Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng: Ngoại giao cần xác định vấn đề bất biến, không thể xâm phạm

Theo Vũ Dũng/VOV| 23/08/2016 17:30

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần xác định đâu là vấn đề bất biến, không thể xâm phạm, đâu là lợi ích có thể dung hòa với các nước.


Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, sáng 23/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc đã dự và chỉ đạo tại phiên chuyên đề: Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển.

Cùng dự Hội nghị có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, cùng đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, phục vụ phát triển đất nước luôn là mục tiêu hàng đầu của mọi hoạt động đối ngoại.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do, tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân. Riêng 3 năm qua đã vận động thêm 27 đối tác công nhận quy chế thị trường của Việt Nam, nâng tổng số đối tác công nhận quy chế thị trường của Việt Nam lên 64.

Trên bình diện đa phương, ngành Ngoại giao đã tham mưu, đề xuất và đã được Đại hội Đảng chấp thuận chủ trương chuyển từ “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp, xây dựng định hình các thể chế đa phương” nhằm bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam tại ASEAN, Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM…

Về nhiệm vụ sắp tới, ngành xác định, ngoại giao kinh tế cũng như các trụ cột khác của ngành đều phải tập trung phục vụ mục tiêu tối thượng của lợi ích quốc gia, dân tộc, đó là phát triển một cách bền vững trong một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và thuận lợi.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP


Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, như trở thành một trong những quốc gia hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ; đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Con số thể hiện độ mở của nền kinh tế là kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP trong năm 2015 là 1,5 lần, tương đương và cao hơn nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã giữ gìn được môi trường hòa bình, tranh thủ được nguồn lực bên ngoài cho phát triển, củng cố được nền tảng lợi ích chiến lược lâu dài, tạo thế và lực chưa từng có cho Việt Nam.

Nhìn lại thành tựu đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến sự đóng góp to lớn của ngành ngoại giao. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng ngành ngoại giao được nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ hai.

Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những thách thức cả ở cấp độ quốc gia và thế giới. Ở cấp độ quốc gia, những thành tựu về kinh tế xã hội của Việt Nam còn khiêm tốn so với khu vực. Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 13 thế giới, nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 38, và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 133 thế giới, chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình của thế giới. Năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng một nửa ASEAN.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành ngoại giao cần quán triệt, xây dựng ngành ngoại giao theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo. Ảnh: VGP


Thủ tướng cũng nêu lên thực tế là có tới 80% công nghệ của doanh nghiệp FDI đưa vào Việt Nam thuộc loại trung bình, tận dụng tài nguyên và nhân công giá rẻ. Nguy cơ tụt hậu kinh tế xa hơn là hiện hữu khi mà các động lực cho tăng trưởng kinh tế giảm dần, thách thức tăng lên, và thời kỳ dân số vàng có thể kết thúc trong 10 năm tới.

Ở cấp độ khu vực, Thủ tướng lưu ý, môi trường đối thoại luôn tiềm ẩn nguy cơ khó lường đối với Việt Nam, nhất là khi nước ta nằm trong khu vực cạnh tranh địa chiến lược gay gắt của các cường quốc. Cùng với đó, là nguy cơ bất ổn về những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông và một số vùng biển khác; những rủi ro, bất ổn về kinh tế, an ninh chính trị thế giới.

Trong bối cảnh đó, trên tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng đất nước to đẹp, đàng hoàng hơn như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho rằng, ngành ngoại giao cũng phải đi theo hướng này. Trong đó có các đại sứ quán, cá nhân các đại sứ làm cầu nối để thúc đẩy xuất khẩu, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ thông tin, gợi ý cơ hội để doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Từ đó không để doanh nghiệp Việt Nam bỡ ngỡ, lạc lối về thể chế và luật lệ ở thị trường quốc tế hay bị chèn ép, bị thua thiệt trước các tập đoàn đa quốc gia.

Thủ tướng cũng lưu ý ngành ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành trong nước, góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu Việt Nam, thu hút khách du lịch.

