Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải tạo chung cư cũ: Không thể dễ dãi ở những khu đất "vàng"

Vân Hoa| 01/08/2016 14:21

(HNMO) - Cải tạo chung cư cũ, khoán định mức sử dụng xe công, kết quả thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp... là một số nội dung được các đại biểu HĐND Thành phố quan tâm trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 1/8.



Khó quản lý hòm công quỹ tại các đình chùa

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Phạm Thanh Mai (Đông Anh) nêu 2 nội dung đề nghị UBND TP làm rõ thêm là trong 6 tháng đầu năm, TP đã ứng dụng kết quả nghiên cứu tiến bộ khoa học trong phát triển sản xuất kinh doanh và làm rõ lộ trình thời gian và giải pháp hữu hiệu để sớm hoàn thành việc xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp.

ĐB Trần Thế Cương (Bắc Từ Liêm) nêu thực trạng khó quản lý các hòm công quỹ tại các đình chùa trên địa bàn hiện nay, trong khi đây là nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di lịch sử. Do đó, ĐB đề xuất HĐND TP trong nhiệm kỳ này sớm ban hành quy chế quản lý các hòm công quỹ.

"Thực hiện Luật Di sản, hầu hết các di tích trên địa bàn đều được công nhận là Di tích lịch sử cấp TP và cấp Quốc gia. Qua thời gian, nhiều di tích đã xuống cấp. Người dân đề nghị trùng tu, tôn tạo nhưng gặp nhiều vướng mắc khi phải xin ý kiến qua nhiều cấp như TP, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Ví dụ tại Đình Vân Trì, Bắc Từ Liêm, để xin Bộ quyết định cho trùng tu phải mất 2 năm. Từ khi xin đến khi được cấp phép thì Đình hoàn toàn đổ sập, nguy hiểm cho nhân dân. Đó là bất cập, đề nghị sớm ban hành quy chế trong quá trình quản lý di tích", ĐB Cương nêu.

Cũng theo ĐB này, việc duy trì các trạm BTS hiện nay vừa bảo đảm an ninh quốc gia, vừa cung cấp sóng viễn thông. Trong quá trình cấp phép, lắp đặt, TP đã phân cấp xuống cơ sở. Qua giám sát có thực trạng "trâu buộc ghét trâu ăn". Dù chưa có cơ quan kết luận sóng điện từ ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng nhiều người dân phản ứng khi dựng những trạm này gần nhà mình. Do đó, ĐB đề nghị UBND TP chỉ đạo trong quy hoạch để quá trình lắp đặt được thuận lợi, phục vụ cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam


Phải chăng chưa có cú hích về cải tạo chung cư cũ?


ĐB Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) muốn UBND Thành phố làm rõ thêm về cải tạo chung cư cũ và việc đầu tư sử dụng xe công. Đây là hai vấn đề rất bức xúc với Thành phố.

Về cải tạo chung cư cũ, đại biểu Nam đánh giá, tiến độ cải tạo của Thành phố rất chậm, những điều kiện, cơ chế trong Nghị quyết 17 của Thành phố chưa được đưa vào áp dụng hoặc chưa đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư tham gia. Hiện nay, các nhà đầu tư chỉ muốn cải tạo chung cư nằm ở những khu đất vàng. Vì vậy, Thành phố cần phải có giải pháp, "nếu cứ rộng rãi, dễ dãi ở những khu đất vàng thì rất khó để huy động nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ ở những vị trí khác".

ĐB Hồ Vân Nga (Quốc Oai) đề nghị UBND Thành phố cung cấp thêm thông tin về kết quả thực hiện đề án sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, nguyên nhân chậm trễ tiến độ thực hiện.

Phải có giải pháp cụ thể và có cơ chế kiểm soát kế hoạch được giao

ĐB Nguyễn Văn Thắng (Tây Hồ) đề cập đến những bất cập trong việc xã hội hóa, cải tạo các khu chợ cũ. Theo ông Thắng, hiện nay, ở một số chợ mà các DN đã cải tạo theo hình thức xã hội hóa, số thương nhân vào kinh doanh ít nên gây khó khăn cho DN, nhưng cũng có những trường hợp, DN được giao dự án XHH nhưng không đầu tư, gây những bức xúc cho thương nhân khi vào kinh doanh trong các chợ. ĐB Thắng đề nghị TP cần có giải pháp tháo gỡ để đảm bảo chợ cải tạo vừa là chỗ buôn bán cho bà con, vừa đảm bảo giữ gìn trật tự đô thị.

