Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảng viên phải cập nhật tình hình, tránh để bài giảng lặp lại năm này qua năm khác

Quốc Bình| 20/09/2016 18:45

(HNMO)- Chiều 20-9, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thường trực Thành uỷ Hà Nội có cuộc làm việc với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.


Dự cuộc làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Nguyễn Xuân Thắng và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng. Cuộc làm việc nhằm giúp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khảo sát, tìm hiểu tình hình hoạt động của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phục vụ cho Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng các trường chính trị đang được Học viện nghiên cứu, xây dựng.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Hà Nội luôn coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã giúp thành phố từng bước nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ các cấp, qua đó hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị. Năm 2008, khi Hà Nội mới hợp nhất, có những huyện, cán bộ chủ chốt cấp xã chỉ có 34% là cử nhân, 40% có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

Đến nay, tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học, có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đều tăng, nhiều huyện đã đạt 80-100% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học. Chủ động, sáng tạo trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch cán bộ, thành phố đã tổ chức đào tạo trên 1.000 cán bộ nguồn, lần đầu tiên bồi dưỡng cán bộ dự nguồn lãnh đạo thành phố. Hàng ngàn lượt cán bộ chủ chốt các cấp thành phố cũng đã được bồi dưỡng, đào tạo cao cấp lý luận chính trị… Trong quá trình đó, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tham gia tích cực, hiệu quả, có đóng góp quan trọng.

Tuy nhiên, theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Thành uỷ Hà Nội đang tích cực chỉ đạo, cùng với trường tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trước mắt, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong sẽ tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, kiện toàn tổ chức, sốc lại đội ngũ, nâng cao hơn nữa số lượng và chất lượng cán bộ, giảng viên.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị


Mỗi giảng viên phải tự ý thức nâng cao trình độ, tinh thông cả chuyên môn và kỹ năng thực tiễn, thường xuyên cập nhật tình hình Thủ đô và đất nước, đổi mới nội dung và phương thức giảng dạy, tránh tình trạng bài giảng cũ, lặp lại năm này qua năm khác. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ yêu cầu Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tăng thời gian, số lượng, và chất lượng nghiên cứu khoa học, chủ động đề xuất đề tài góp phần giải quyết những vấn đề của thành phố đang đặt ra; đồng thời tham gia ngay vào quá trình xây dựng cơ sở trường mới bảo đảm phù hợp với yêu cầu đạo tạo, xứng tầm yêu cầu nhiệm vụ phát triển của Thủ đô.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm giúp đỡ, hợp tác thành phố Hà Nội nói chung, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong nói riêng trong việc đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoàn thành xuất sắc kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo.

Mong muốn Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong là trường chính trị mẫu mực của cả nước, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Thành ủy, Trường cần chủ động hơn trong đổi mới và nâng cao chất lượng. Trường có thể linh hoạt bằng cách tăng cường trao đổi, thảo luận để các lớp học tránh nhàm chán, nặng nề; mời lãnh đạo thành phố, sở, ngành nói chuyện chuyên đề; đổi mới phương thức thi cử, phát huy tính sáng tạo của học viên… Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng nhất trí với Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa cùng thành phố nâng cao chất lượng đào tạo và đội ngũ cán bộ.

Trước đó, báo cáo tại cuộc làm việc, Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, từ nhiều năm nay, Thành uỷ Hà Nội nhất quán giao cho Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ, không “xé lẻ” ra nhiều cơ sở. Trường hiện có 5 khoa, 3 phòng và 1 trung tâm đào tạo tin học. Đội ngũ cán bộ viên chức, lao động có 130 người, trong đó có 74 giảng viên và giảng viên kiêm chức. Năm học 2015-2016, nhà trường đã giảng dạy, quản lý và phục vụ 125 lớp với 15.506 học viên; trong đó có 69 lớp đào tạo tại chức, tập trung và 56 lớp bồi dưỡng. Có 4 loại hình đào tạo, bồi dưỡng trường đang giảng dạy, phục vụ gồm: Đào tạo trung cấp lý luận chính trị-hành chính; bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước; các lớp bồi dưỡng của các ban đảng, MTTQ thành phố và các tổ chức chính trị-xã hội; các lớp đào tạo thí điểm cán bộ nguồn công chức xã, phường, thị trấn. Về nghiên cứu khoa học, trường chủ yếu thực hiện các đề tài có tính ứng dụng thực tiễn, ít có đề tài nghiên cứu lý luận.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong kiến nghị đề xuất một số vấn đề. Đáng chú ý, trường đề xuất thành phố kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung định mức chi quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21-9-2010 về “Quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức”. Vì mức ban hành thời điểm đó mức lương cơ sở là 830.000 đồng nay đã tăng lên 1.210.000 đồng. Theo quy định trên, mức chi để mời giảng viên, báo cáo viên là phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên chính không quá 600.000 đồng/buổi; cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị ở trung ương và cấp tỉnh không quá 500.000 đồng/buổi; cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các đơn vị cấp huyện và tương đương không quá 300.000 đồng/buổi.

Đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trường kiến nghị nên nâng số lượng học viên trên một lớp hệ không tập trung từ không quá 70 người lên 100 người; xem xét về định biên đối với trường chính trị sao cho phù hợp với thực tiễn Hà Nội; tổ chức thi, kiểm tra nên ra đề thi mở cho phép học viên được sử dụng tài liệu để tránh hình thức trong thực hiện quy chế thi hướng tới đào tạo năng lực học tập, năng lực tiếp thu kiến thức và vận dụng kiến thức cho học viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảng viên phải cập nhật tình hình, tránh để bài giảng lặp lại năm này qua năm khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.