Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lên sức mạnh đồng thuận

Quốc Bình| 25/08/2016 07:25

(HNM) - Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng một cách đồng bộ, toàn diện, Đảng bộ Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện nội dung về công tác dân vận. Điểm mạnh của Hà Nội là cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận, giờ càng cần phát huy hơn bao giờ hết để nhân lên sức mạnh đồng thuận trong xã hội, tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô.

Cụ thể hóa sát với thực tiễn

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thực hiện yêu cầu trên, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa, thể hiện ở Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và 8 chương trình công tác toàn khóa. Trong Chương trình 01-CTr/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020”, Thành ủy Hà Nội nêu rõ yêu cầu: “Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục; thực hiện tốt công tác tôn giáo; công tác dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Thành ủy (khóa XV)”.

Yêu cầu của thành phố đặt ra là các cấp ủy đảng phải củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức dân vận từ thành phố đến cơ sở, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thiết thực; nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền các cấp. Nội dung này gắn bó mật thiết với Chương trình 08-Ctr/TU của Thành ủy với mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả; quyết tâm xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Việc thực hiện các chương trình này từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là những chuyển biến rõ nét về tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được dư luận và nhân dân đánh giá cao. Đây là kết quả hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận, góp phần củng cố lòng tin trong nhân dân.

Tạo mối liên hệ máu thịt

Quan tâm đến những đối tượng cụ thể của công tác dân vận, từ đầu năm đến nay, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành một số chỉ thị, thông tri chỉ đạo sát sao đối với cấp ủy các cấp, trong đó có thể kể đến, Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 14-1-2016 về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Thông tri số 03-TT/TU ngày 19-4-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”…

Với vai trò chuyên trách, Ban Dân vận Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 03-CT/BDVTU ngày 22-7-2016 về “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI về công tác dân vận”. Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra đối với cán bộ dân vận là phải nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân, nhất là tình hình công nhân lao động, đồng bào có đạo, thanh niên, sinh viên, trí thức, doanh nhân… để kịp thời làm nhiệm vụ tham mưu giải quyết có hiệu quả những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Một điểm mới rất đáng chú ý là Ban Dân vận Thành ủy dự kiến sẽ tham mưu xây dựng Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn thành phố; đồng thời phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Cấp ủy các cấp cũng đã khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận với tinh thần, coi sự đồng thuận của nhân dân là mấu chốt để thực thi các nhiệm vụ chính trị. Hầu hết các cấp ủy đều lựa chọn khâu đột phá là cải cách hành chính, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tạo mối liên hệ máu thịt giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân.

Làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định: “Điểm mạnh của Hà Nội là cả hệ thống chính trị của thành phố làm công tác dân vận chứ không khoán trắng cho đội ngũ làm công tác dân vận như một số địa phương khác”. Điểm mạnh này cũng chính là cơ sở để hệ thống chính trị thành phố tiếp tục đưa công tác dân vận trở thành thế mạnh, nhân lên sức mạnh đồng thuận, tinh thần đoàn kết trong thực thi các nhiệm vụ chính trị, xây dựng, phát triển Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên sức mạnh đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.