Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Lá phiếu của trách nhiệm và niềm tin

Quốc Bình| 04/05/2016 06:50

(HNM) - Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, nhiệm vụ, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân ta. Thành tựu đạt được thời gian qua là rất to lớn, có ý nghĩa đặc biệt, nhưng chưa đủ làm chúng ta hài lòng.



Cùng với những mục tiêu, nhiệm vụ chung hết sức nặng nề đang đặt ra trong những năm tới, yêu cầu trước mắt là tổ chức thành công cuộc bầu cử ngày 22-5. Với lá phiếu trên tay, nhân dân sẽ thực hiện trách nhiệm và gửi gắm niềm tin của mình trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung để bầu ra cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương nói riêng.

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng đã xác định, tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân. Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

Người dân Tổ dân phố số 3, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông đối chiếu danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Thái Hiền


Xác định rõ nhiệm vụ tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được triển khai đồng bộ trên cả ba mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp, Văn kiện của Đảng nêu rõ: "Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức Chính phủ, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, chế độ XHCN. Trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của mỗi cấp chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định".

Đó là những nhiệm vụ rất quan trọng mà bước khởi đầu là bầu cử. GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, các cuộc bầu cử dân chủ là hoạt động tiêu biểu quan trọng nhất trong các hoạt động dân chủ trực tiếp của người dân. Thông qua các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, quyền công dân, quyền làm chủ của dân được thể hiện đúng với bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN: Mọi quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Phải làm cho cuộc bầu cử đúng là ngày hội của toàn dân, toàn dân hăng hái, nô nức chờ đón ngày được đi bầu cử ra cơ quan đại diện cho mình. Đó là cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của nhân dân, có cơ cấu hợp lý, hội tụ đầy đủ đại biểu của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, hội tụ đầy đủ trí tuệ, năng lực, bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, nhân văn Việt Nam.

Còn PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia khẳng định, tổ chức thật tốt cuộc bầu cử thì chúng ta mới có nhà nước pháp quyền. Bầu cử là hình thức giám sát tốt nhất, cao nhất của nhân dân. Chỉ có thông qua bầu cử, người dân mới thể hiện được địa vị làm chủ của mình. Bầu cử càng tốt, càng minh bạch thì tính chính đáng của cơ quan dân cử càng cao và sẽ được nhân dân tin tưởng hơn. Tỷ lệ phiếu càng cao thì người được đại biểu cho nhân dân càng tự tin, càng có trách nhiệm hơn với xã hội, với nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định, các cuộc bầu cử gần đây đã ngày càng thể hiện và gắn được với nhà nước pháp quyền. Nên để phát huy tinh thần này, để cuộc bầu cử sắp tới thể hiện cao nhất bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN, cần tập trung tuyên truyền làm sao cho nhân dân hiểu được Nhà nước pháp quyền XHCN là như thế nào, nhất là những đặc trưng của nó. Thứ hai là tuyên truyền về Đảng lãnh đạo nhà nước pháp quyền như thế nào để nhân dân hiểu được thấu đáo, qua đó phản bác được những luận điệu sai trái, thù địch.

Tại Hà Nội, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cuộc bầu cử đã được tập trung cao độ. Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố đã quán triệt tinh thần: Nhiệm vụ số một, yêu cầu số một là phải tổ chức bầu cử đúng luật. "Nhiệm vụ hàng đầu là phải thực hiện đúng luật, đúng quy định. Quy định là 7h mở hòm phiếu thì phải đúng 7h mới được mở, tuyệt đối không được vi phạm" - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã chỉ rõ trong cuộc kiểm tra điểm bầu cử tại quận Ba Đình. Đây là biểu hiện rõ ràng nhất về tinh thần Nhà nước pháp quyền XHCN. Bởi bản chất của nhà nước pháp quyền chính là thượng tôn pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Việc chỉ đạo với tinh thần như vậy đã cho thấy nhận thức sâu sắc của cán bộ lãnh đạo về Nhà nước pháp quyền XHCN, đồng thời đòi hỏi các cán bộ thực thi nhiệm vụ tổ chức bầu cử cũng phải quán triệt tinh thần này, xác định rõ: "Vấn đề cốt lõi để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công là phải bảo đảm cho cuộc bầu cử đúng pháp luật".

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng đòi hỏi trách nhiệm của mỗi công dân. Cầm trên tay lá phiếu, người dân nắm quyền lực trong tay. Tham gia bầu cử đúng pháp luật cũng có nghĩa là người dân thực hiện quyền làm chủ được ghi trong Hiến pháp. Đó là quyền lợi mà mỗi người cần thực hiện với niềm tin, niềm vui, sự tự hào phấn khởi nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Lá phiếu của trách nhiệm và niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.