Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Luật ra chậm vì các Bộ mải 'soi' quyền lợi

Theo VnE| 07/10/2016 10:42

Ông Nguyễn Chí Dũng giải thích nguyên nhân khiến Chính phủ chậm gửi hồ sơ dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tới thường trực Quốc hội là bởi các bộ thiếu trách nhiệm, chỉ soi quyền lợi của mình khi góp ý văn bản...

Ngày 6/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thành viên thường trực Quốc hội tỏ ra không hài lòng khi tới chiều 29/9, Chính phủ mới gửi hồ sơ trình. Cơ quan thẩm định là Ủy ban Kinh tế chỉ có thời gian chưa đầy một tuần để thẩm định. Thậm chí, các thành viên thường trực chỉ nhận được đầy đủ hồ sơ (tờ trình, báo cáo thẩm định...) vào tối muộn 5/10, vài tiếng trước khi cho ý kiến chính thức sáng nay.

Nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trình dự án luật, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói thẳng lý do là các bộ ngành liên quan hết sức thiếu trách nhiệm. Dù cơ quan này đã thành lập ban soạn thảo, mời các bên tham gia nhưng các bộ đều cử không đúng người dự và chỉ soi xem có ảnh hưởng gì tới quyền lợi của mình hay không.

“Cách làm luật của các bộ ngành xưa nay không đến nơi đến chốn, thiếu trách nhiệm. Dù ban soạn thảo đã rất công phu mà không ai cho ý kiến đóng góp. Văn bản trình ra Thường vụ hôm nay là bản cuối cùng sau khi đã thống nhất giữa các bộ, ngành và sau khi được các thành viên Chính phủ góp ý. Bộ nào có ý kiến khác là không có giá trị”, ông nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành chưa có trách nhiệm khi góp ý vào dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: VPQH


Về sự cần thiết ban hành luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, một số chính sách hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định 56 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể... nên hiệu lực thực thi chưa cao.

Dự thảo luật lần này đưa ra một loạt quy định như chương trình hỗ trợ gia nhập, rút khỏi thị trường, miễn thuế, tín dụng, công nghệ, mặt bằng sản xuất... Ngoài ra còn có biện pháp hỗ trợ chọn lọc, chuyên biệt gồm: Chương trình hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành...

Đồng ý sự cần thiết cần có một luật riêng cho khu vực doanh nghiệp này, nhưng cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế cho biết, những hạn chế nêu trong tờ trình của Chính phủ chưa đủ là nguyên nhân để ban hành luật, mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56. Ngoài ra, việc tính toán tác động ngân sách với những biện pháp hỗ trợ (giảm thuế, tín dụng...) chưa được Chính phủ đánh giá đầy đủ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính toán sơ bộ toàn bộ các nội dung ưu đãi, miễn giảm thuế theo các quy định của dự thảo luật sẽ làm ngân sách Nhà nước giảm thu gần 9.400 tỷ đồng một năm, nhưng chưa làm rõ được thời gian ngân sách Nhà nước sẽ cân bằng thu chi.

Đây cũng chính là điểm “vênh” được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ ra. Theo ông, tính toán của Bộ Tài chính nếu áp dụng chính sách hỗ trợ tại dự luật ngân sách sẽ hụt thu khoảng 9.400 tỷ đồng mỗi năm, cộng tất cả các chi phí khác con số có thể lên tới 20.000 tỷ đồng. Và nếu luật thực thi dự kiến ngân sách sẽ thu được 265.000 tỷ đồng với một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, như vậy là quá lạc quan.

"Nếu thu được 265.000 tỷ đồng cho ngân sách sau 5 năm nữa thì tốt quá, phải đưa vào kế hoạch thu chi ngân sách ngay", ông nói.

