Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm đổi mới công tác cán bộ, xây dựng nền hành chính vì dân

Võ Lâm| 21/11/2016 06:51

(HNM) - Một trong những chủ đề nổi bật, được quan tâm nhiều nhất trong đợt chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV là về công tác cán bộ.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng (Đoàn Hà Nội) phát biểu chất vấn. Ảnh: Nhật Nam


Dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm

Có thể nói, những vấn đề thời sự được dư luận cử tri và nhân dân quan tâm nhất đã được đem ra mổ xẻ tại diễn đàn QH một cách dân chủ, thẳng thắn và hết sức trách nhiệm. ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) nêu ý kiến: “Hiện nay công tác tuyển dụng, quy hoạch luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ chưa tốt dẫn đến vẫn còn hiện tượng "một người làm quan, cả họ được nhờ" và một cơ quan có đến 44 lãnh đạo trong số 46 biên chế. Một bộ phận công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, kém chất lượng, yếu kỷ luật nên để xảy ra hiện tượng 3 không: Không làm việc vì đùn đẩy; không làm được việc vì năng lực, trình độ hạn chế; không muốn làm việc vì ý thức, kỷ luật kém”.

ĐB Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH) đặt câu hỏi: Có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ tại không ít bộ, ngành, địa phương vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, trong đó có những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định? Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), cử tri luôn kêu ca việc tuyển dụng (cán bộ, công chức) lâu nay không minh bạch, việc tổ chức thi tuyển hay xét tuyển ở một số bộ, ngành, địa phương quan sát thì có vẻ rất nghiêm túc nhưng còn mang tính hình thức.

ĐB Đinh Đăng Luận (Yên Bái) phản ánh, rất nhiều tỉnh, thành phố khi tuyển dụng công chức, viên chức đều quy định người dự tuyển phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Việc làm này thể hiện sự cục bộ, cát cứ, vi phạm Điều 8 Luật Cư trú...

Liên quan đến công tác đánh giá, phân loại cán bộ, ĐB Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) cho biết, theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ thì phải đạt tất cả các tiêu chí a, b, c... trong đó phải đạt tiêu chí tại Điểm d, Khoản 1, Điều 25 là ít nhất có một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận.

“Quy định như trên là không khả thi, ví dụ Ngành Y tế, một đơn vị có vài trăm đến hàng ngàn công chức, viên chức, lấy đâu ra mỗi năm ít nhất có vài trăm đến vài ngàn công trình khoa học đề án, đề tài hoặc sáng kiến” - ĐB nhấn mạnh. Theo ĐB Lê Quân (Đoàn Hà Nội), tinh giản biên chế là một chủ trương rất quan trọng. Tuy nhiên, với quy chế đánh giá hiện nay việc tinh giản dựa trên đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ diễn ra rất chậm.

Quyết liệt, nói đi đôi với làm

Những câu hỏi chất vấn thẳng thắn của các ĐBQH phản ánh rõ nét một số tồn tại, hạn chế cần được tập trung giải quyết. Trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong khắc phục những vấn đề này.

Thừa nhận công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ còn có những nhược điểm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì và Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ phối hợp để làm lại quy trình kể cả về công tác quy hoạch, công tác đào tạo, công tác luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ. Về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, tiếp thu ý kiến ĐB, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đang trình Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, khắc phục những điều bất hợp lý.

Bộ trưởng nhấn mạnh, tuyển dụng công chức không được phân biệt địa giới hành chính. Các địa phương nếu đã xảy ra tình trạng này thì đề nghị chấm dứt ngay. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu vì sao trong thời gian vừa qua việc thi tuyển đầu vào của công chức chỉ đạt hơn 10%, xét tuyển đạt gần 90% để tìm ra giải pháp đảo ngược tỷ lệ này.

Đề cập đến vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ việc giao biên chế hằng năm cho các bộ, ngành và địa phương tuân thủ đúng theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, cứ mỗi năm giảm bình quân 1,5%. Việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện gắn với cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có quy định chế độ khen thưởng, kỷ luật phù hợp trong quá trình thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trả lời chất vấn của các ĐBQH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi những thông điệp quyết đoán, hợp lòng dân. Đây cũng là "lời nói nhất quán với việc làm” đã được Chính phủ thể hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Chính phủ rất mong Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, toàn thể nhân dân giám sát bộ máy chính quyền các cấp. Chính phủ cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân đồng hành, nói không với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; hình thành văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử lành mạnh, văn minh, không tạo cơ hội cho cán bộ, công chức tham nhũng, lãng phí”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ quyết liệt xử lý tình trạng thiếu kỷ cương phép nước, tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu; quyết tâm loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm đổi mới công tác cán bộ, xây dựng nền hành chính vì dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.