Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc

PGS.TS Bùi Đình Phong| 24/04/2016 07:35

(HNM) - Trong sự nghiệp đấu tranh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, biết bao người con ưu tú đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp vẻ vang của dân tộc. Một trong những tấm gương sáng ngời là đồng chí Hà Huy Tập, chiến sĩ cộng sản tiền bối, Tổng Bí thư của Đảng trong một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách và biến động của cách mạng Việt Nam.


Từ một thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết và hoài bão cách mạng, 22 tuổi, đồng chí Hà Huy Tập bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp và có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Được đào tạo cơ bản ở Trường Đại học Phương Đông (1929-1932), Hà Huy Tập được Ban Phương Đông Quốc tế đánh giá “là một đồng chí rất chắc chắn trong đường lối về phương diện chính trị, được huấn luyện tốt về lý thuyết và có kinh nghiệm trong công tác quần chúng; một đồng chí trung thành, vững vàng về tính Đảng và tích cực phi thường”. Tháng 3-1934, các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Dựt lập ra Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Trong khi đồng chí Lê Hồng Phong đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Hà Huy Tập, trên cương vị Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài, chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Thành công của Đại hội đánh dấu việc Đảng ta đã được khôi phục về tổ chức, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng lãnh đạo kéo dài suốt 4 năm liền (từ 3-1931 đến 3-1935).

Sau Đại hội lần thứ nhất của Đảng, do sự chống phá điên cuồng của kẻ địch, hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương đều bị địch bắt. Đến tháng 2-1936, Ban Trung ương mới được bầu cơ bản đã kết thúc hoạt động. Trước tình hình đó, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong triệu tập Hội nghị TƯ vào tháng 7-1936 ở Thượng Hải để điều chỉnh đường lối chính trị và tổ chức cho phù hợp với tinh thần của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Hà Huy Tập được phân công về nước tổ chức lại Ban Trung ương và khôi phục các mối liên lạc với các tổ chức Đảng ở trong nước. Từ tháng 8-1936, đồng chí Hà Huy Tập trở thành Tổng Bí thư của Đảng ta.

Chỉ một năm sau khi về nước, đồng chí Hà Huy Tập đã hoàn thành việc thành lập và kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại hoạt động chống phá của kẻ thù. Một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí Hà Huy Tập trong giai đoạn này là khi phát hiện trong Đảng nảy sinh những quan điểm khác nhau về phương pháp đấu tranh, đồng chí đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương vào tháng 3-1938. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, tạo điều kiện cho cách mạng nước ta bước sang một giai đoạn mới.

Đồng chí Hà Huy Tập có nhiều đóng góp quan trọng trên mặt trận tư tưởng, là một cây bút chính luận, nhà lý luận sắc sảo. Nền tảng lý luận của đồng chí Hà Huy Tập là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa cộng sản, về những vấn đề dân tộc và thuộc địa. Sớm nhận thức được vai trò của khoa học lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã có ý thức đi sâu nghiên cứu lịch sử Đảng ta, chú trọng đúc kết những bài học từ lịch sử để soi sáng hiện tại và hoạch định con đường phát triển tương lai của cách mạng. Đồng chí để lại nhiều tác phẩm lịch sử có giá trị như các công trình: Lịch sử của Tân Việt cách mạng Đảng (1929); Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931); Thư gửi Ban Biên tập Tạp chí Bônsơvích (1932); Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất; Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương…

Trên mặt trận tư tưởng - lý luận, đồng chí Hà Huy Tập đã dùng ngòi bút của mình như một vũ khí sắc bén vạch trần bộ mặt giả hiệu cách mạng của bọn Tờrốtxkít. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã đập lại những luận điệu thóa mạ Quốc tế Cộng sản, phản đối Mặt trận dân chủ Đông Dương, đòi làm ngay cách mạng vô sản, thiết lập chuyên chính vô sản… của Hồ Hữu Tường, Tạ Thu Thâu. Tác phẩm Tờrốtxky và phản cách mạng (bút danh Thanh Hương) của Hà Huy Tập thể hiện tiếng nói đanh thép chống lại các quan điểm phản động, cách mạng đầu lưỡi của bọn Tờrốtxkít. Kết luận của Hà Huy Tập trong tác phẩm của mình là hết sức rõ ràng: “Tờrốtxky và tổ chức Đệ tứ Quốc tế của ông ta là một tổ chức phản động quốc tế, là đội tiền phong của giai cấp tư sản phản động quốc tế. Tạ Thu Thâu tiêu biểu cho chủ nghĩa “xoay chong chóng” của Tờrốtxky”.

Trọn đời phấn đấu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, đồng chí Hà Huy Tập đã nêu gương về tinh thần trung kiên, bất khuất, đạo đức cách mạng sáng ngời. Sa vào tay giặc, bị kết án 8 tháng tù và 5 năm quản thúc với sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù, đồng chí Hà Huy Tập vẫn kiên quyết bảo vệ bí mật của Đảng, giữ vững niềm tin sắt son vào Đảng và thắng lợi của cách mạng.

Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra được mấy tháng, thực dân Pháp ra lệnh bắt đồng chí Hà Huy Tập, đưa về giam tại khám Lớn Sài Gòn. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, chính quyền thực dân mở phiên tòa đại hình ngày 25-3-1941 đưa ra xét xử hàng trăm chiến sĩ cộng sản, trong đó có đồng chí Hà Huy Tập. Thực dân Pháp buộc Hà Huy Tập “phải chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” và khép vào tội tử hình. Sự tàn bạo của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí kiên cường của người cộng sản. Trước tòa, nêu cao khí tiết của người cách mạng, bác bỏ lại lời cầu xin của trạng sư bào chữa, đồng chí Hà Huy Tập khảng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động”.

Cùng với các chiến sĩ cộng sản khác, ngày 28-8-1941, đồng chí Hà Huy Tập đã anh dũng hy sinh dưới họng súng của kẻ thù. Đồng chí ngã xuống với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tinh thần Hà Huy Tập bất tử. Tên tuổi và sự nghiệp của Hà Huy Tập sống mãi trong sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng và dân tộc. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các đồng chí ta như đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết.

Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.25).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra đường lối: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Công cuộc đổi mới đứng trước tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen.

Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định rõ trách nhiệm của mình đối với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, cần phải tiếp tục đẩy mạnh thường xuyên, nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập tấm gương đồng chí Hà Huy Tập và các vị tiền bối, ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đưa đất nước tiếp tục phát triển, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.