Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền chọn ai để bầu

Minh Bắc| 04/05/2016 16:30

(HNMO) - Ngay sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố 870 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại 184 đơn vị bầu cử thì việc tiếp theo là các ứng cử viên sẽ đi vận động bầu cử. Cử tri sẽ thể hiện quyền của mình để chọn 500 đại biểu cho Quốc hội khóa XIV…



Việc lựa chọn ai, bầu ai trong số 870 người sau khi các ứng cử viên đã qua ba vòng hiệp thương đang đặt vào các cử tri tham gia bầu cử. Cân nhắc chọn ai sẽ được cử tri quyết định căn cứ vào cách thể hiện của từng ứng cử viên khi họ tham gia vận động bầu cử.

Để đảm bảo công bằng cho các ứng cử viên trong khi vận động tranh cử, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ giám sát việc vận động bầu cử để không ai lợi dụng bầu cử tuyên truyền trái Hiến pháp, pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác; hoặc dùng tiền bạc vật chất để dụ dỗ hay mua chuộc cử tri.

Đồng thời, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) cũng cho biết thêm, Mặt trận các cấp sẽ tổ chức giám sát để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, không để xảy ra trường hợp bỏ phiếu giúp hoặc bầu cho qua loa, chiếu lệ, sẽ không có chuyện vì thành tích mà hối thúc cử tri phải bầu cho xong.

Hiện danh sách các ứng cử viên ĐBQH trên toàn quốc đã được công bố, ai ứng cử ở đâu đều được ghi rõ. Theo hướng dẫn của MTTQVN, các ứng cử viên sẽ đi vận động bầu cử thông qua các cuộc hội nghị tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử do MTTQ các cấp tổ chức. Hiện nay, Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND chỉ quy định hai hình thức vận động bầu cử là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức và qua phương tiện thông tin đại chúng của các địa phương nơi ứng cử. Còn các hình thức vận động bầu cử khác như qua internet, phát tờ rơi, trả lời phỏng vấn… theo đại diện MTTQVN thì “các hình thức đó luật không quy định, cũng có nghĩa là luật không cấm.

Tuy nhiên, nếu người ứng cử là cán bộ, công chức thì theo quy định, cán bộ, công chức chỉ làm những gì pháp luật quy định, còn người dân mới được phép làm những gì pháp luật không cấm. Luật Bầu cử quy định việc vận động bầu cử phải dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật. Vì thế, nếu trong cùng một đơn vị bầu cử có người là cán bộ, công chức, có người không, thì sẽ dẫn đến việc có người được sử dụng hình thức khác, có người lại không được, vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong vận động bầu cử. Do đó, nên tập trung vào hai hình thức nói trên. Sử dụng hình thức nào cũng cần tính đến hiệu quả thực tế. Quan trọng nhất vẫn là cử tri có biết mình không, có tín nhiệm mình thông qua chương trình hành động của mình hay không”.

Để nhận được sự ủng hộ của cử tri thì mỗi ứng cử viên sẽ trình bày chương trình hành động của mình sao cho thật rõ ràng, dễ hiểu và tập trung chủ yếu vào những mối quan tâm của cử tri, sau đó họ phải trả lời các câu hỏi của cử tri tham dự cuộc họp. Do đó những người ứng cử tại địa phương nào thì cần phải tìm hiểu rất kỹ về kinh tế-xã hội, đặc điểm địa lý, dân cư, cả về dân tộc, tôn giáo nơi mình ứng cử để xây dựng chương trình hành động sát với thực tế hơn. Mỗi buổi họp sẽ có từ 5-6 ứng cử viên tham dự, tùy thuộc vào từng đơn vị bầu cử..

Về phía cử tri, danh sách tham dự cuộc họp sẽ được lựa chọn trước. Do đó các cử tri này mang trọng trách lớn hơn đòi hỏi nắm bắt được những vấn đề gai góc để đưa ra những câu hỏi xác đáng thậm chí có thể hóc búa cho các ứng cử viên. Qua trả lời các câu hỏi đó sẽ giúp các cử tri khác lựa chọn đại biểu đúng hơn. Và chỉ có như vậy mới làm cho các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử trở nên thực chất hơn.

Các cử tri không tham dự cuộc họp cũng có thể đặt câu hỏi nhờ người nào dự nêu câu hỏi, hoặc tập hợp câu hỏi, kiến nghị và gửi thẳng cho các ứng cử viên và xem họ trả lời như thế nào. Qua theo dõi các buổi tiếp xúc này cử tri sẽ có căn cứ theo dõi, giám sát nếu ứng cử viên đó trúng cử thì họ họ làm đúng như họ nói hay không. Tương tự như vậy, các phóng viên báo-đài có thể thể hiện trách nhiệm của mình khi phỏng vấn, trao đổi với các ứng cử viên về chương trình hành động của họ. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ hỏi qua loa cho có, suôn sẻ, vui vẻ vì nghĩ rằng qua các cuộc hiệp thương chúng ta đã lựa chọn rồi, ai được bầu cũng thế cả thì sẽ làm khó cho sự lựa chọn đại biểu của các cử tri khác.

Ngày 22/5/2016 sắp đến sẽ là ngày hội để cử tri có quyền lựa chọn 500 người trong tổng số 870 người ứng cử ĐBQH. Và trong từng đơn vị bầu cử, các cử tri sẽ căn cứ vào kết quả các cuộc họp tiếp xúc để lựa chọn đại biểu xứng đáng nhất trong số những người tham gia ứng cử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền chọn ai để bầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.