Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu truyền hình trực tiếp “Sống mãi với Thủ đô”

Nhóm PV HNMO| 15/12/2016 19:55

(HNMO) - Tối 15/12, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Đài PT-TH Hà Nội thực hiện cầu truyền hình đặc biệt “Sống mãi với Thủ đô”, tái hiện sống động không khí sục sôi của 60 ngày đêm Hà Nội kiên cường chiến đấu giữ chân địch để Trung ương an toàn rút lên chiến khu Việt Bắc, mở đầu cuộc kháng chiến 9 năm.

22:31 15/12/2016

70 năm trôi qua, phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của Thủ đô, giá trị ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã viết nên trang sử hào hùng, góp phần làm rạng danh non sông đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội một lòng đoàn kết xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng truyền thống vẻ vang của một Thủ đô anh hùng, thành phố Vì hòa bình.

22:26 15/12/2016

Ra đi để hẹn ngày trở lại với Thủ đô. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà còn bảo toàn được lực lượng, làm nên một cuộc rút lui thần kỳ sau 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” để 9 năm sau ca khúc khải hoàn chiến thắng.


Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sau 9 năm trường kỳ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên, chấn động địa cầu. Ngày 10/10/1954, năm cửa ô giang rộng vòng tay đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Hòa trong niềm vui chung ấy, những người con Hà Nội đã giữ trọn lời thề, ra đi để có ngày trở lại với Thủ đô yêu dấu.



22:19 15/12/2016

Trong 2 ngày, 15 và 16/2/1947, các đơn vị của Liên khu II và III đồng loạt tấn công vào các đơn vị Pháp ở phố Hàng Bột, Cầu Giấy, Kim Mã... Các đơn vị khác tổ chức quấy rồi và nghi binh địch ở ngoại thành để thu hút sự chú ý của địch. Đến 17 giờ ngày 17/2, lệnh rút lui được phổ biến tới toàn bộ trung đoàn và từng chiến sĩ.

22:18 15/12/2016

Ông Đặng Đình Tích - Nguyên chiến sĩ vệ út, Trung đoàn Thủ đô - cậu bé liên lạc năm xưa từng dẫn đường cho đội du kích Hồng Hà vào Liên khu I, vẫn còn nhớ như in quá trình tìm ra một lối thoát cho 1.200 con người trong bối cảnh vô cùng cam go, lương thực, vũ khí đều cạn kiệt, mọi con đường rút đều bị giặc phong tỏa.

"Tối 12/2/1947, chúng tôi tới bờ sông và đón được 2 đồng chí du kích Hồng Hà. Nhờ đó, chúng tôi đã chăm chú lắng nghe và tìm hiểu cặn kẽ con đường bãi giữa mà đội du kích Hồng Hà thường sử dụng để tiếp tế rau quả và các loại lương thực, thực phẩm khác. Sau trận đánh tại chợ Đồng Xuân ngày 14/2/1947 - một trong những trận đánh ác liệt và tiêu biểu nhất - Ban chỉ huy trung đoàn Thủ đô đã thống nhất rằng, tất cả các đơn vị phải tập kết và vượt qua vùng nước cạn để sang bãi giữa, đi tới khu vực có thuyền của đồng bào để chở qua sông.

Ngày 19/2/1947, chuyến thuyền cuối cùng của đồng bào đã đưa các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô cập bến. Vậy là 1.200 chiến sĩ chúng tôi đã làm nên một kỳ tích về cuộc rút lui mang tính lịch sử".

