Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương

Võ Lâm| 29/09/2016 07:03

(HNM) - Kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị tại Hà Nội mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả đạt được, đồng thời tin tưởng Thủ đô sẽ đi đầu cả nước về thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Trong lĩnh vực giáo dục, nên cho các trường cơ chế tự chủ về nhân sự. 


Tuy nhiên, những khó khăn vướng mắc đặt ra trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ tại Hà Nội không hề nhỏ, đòi hỏi sự tập trung quyết liệt của các cấp ủy đảng và sự hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương.

Nhiều nhiệm vụ khó

Nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ đặt ra cho TP Hà Nội trong thời gian tới khá nặng nề. Khối các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố có 50 đơn vị với 3.550 biên chế được giao. Tuy nhiên, đến nay khối này mới có 12 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp bộ máy, gồm các ban Đảng Thành ủy, Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị của thành phố. Như vậy, vẫn còn 38 đơn vị trong quá trình thực hiện sắp xếp bộ máy. Theo Ban Tổ chức Thành ủy, ngoài các cơ quan, cấp ủy trong hệ thống có hướng dẫn định biên cụ thể của Trung ương rất thuận lợi cho việc áp dụng thực hiện, các đơn vị sự nghiệp phải tự xây dựng bộ máy nên gặp nhiều khó khăn. Thời hạn phải báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về sắp xếp bộ máy của khối đơn vị sự nghiệp là ngày 15-10-2016, nghĩa là chỉ còn nửa tháng nữa. Đây thực sự là thách thức không nhỏ.

Trong khi đó, sau khi hoàn thành sắp xếp lại 22/22 sở và tương đương, khối các cơ quan trực thuộc UBND thành phố đang tập trung thực hiện bước tiếp theo là thu gọn các đầu mối. Thành phố quyết tâm thực hiện quyết liệt việc tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước. Đây là công việc có khối lượng rất lớn, chiếm đến 50-60% công việc của các sở, ngành hiện nay. Việc cơ cấu lại các ban quản lý và các cơ quan, đơn vị cấp huyện cũng trong quá trình thực hiện. Nội dung này rất khó vì đụng chạm đến lợi ích của nhiều đối tượng. Chưa kể, có những bất cập cần được tập trung giải quyết như ở quận Cầu Giấy, kinh tế nông nghiệp đã triệt tiêu, nhưng vẫn tồn tại Hội Nông dân...

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng xong đề án tinh giản biên chế và các cấp chính quyền cơ sở đều phải xác định bằng các biện pháp khác nhau để thực hiện mục tiêu giảm 10% biên chế đến năm 2021 và tuân thủ nguyên tắc chỉ tuyển dụng 50% để bổ sung số cán bộ công chức đã nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước. Đối với viên chức, thành phố kiên quyết không tăng biên chế, chỉ tăng trong lĩnh vực giáo dục và y tế theo đúng định mức quy định tại các văn bản của Trung ương.

Giải quyết kịp thời những vướng mắc


Nhiệm vụ đòi hỏi các cấp, ngành thành phố vào cuộc với tư duy đổi mới, quyết tâm cao, không ngại va chạm. Nhưng để thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TƯ, cần thiết phải tháo gỡ những vướng mắc không nhỏ đang đặt ra. Trước mắt, phải sớm thống nhất quan điểm và cách làm bảo đảm hài hòa giữa hướng dẫn của Trung ương và thực tiễn. Trong cuộc kiểm tra của đoàn công tác Bộ Chính trị tại Hà Nội vừa qua, trong khi thành viên của đoàn cho rằng nên giảm số lượng những cán bộ không trực tiếp giảng dạy như văn thư, y tế, thư viện…, lãnh đạo Sở GD-ĐT thành phố khẳng định: “Những chức danh này đều cần thiết trong nhà trường”. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đề nghị: "Để giảm biên chế trong lĩnh vực giáo dục, nên cho các trường cơ chế tự chủ về nhân sự. Các trường chỉ tuyển 40-50% giáo viên trong biên chế, còn lại hiệu trưởng được tự chủ biên chế để tạo sự cạnh tranh giữa các giáo viên”.

Vấn đề khác ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ là những bất cập về cơ chế chính sách. Chính các thành viên trong đoàn kiểm tra cũng đã thừa nhận: “Hiện nay, quy định hành lang pháp lý có những điểm chưa sát thực tế, vênh so với chủ trương của Đảng”. TP Hà Nội đề nghị các bộ, ngành trung ương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; cho phép Hà Nội được thực hiện số lượng bốn phó giám đốc sở và tương đương; cho phép các địa phương chủ động giao các đơn vị thanh tra xây dựng, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về UBND quận, huyện, thị xã quản lý…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách cổ phần hóa theo hướng 100% doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối (51% trở lên). Vì nếu không, cơ quan nhà nước phải bố trí viên chức đại diện tham gia hội đồng quản trị. Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải kiến nghị, nếu định biên chính xác, đầy đủ có thể cho phép các cơ quan, đơn vị dùng tiền lương dư do tiết kiệm biên chế để tăng thu nhập cho người lao động.

Hà Nội đang nỗ lực để đi tiên phong, dẫn đầu trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ, nhưng rõ ràng, những bất cập đang đặt ra cần được các cơ quan trung ương quan tâm hỗ trợ,

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.