiết thực phê bình và tự phê bình", sau đó là sự giám sát dân chủ ngoài Đảng đối với cán bộ, đảng viên.

Người cũng khẳng định: Thực hành dân chủ rộng rãi sẽ ngăn chặn được khuynh hướng tập trung quan liêu chủ nghĩa rất dễ nảy sinh trong điều kiện Đảng cầm quyền; đồng thời ngăn chặn tình trạng đảng viên "khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng"… Như vậy mở rộng dân chủ cũng là giải pháp kiểm soát quyền lực, ngăn chặn, loại bỏ hiện tượng chuyên quyền, sự tha hóa của "một bộ phận không nhỏ" trong Đảng để Đảng ta mãi mãi "là đạo đức, là văn minh".

3. Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, mở rộng dân chủ xã hội trước hết cần phát huy dân chủ trong Đảng. Từ đó tạo động lực để phát huy dân chủ trong xã hội. Quá trình mở rộng, phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ cương. Thực thi dân chủ sai nguyên tắc, vô nguyên tắc, không gắn với kỷ cương sẽ dẫn đến tình trạng xa rời nguyên tắc Đảng. Và như vậy, việc dân chủ hóa sẽ tạo ra thứ dân chủ phi xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, bất cứ một nền dân chủ nào, dù tư sản hay xã hội chủ nghĩa đều thực thi dân chủ một cách có nguyên tắc trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đang có hôm nay được đổi bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ và máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam. Chúng ta không chấp nhận những thứ dân chủ giả hiệu, dân chủ vô nguyên tắc, vô chính phủ. Và mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội luôn gắn liền với tăng cường kỷ cương, pháp luật để phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân trong đời sống chính trị - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ cương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.