Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gương mẫu bằng những hành động cụ thể

Hiền Lương| 28/04/2016 06:30

(HNM) - Chỉ đạo thực hiện


Có hai nếp sống văn minh đang lan tỏa mạnh trong đời sống người Hà Nội trong vài năm trở lại đây. Đó là thực hiện việc cưới, việc tang văn minh. Đây là hai việc lớn của bất kỳ gia đình, dòng tộc nào nên lúc đầu, công tác vận động gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự khéo léo, quyết tâm cao, ở nhiều địa phương, đã dần hình thành, duy trì tốt thực hiện việc cưới, việc tang văn minh. Ví dụ quận Hà Đông là nơi tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội. Hay Đông Anh là huyện có tỷ lệ hỏa táng thay cho hung táng tăng nhanh trong mấy năm qua và thuộc diện cao nhất thành phố. Kinh nghiệm hay để vận động nhân dân của Đông Anh là vận dụng tổng hợp các biện pháp, có cả những biện pháp chưa từng áp dụng như mời các nhà tu hành giảng giải về việc hỏa táng cho dân nghe… Đây là dẫn chứng cho thấy, nếu làm tốt công tác dân vận, thì việc khó vẫn có kết quả tốt. Chính vì vậy, công tác dân vận có thể trở thành một trong những giải pháp hiệu quả thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị".

Cưới tập thể, nếp sống văn minh đang được lan tỏa mạnh trong đời sống người Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


Nhưng hơn hết, bài học dân vận thành công của các địa phương xét cho cùng là cán bộ, đảng viên phải đi trước thì làng nước mới theo sau. Tại quận Hà Đông, Quận ủy đã ban hành riêng một chương trình để thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Chương trình đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Quận từng xử lý kỷ luật hàng chục cán bộ, đảng viên vì thực hiện không nghiêm yêu cầu đó. Tại phường Việt Hưng (quận Long Biên), việc tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa khu dân cư, không tiệc tùng linh đình, không mời thuốc lá giờ đã trở nên phổ biến. Đó là nhờ thực hiện nghị quyết của Đảng ủy phường, 100% cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện. Thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy, ở nhiều nơi, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy đều gương mẫu đi đầu thực hiện.

Mặc dù vậy, sự quan tâm tới công tác dân vận gắn với thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" vẫn còn chưa phổ biến. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Sở Văn hóa và Thể thao đã yêu cầu, Đảng ủy Sở nên xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng cơ quan văn hóa, cán bộ ngành văn hóa thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch. Đây có lẽ cũng chính là mong muốn của người dân. Bởi trước khi vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, thì cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ quan vận động phải là những người tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch. Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội CCB thành phố Lê Minh Cược, để thực hiện phong trào giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm, thì không nên nói chung chung. Thay vào đó, cán bộ, hội viên, đoàn viên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm phải đi tiên phong để nêu gương.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", nhiều sở, ngành, địa phương có sáng kiến, nhưng điều quan trọng là phải đưa những sáng kiến, mô hình tốt ấy có giá trị bền vững, phải gắn việc thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" với trách nhiệm từng cán bộ. Làm sao để cán bộ đi qua địa bàn mình quản lý thấy rác phải đứng lại hướng dẫn, nhắc nhở người dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải làm cho ý thức trách nhiệm "thấm" vào từng cán bộ, để cán bộ thấy xấu hổ khi để Thủ đô hay một xã, phường, quận, huyện bẩn, không văn minh".

Toàn thành phố có khoảng 900.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có khoảng 400.000 đảng viên. Đây là tiềm năng to lớn để đẩy mạnh công tác dân vận. Trên thực tế, trong tư duy về giải pháp thực hiện các chủ trương mới như xây dựng chính quyền điện tử, chi trả các dịch vụ bằng thẻ, sử dụng dịch vụ công trực tuyến…, lãnh đạo thành phố đã xác định phải bắt đầu làm dân vận từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Thành công từ 900.000 hộ gia đình này sẽ là "đòn bẩy" để nhân rộng ra toàn thành phố.

Dân soi vào cán bộ, đảng viên. 900.000 hộ gia đình, trong đó có 400.000 đảng viên của Thủ đô hoàn toàn có thể trở thành "đầu tàu" thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị". Và có lẽ, nếu được như thế, thành phố còn có thể đạt được những thành tựu lớn hơn: Đưa Hà Nội trở thành thành phố văn hóa số 1 cả nước ngay trong nhiệm kỳ này như đề xuất của nhà thơ Bằng Việt (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố). Đó là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gương mẫu bằng những hành động cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.