“Hội nhập kinh tế vẫn là trọng tâm của ngành ngoại giao. Các lĩnh vực đối ngoại khác phải phục vụ thuận lợi cho ngoại giao kinh tế. Chúng ta đều biết ngoại giao kinh tế theo nghĩa rộng bao gồm cả khoa học, giáo dục, lao động, dịch vụ, là các lĩnh vực rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Với lợi thế quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, có trên 90 cơ quan đại diện ở nước ngoài, tôi xin nói lại, ngoại giao Việt Nam phải là “ăng ten” nhạy cảm về dự báo tình hình thế giới, đặc biệt là kinh tế, để làm tốt vai trò tham mưu, đột phá trong hợp tác kinh tế đối ngoại của nước ta. Điều đó phải sử dụng hiệu quả trên 90 cơ quan đại diện mà chỉ có riêng Bộ Ngoại giao mới có lợi thế này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Với việc nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Ngoại giao đề cao tư duy mới, ngoại giao phục vụ phát triển, với cách tiếp cận liên ngành, đa ngành, đa phương.

Thủ tướng đề nghị đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên nắm bắt thông tin, tham mưu kịp thời cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thậm chí là trực tiếp Thủ tướng. Tinh thần là việc gì có lợi cho đất nước Thủ tướng sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình trạng nói không ai nghe hoặc nghe nhưng không giải quyết đến nơi đến chốn.

Về tinh thần Chính phủ kiến tạo đối với ngành ngoại giao trong giai đoạn mới, Thủ tướng cho rằng bài toán lớn đặt ra là làm sao để Việt Nam có thể lái con thuyền của mình giữa những dòng chảy chiến lược của các nước lớn với xu thế chủ đạo của khu vực và thế giới. Việt Nam cần tận dụng và xác lập được vị thế trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, tạo vị thế vững chắc về đối ngoại để giữ vững hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển, đồng thời phát huy vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Để thực hiện được điều đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành ngoại giao phải xác lập được tư duy chiến lược ngành.


Thủ tướng bắt tay các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP


Thủ tướng đề nghị cần định hình được những ưu tiên chiến lược của đất nước và xác lập một tư duy chiến lược cho ngành ngoại giao trong thời kỳ mới. Chúng ta không thể cái gì cũng làm bởi vì nguồn lực, thời gian, và đặc biệt là thời cơ đều có hạn. Đâu là những lợi ích quốc gia cốt lõi trong bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và phát huy ảnh hưởng của nước ta trên trường quốc tế. Cần xác định đâu là những vấn đề bất biến, không thể xâm phạm, đâu là những lợi ích có thể dung hòa được với các nước khác.

"Điều gì hợp tác được thì cần hợp tác chặt chẽ, tay nắm chặt tay, điều gì vướng mắc thì cần khôn khéo, hóa giải tương khắc và tận dụng tương đồng. Cùng nhau tìm chữ “đồng” là rất quan trọng trong ngoại giao”, Thủ tướng nhấn mạnh

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế của các định chế quốc tế nhằm tạo ra thế và lực cho đất nước, tiêu biểu là các định chế quan trọng như Liên Hợp Quốc, WB, IMF, ASEAN, ASEM, APEC… Cùng với đó là đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng thể chế ASEAN nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngoại giao cần chủ động đề xuất triển khai phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy phát triển kinh tế; có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất về nhiệm vụ đối ngoại và quản lý đối ngoại, tạo sức mạnh tổng hợp trong Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế.

Mong muốn những nhà ngoại giao và cán bộ thương mại phải đại diện một cách chân thực nhất, tối ưu nhất hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại, Thủ tướng cho rằng, nhà ngoại giao chuyên nghiệp của thời đại mới sẽ phải kiêm vai trò là nhà kinh tế, học giả, xúc tiến đầu tư, những nhà văn hóa Việt Nam. Đó là những trọng trách lớn lao không ít gian nan nhưng đó cũng là sứ mệnh cao cả, đáng tự hào mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đang kỳ vọng ở các nhà ngoại giao.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng lưu ý tất cả các địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác đối ngoại để phát huy thế mạnh so sánh của địa phương đặc biệt là hợp tác chặt chẽ thông tin kịp thời cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Ngoại giao cần xác định vấn đề bất biến, không thể xâm phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.