22:11 15/12/2016

Những trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra ở Liên Khu I kể từ sau Tết Đinh Hợi. Trường Ke, nhà Xô-va, phố Hàng Thiếc và ác liệt nhất là trận đánh chợ Đồng Xuân. Trong suốt hai tháng cầm cự liên tục, lời thề quyết tử đã được cụ thể hóa bằng phương châm: Một người, một tổ cũng đánh. Một quả lựu đạn, một chai xăng krếp, một bom ba càng cũng tiến công địch.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà - Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nói về ý nghĩa và thực tiễn chiến đấu chứng minh cho lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của người Hà Nội và những bài học để lại cho chúng ta hôm nay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, lời thề "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" hình thành theo phương án kháng chiến của các chiến sĩ vệ quốc quân. Thời điểm đó, xe tăng là thứ vũ khí vô cùng lợi hại khi tác chiến trên đường phố. Quân Pháp có hơn 60 xe tăng, trong khi lực lượng của ta chỉ có 1 khẩu bazooka và gần 100 quả bom ba càng. Các chiến sĩ quyết tử đã phải dùng xung lực, tinh thần, sức mạnh cơ thể... để ôm bom ba càng lao vào xe tăng, như vậy xe tăng mới phát nổ và họ chấp nhận hi sinh. Nhờ sự quả cảm của các chiến sĩ, chúng ta đã giữ vững được các vị trí tác chiến.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng 8, Tổ quốc ta, dân tộc ta đã được hồi sinh. Hơn 1 năm sau Cách mạng Tháng 8, những người dân Việt Nam đã thấm đẫm giá trị của tự do càng quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh là biểu tượng của sự hi sinh, bởi hơn ai hết, những chiến sĩ ấy cảm nhận được giá trị cái chết của mình, đặt niềm tin vào sự quyết tử của mình để Tổ quốc quyết sinh. Tinh thần của họ đã trở thành biểu tượng của cả dân tộc Việt Nam, được tiếp nối trong suốt chặng đường bảo vệ Tổ quốc về sau, biến thành những phong trào yêu nước như Ba sẵn sàng, các phong trào Thanh niên xung kích, tình nguyện...

21:57 15/12/2016

Trong 60 ngày đêm, đã có khoảng 10 đội cảm tử được thành lập, với tổng cộng gần 100 đội viên. Họ được gọi là Quyết tử quân. Trước khi làm nhiệm vụ, mỗi người khoác lên cổ chiếc khăn đỏ, tham gia lễ truy điệu sống chính bản thân mình và được trao một thứ vũ khí đặc biệt có tên là bom ba càng.


21:52 15/12/2016

Hà Nội 70 năm về trước còn là ký ức những đứa trẻ nghèo đói, mồ côi, bán báo, đánh giày... lang thang trên những hè phố Hà Nội kiếm sống. Cái đói năm Ất Dậu đã xua những đứa trẻ ấy dật dờ về sống ở xóm lao động nghèo ngoài bãi Phúc Tân, Phúc Xá ven bờ sông Hồng. Tuổi thơ dữ dội cứ thế trôi đi cho đến khi ánh sáng từ nhà máy điện Yên Phụ vụt tắt. Trời Hà Nội đỏ máu... Một trong những chú bé “Ga-vơ-rốt Hà Nội” 7 thập kỷ trước là Trung tá, NSƯT Phùng Đệ - Nguyên chiến sĩ Vệ út, Trung đoàn Thủ đô.

Trung tá Phùng Đệ nhớ lại những ký ức của 70 năm về trước.


"Nhớ lại thời kỳ cách đây 70 năm, khi ấy tôi mới 13 tuổi", Trung tá Phùng Đệ chậm rãi kể. "Tôi là chú bé liên lạc của Thủ đô, thường xuyên luồn lách qua những bức tường đổ để mang công văn đến điểm chốt cho các chiến sĩ. Tối đến tôi lại dẫn các chiến sĩ đi tập kích đồn địch. Nhờ vậy, tôi còn có vinh dự đưa thư chúc Tết của Bác cho các chiến sĩ. Đó là những giây phút vô cùng phấn khởi và thân thương.

Tôi còn nhớ trong thư của Bác có đoạn: “Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô yêu mến. Các em ăn tết thế nào? Còn Bác và Chính phủ không ai nỡ ăn tết bởi còn nhớ đến các em đang chiến đấu. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em đã tiếp nối tinh thần tự tôn của dân tộc ta suốt mấy nghìn năm”.

Đọc thư của Bác, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã vô cùng tự hào, tinh thần chiến đấu lại dâng cao dù vòng vây của địch càng siết chặt.

