Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Ba Vì cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về thực hiện Quy chế dân chủ

Phong Thu| 22/09/2016 17:48

(HNMO)- Sáng 22-9, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thành phố do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng BCĐ dẫn đầu làm việc với xã Châu Sơn và huyện Ba Vì.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm Công ty cổ phần sữa Ba Vì.


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận huyện Ba Vì đã nghiêm túc thực hiện QCDC của huyện Ba Vì. Qua đó, đã tạo chuyển biến về nhận thức và hành động từ cấp ủy, chính quyền, MTTQ đến các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo động lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Huyện đã có những thay đổi rõ nét về dồn điền đổi thửa; có những mô hình làm kinh tế tốt, có sản phẩm có thương hiệu như "Sữa Ba Vì", "Gà đồi Ba Vì", "Khoai lang Đồng Thái"; đời sống người dân được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2015 là 30 triệu đồng/năm; đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt, trong công tác GPMB, huyện đã hoàn thành và bàn giao số lượng lớn diện tích để đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm, trong đó nhiều dự án khó như làm bãi rác, xây dựng nghĩa trang... Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện tiến hành thực hiện công tác GPMB 41 dự án với tổng diện tích trên 1.210 ha, đã hoàn thành 24 dự án và 40 tiểu dự án, với diện tích trên 486 ha, kinh phí bồi thường, hỗ trợ 1.286,7 tỷ đồng, tái định cư cho 71 hộ. Đối với xã Châu Sơn, từ việc thực hiện QCDC cũng đã tạo được chuyển biến. Mối quan hệ giữa chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng chặt chẽ. Từ năm 2011 đến nay, kinh tế của xã năm sau luôn cao hơn năm trước. Châu Sơn đã trở thành 1 trong 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Ba Vì.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận buổi kiểm tra việc thực hiện QCDC tại huyện Ba Vì.


Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế của huyện Ba Vì là chưa quan tâm thích đáng đến thực hiện QCDC trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; đơn thư khiếu nại còn nhiều; chất lượng giải quyết đơn thư còn hạn chế; việc thực hiện kết luận sau thanh tra còn chậm. Thống nhất với 7 nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở mà huyện Ba Vì đề ra thực hiện trong thời gian tới, Trưởng BCĐ đề nghị huyện thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là thực hiện tốt QCDC ở cơ sở với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" tạo sự thống nhất, đồng thuận. Gắn việc thực hiện QCDC với xây dựng chỉnh đốn đảng và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", coi đây là biện pháp quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành của đảng viên. Nhấn mạnh thực hiện QCDC phải gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, đồng chí lưu ý huyện cần thực hiện cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa cho nông dân; tiếp tục phát huy lợi thế về làm kinh tế từ chăn nuôi, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế cũng như tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, đồng thời, luôn quan tâm tới xã khó khăn đặc biệt.

Theo Trưởng BCĐ, huyện Ba Vì cần nâng cao hơn nữa hoạt động của BCĐ QCDC ở các xã; tìm rõ nguyên nhân của 4 hạn chế tồn tại để phát huy được QCDC trong quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đô thị, trong giải quyết đơn thư, nhất là đơn thư GPMB và phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền về thực hiện QCDC.

Trước đó, Đoàn đã đến thăm Trang trại mẫu nuôi bò sữa và đồng cỏ quốc tế Ba Vì và Công ty cổ phần Sữa Ba Vì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ba Vì cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về thực hiện Quy chế dân chủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.