Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự Luật Biểu tình: Chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội

Bảo Hân| 26/07/2016 10:51

(HNMO)- Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH), qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án Luật Biểu tình vẫn còn ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ.

Các dự án luật được kiến nghị đưa vào Chương trình năm 2017 sẽ được xem xét, cân nhắc kỹ.


Sáng 26/7, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Đinh cho biết, tính đến hết ngày 30/6/2016, UBTVQH đã nhận được đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm 51 dự án luật.

"So với các năm trước thì việc đề nghị, kiến nghị đưa các dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã có những cải tiến và đi vào thực chất hơn. Việc chuẩn bị đề nghị, kiến nghị được làm kỹ và công phu hơn. Tuy nhiên, số lượng dự án được đề nghị, kiến nghị đưa vào Chương trình năm 2017 nhiều so với khả năng thực hiện. Do đó, để bảo đảm tính khả thi,  UBTV QH đề nghị xem xét, cân nhắc kỹ các dự án được đề nghị, kiến nghị đưa vào Chương trình" - ông Nguyễn Khắc Định cho biết.

Về các dự án cụ thể được đề nghị đưa vào Chương trình, UB TVQH đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét về từng dự án.

Cụ thể, về dự án Luật biểu tìnhđã được đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án Luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án Luật này. Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo QH đưa dự án này vào Chương trình.

Với dự án Luật bảo vệ thông tin cá nhân, UB TVQH  nhận thấy, vấn đề bảo vệ bí mật cá nhân hiện đang được điều chỉnh ở nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành với những mức độ khác nhau. Tại kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII đã thông qua Luật an toàn thông tin mạng trong đó có quy định về vấn đề này. Do đó, UB TVQH  đề nghị chưa nên ban hành dự án Luật này mà tiếp tục nghiên cứu, tổng kết làm rõ phạm vi điều chỉnh, nhất là mối liên quan với các luật hiện hành để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn về phạm vi điều chỉnh.

Dự án Luật hành chính công  là sáng kiến lập pháp của đại biểu QH, đã được chuẩn bị đầy đủ hồ sơ dự án theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đa số ý kiến của UB TVQH đề nghị QH đưa dự án Luật này vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, chính sách và tính quy phạm của dự án Luật này để khỏi chồng chéo, mâu thuẫn với các Luật khác.

Một số dự án Luật khác như Luật dân số, Luật thư viện, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thanh niên được đề nghị chưa đưa vào Chương trình năm 2017 để có thêm thời gian tiếp tục chuẩn bị.

Đối với các dự án Luật giáo dục (sửa đổi), Luật tư pháp cho người chưa thành niên, Luật nội địa hóa, Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh, Luật an ninh quốc gia (sửa đổi), Luật tình trạng khẩn cấp, Luật bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Luật tình báo, Luật bộ đội biên phòng, Luật trồng trọt và Luật chăn nuôi mới chỉ là đề xuất ban đầu, hiện chưa có hồ sơ dự án và thuyết minh cụ thể, nên chưa có cơ sở để trình QH đưa vào Chương trình.

Trong nhiệm kỳ QH khoá XIII, tổng số các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là 158 dự án, gồm dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, 136 dự án luật, bộ luật, 3 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, 15 dự án pháp lệnh và 3 dự thảo nghị quyết của UBTV QH. 

Đến nay, QH đã thông qua Hiến pháp năm 2013, 107 luật, bộ luật, 1 nghị quyết. UB TVQH đã thông qua 9 pháp lệnh và 3 nghị quyết. Hầu hết các dự án còn lại đã được đưa vào Chương trình năm 2016 và được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2017.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự Luật Biểu tình: Chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.