Con số 20.000 tỷ đồng hỗ trợ này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho là "e còn chưa đủ". Bà yêu cầu, cơ quan soạn thảo phải ngồi lại với các bộ, ngành để tính hết, đủ. Tránh tình trạng đưa ra dự báo một con số, tới khi vượt khung lại xin nới thêm.

"Nói đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ai cũng thấy cần, nhưng nếu Nghị định 56 và những chính sách hỗ trợ được quy định trong các luật hiện có đang làm tốt thì cần luật hay ban hành một nghị định bổ sung", bà Ngân nói.

Hướng về phía Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bà yêu cầu giải trình, luật này ban hành sẽ tương thích hay xung đột với các quy định pháp luật, cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đồng tình, Trưởng ban Dân nguyện – Nguyễn Thị Thanh Hải góp ý, dự luật chưa đưa ra được các tiêu chí cụ thể đối tượng hỗ trợ. “Lượng doanh nghiệp ảo, doanh nghiệp ma hiện rất nhiều. Không đưa ra tiêu chí cụ thể thì đối tượng cần hỗ trợ thực lại không tới”, bà nói.

Trước lo lắng của các thành viên thường trực Quốc hội về tính xung đột của dự luật với các luật khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ, bất kể cuộc cách mạng nào, cải cách nào cũng có mặt trái và cũng có ý kiến trái chiều, nếu đồng thuận hết thì không có cải cách.

Bổ sung thêm Thứ trưởng Đặng Huy Đông nêu, các câu hỏi thành viên thường trực Quốc hội đặt ra cũng chính là những câu hỏi mà ban soạn thảo đã phải giải trình trước thành viên Chính phủ. Ông Đông khẳng định, đã có nhiều nước có Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, như Việt Nam là quá chậm.

“Dự luật này rất quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp này hiện chiếm trên 97%. Lùi hay chậm ban hành ngày nào thì doanh nghiệp sẽ thiệt thòi. Vì thế, chúng tôi thiết tha luật này sẽ được thông qua 2 kỳ họp, còn vấn đề gì băn khoăn thì sẽ tiếp thu, chỉnh sửa”, vị này tha thiết.

Khẳng định hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này là chủ trương lớn, song Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển một lần nữa nhắc lại, đã có nhiều luật quy định nội dung liên quan tới hỗ trợ đối tượng này, nhưng đã làm chậm và không quy định chi tiết. Ngay dự thảo luật rất nhiều điều phải sửa, mâu thuẫn.

“Đồng ý tinh thần đột phá của Chính phủ, nhưng đột, đừng có phá. Bộ Tài chính tới đây phải trả lời có đủ tiền không, tiền ở đâu…? Phải tính hết bao tiền để có 1 triệu doanh nghiệp như dự kiến, quá trình hỗ trợ sẽ kéo dài bao lâu? Luật này ra mà bị lợi dụng thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Nếu suôn sẻ thì không sao, còn nếu không mà quay xem lại quy trình làm luật thì là có khuyết điểm”, ông lo lắng.

Ông Hiển dứt khoát, những quy định hỗ trợ then chốt như về thuế, miễn trách nhiệm hình sự cho doanh nghiệp… không đưa vào dự luật, mà phải theo luật chuyên ngành đã có.

Dù còn nhiều câu hỏi lớn băn khoăn với dự luật Chính phủ trình lần này, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Uỷ ban Thường vụ không có thành viên nào không ủng hộ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng luật hoá như thế nào thì cần bàn kỹ hơn.

Bà Ngân yêu cầu ban soạn thảo hoàn thiện hồ sơ và trình lại cơ quan thường trực vào ngày 10/10 để kịp đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Còn nếu không kịp thì sẽ phải lùi lại.

“Không phải thường vụ làm khó Chính phủ nhưng luật đưa ra trình Quốc hội thì hồ sơ phải hoàn chỉnh, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng nội dung, chứ không thể hời hợt”, bà Ngân chốt lại. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Luật ra chậm vì các Bộ mải 'soi' quyền lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.