21:51 15/12/2016

Cũng vào dịp Tết Đinh Hợi, sau khi nghe thư của Bác, một chiến sĩ có tên là Trịnh Đình Báu đã thức thâu đêm để viết bài thơ có tên là “Thủ đô huyết thệ”. Bài thơ ấy đã gây xúc cảm đặc biệt cho anh tự vệ trẻ phố Nhà Thờ tên là Lương Ngọc Trác. Ngay sau đó, hành khúc “Thủ đô huyết thệ” ra đời trong những ngày khói lửa.

Múa minh họa cho hành khúc "Thủ đô huyết thệ"

21:44 15/12/2016

Đêm giao thừa Tết Đinh Hợi 1947, người Hà Nội trào dâng niềm xúc cảm đón nhận bức thư của Hồ Chủ tịch. Càng sung sướng hơn khi tận mắt thấy lá quốc kỳ nước Việt được treo trên đỉnh Tháp Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm. Ngay giữa lòng Hà Nội chiến địa, trong không khí thiêng liêng của ngày đầu năm mới, những chiến sĩ của Liên khu I năm xưa, Trung đoàn Thủ đô non trẻ, đã trực tiếp đón nhân bức thư đặc biệt ấy như thế nào?

Nguyên là chiến sĩ vệ út Trung đoàn Thủ đô năm xưa, bà Vũ Thị Nhâm đã chia sẻ cảm nhận của mình về những lời dặn dò và tình cảm mà Bác gửi gắm qua bức thư ấy.

"Trong trận địa chống cự rất ác liệt, ngoài không khí thiêng liêng đón năm mới, theo tinh thần bức thư, tất cả anh em chúng tôi vẫn cầm chắc tay súng. Khi nhận thư Bác gửi, chúng tôi đã ôm nhau nhảy chân sáo, vui như những đứa trẻ nhận được quà mỗi khi đón mẹ đi chợ về. Chúng tôi xúc động vì biết Bác dù trăm công nghìn việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, vẫn dành tình cảm đặc biệt cho các chiến sĩ của Trung đoàn. Bác đã luôn gửi thư, động viên, giáo dục chúng tôi và tin tưởng các chiến sĩ luôn chiến đấu anh dũng, gọi chúng tôi là các em, là đội cảm tử, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Chúng tôi đã làm lễ quyết tử tại phố Hàng Bạc...", bà Nhâm xúc động nói.

21:39 15/12/2016

Bức thư gửi cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 27/1/1947, sau đó mã hóa và chuyển vào Hà Nội. Người đầu tiên giải mã bức thư của Bác để chuyển tới các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô là bà Nguyễn Thị Bích Thuận - Cán bộ phụ trách Hội phụ nữ Cứu quốc Liên khu II, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ.

Nói về thời khắc đón nhận bức thư của Hồ Chủ tịch, bà Nguyễn Thị Bích Thuận chia sẻ:

“Đồng chí Trần Quốc Hoàn giao tôi làm công tác dịch và giải mã những bức điện của trung ương chuyển cho các khu vực kháng chiến, trước mắt là liên khu I. Đọc bức điện của Bác, tôi đã rất xúc động bởi tôi biết đây là lời ủy thác mà Bác dành cho các chiến sĩ liên khu I, đó là bảo vệ đến cùng độc lập chủ quyền của ta. Sự quyết tâm trong lời Bác “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” viết bằng tay trên khổ giấy nhỏ. Tôi cố gắng kiềm chế để khỏi làm hoen bức điện và không mã nhầm.

Khi thực hiện xong, tôi giao tận tay đồng chí Trần Quốc Hoàn để chuyển đến Hà Nội cho các cán bộ chiến sĩ. Sau đó mấy hôm, tôi cũng được giao một bức điện của các chiến sĩ liên khu I, xin hứa với Bác “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh”. Tôi cảm thấy vô cùng khâm phục các đồng chí.

Bức điện của Bác đã được khắc vào tượng đài và mãi mãi trường tồn trong sự nghiệp bảo vệ Hà Nội, bảo vệ đất nước thân yêu và Tổ quốc tự do. 70 năm trôi qua cũng là 70 năm mà lời Bác còn vang vọng trong lòng người dân Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận - Cán bộ phụ trách Hội phụ nữ Cứu quốc Liên khu II, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cầu truyền hình trực tiếp “Sống mãi với Thủ đô”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.