Về phương hướng phát triển KTXH 6 tháng cuối năm, theo ĐB Thắng, bộ máy mới của TP tuy mới đi vào hoạt động nhưng đã rất quyết liệt trong hành động. Tuy nhiên, nếu các cơ quan, đơn vị không có giải pháp cụ thể và có cơ chế kiểm soát kế hoạch được giao, giao ban tiến độ thực hiện thì sẽ "lụt" công việc, hiệu quả thấp.

Cải tạo chung cư cũ: Vẫn thiếu cơ chế, chính sách thỏa mãn lợi ích các bên 

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Hoài Nam về tiến độ cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội hiện nay, đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP thống nhất nhận định của ĐB về cải tạo chung cư cũ đang có tiến độ chậm. 

"Đây là câu chuyện rất phức tạp, nhiệm vụ nặng nề mà Chính phủ đã phải tập trung chỉ đạo nhiều năm nay. Kết quả trong cả nước đều đang phải tập trung để giải quyết. Do lịch sử để lại, hiện nay TP đang tồn tại lượng chung cư cũ lớn. Trong quá tình cải tạo, phải quan tâm đến lợi ích của Nhà nước, DN và người dân. 

Hà Nội tập trung nhiều công sức, ý chí để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất khiêm tốn, thậm chí là thấp. UBND TP đã có Nghị quyết 17 đưa ra nhiều giải pháp nhưng không được vào cuộc sống bởi vướng nhiều yếu tố khách quan. 

TP rất quan tâm đến cải tạo chung cư cũ như cả khách quan, chủ quan còn nhiều vấn đề, đặc biệt là cơ chế chính sách để đáp ứng cả lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tạo dựng sự phát triển bền vững" - Đồng chí Nguyễn Thế Hùng nêu.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng



Sẽ có quy chế quản lý phát huy giá trị di tích, danh thắng trong tháng 8

Trả lời các câu hỏi của ĐB liên quan đến quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội giao cho Sở Văn hoá - Thể thao xây dựng Quy chế quản lý phát huy giá trị di tích danh thắng trên địa bàn. Quy chế này đã được hoàn thiện và đang tiếp tục bổ sung để ban hành sớm trong tháng 8. Các câu hỏi mà đại biểu nêu đều nằm trong Quy chế.

Quy chế quản lý thiết chế văn hoá như nhà văn hoá thôn, xã, tổ dân phố hiện nay cũng là vấn đề quan trọng khi công trình xây dựng đã có, nhưng sử dụng khai thác mỗi nơi mỗi khác. "Sở Văn hoá Thể thao đang xây dựng quy chế và sắp tới TP sẽ ban hành nội dung này để vừa phát huy thiết chế văn hoá cơ sở vừa khai thác bảo đảm có kinh phí duy trì, tăng tần suất sử dụng" - ông Ngô Văn Quý nói.

Về quy hoạch và tuyên truyền trong xây dựng các trạm BTS, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết đã giao Sở Thông tin Truyền thông quy hoạch kết cấu hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn TP, trong đó có các trạm BTS. Khi quy hoạch được thực hiện sẽ có căn cứ để cấp phép xây dựng các trạm này. Sở Thông tin Truyền thông phối hợp với các huyện sẽ giải quyết vướng mắc, khó khăn trong xây dựng các trạm BTS.

Về phát triển du lịch, Thành uỷ đã thông qua Nghị quyết về phát triển du lịch Hà Nội, coi đây là ngành mũi nhọn đến năm 2020. TP Hà Nội đang triển khai thực hiện Nghị quyết, xác định các khu du lịch trọng điểm Hà Nội, xây dựng sản phẩm trọng điểm, thu hút khách nhiều hơn.

Cuối năm nay sẽ có thêm 14 trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động

Giải đáp ý kiến của các đại biểu về đầu tư các trạm nước thải tại các KCN, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, nhiệm kỳ trước, HĐND TP đã giám sát và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư các trạm xử lý nước thải. Từ đó, TP đã có đề án về việc này. 14 trạm xử lý nước thải của giai đoạn 2014-2015 đến tháng 8 này sẽ khởi công xong và cuối năm nay sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.

Phó Chủ tịch cũng nhất trí, các trạm đầu tư giai đoạn 2017-2020 cần được đẩy nhanh tiến độ triển khai. TP đang xem xét hỗ trợ đầu tư ngân sách TP cũng như xã hội hóa các trạm có khả năng.

Về tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DN, trong năm nay, TP phải tập trung cả sắp xếp, cổ phần hóa DN của giai đoạn 2016-2020 và của cả giai đoạn trước đó. Trong giai đoạn 2016-2020, TP phải thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa 16 DN, trong đó có nhiều DN lớn. Sở Tài chính là cơ quan thường trực đang đẩy mạnh tiến độ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải tạo chung cư cũ: Không thể dễ dãi ở những khu đất "vàng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.