Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng Bí thư: Cà Mau tập trung phát triển kinh tế biển, kinh tế rừng

Theo Việt Nam plus| 21/02/2017 16:52

Tiếp tục chuyến công tác tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn, trong hai ngày 20 và 21-2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Cà Mau.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh Cà Mau. (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)


Cùng đi với Tổng Bí thư có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; cùng nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Sáng 21-2, làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bật những tiềm năng tiềm tàng, thế mạnh cơ bản của Cà Mau, một tỉnh cực Nam của Tổ quốc, thuộc Tứ giác động lực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với các trọng điểm kinh tế trong khu vực Đông Nam Á.

Cà Mau có điều kiện phát triển kinh tế toàn diện, với đất đai màu mỡ, khí hậu 2 mùa rõ rệt, thuận lợi cho phát triển nông lâm ngư nghiệp, với mũi nhọn là nuôi trồng thủy sản. Tài nguyên rừng, tài nguyên biển đều rất lớn, với hơn 10 vạn ha rừng, trong đó hơn 70% là rừng ngập mặn, 254km bờ biển, ngư trường rộng 8 vạn km2.

Các cụm đảo của Cà Mau tiếp giáp với tuyến hàng hải quốc tế, rất thuận lợi cho giao thương. Nhân dân trong tỉnh giàu truyền thống yêu nước cách mạng, đoàn kết thống nhất cao, đây là nguồn lực tinh thần, là động lực quan trọng cho phát triển. Vị trí địa lý và những điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội đã tạo đà thuận lợi cho Cà Mau phát triển, là điểm đáng tự hào, nguồn lực để khai thác, phát huy.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, Cà Mau đã có bước phát triển rất đáng khích lệ, bộ mặt thành thị, nông thôn có nhiều đổi mới, hệ thống đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, thu ngân sách ngày càng tăng…

Tuy nhiên, Cà Mau cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông đường bộ còn yếu kém, chia cắt, lại bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiếu nước ngọt nghiêm trọng, sạt lở diễn ra tại nhiều nơi; nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế…

Tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư đề nghị đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng cán bộ chủ chốt tỉnh Cà Mau tập trung phân tích, nhận rõ những thuận lợi khó khăn của tỉnh trong quá trình phát triển, đóng góp ý kiến về các mục tiêu, định hướng và giải pháp giúp Cà Mau phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Trong phát biểu kết luận, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Cà Mau cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển cho sát hợp, nhằm khai thác, phát huy mạnh hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp mà trọng tâm là nuôi trồng, chế biến tôm, phát triển mạnh kinh tế biển, kinh tế rừng… Trên cơ sở quy hoạch, cần làm rõ tiềm năng lợi thế, lựa chọn mục tiêu ưu tiên, xác định lộ trình, bước đi phù hợp với khả năng thực tế của địa phương và quy hoạch tổng thể của cả nước.

Tổng Bí thư chỉ rõ trước mắt cần tập trung phát triển kinh tế biển, đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia; đồng thời nghiên cứu phát triển mạnh hơn điện gió, điện Mặt Trời; quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái, trồng và bảo vệ rừng, ứng phó biến đổi khí hậu.

Để có nguồn lực đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển, Tổng Bí thư gợi mở, cần động viên sức mạnh toàn xã hội, người dân và doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, tăng cường liên kết vùng... ; đồng thời có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư; xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Tổng Bí thư đề nghị Cà Mau thường xuyên chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, phải làm đi làm lại, quyết liệt, công phu, cả về xây dựng tổ chức, xây dựng con người, phương thức làm việc… Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có vai trò cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định, nhưng cần đổi mới tư duy, bài bản hơn, quyết liệt hơn, đồng tâm nhất trí, tất cả là vì nước, vì dân.

Tổng Bí thư hoan nghênh các kiến nghị, đề xuất phong phú của tỉnh, với nhiều công trình dự án thiết thực, thể hiện tâm huyết, trăn trở, mong muốn xây dựng phát triển quê hương đất nước; đồng thời mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy thành tựu, kinh nghiệm đã có, khai thác phát huy tiềm năng lợi thế, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng chương trình làm việc toàn khóa, xác định 22 vấn đề quan trọng nhằm cụ thể hóa, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm tỉnh đã đề ra. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó phát huy vai trò nêu gương của tập thể cấp ủy cấp trên, người đứng đầu để cấp dưới làm theo, nhất là những việc cần làm ngay.

Năm 2016, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện đạt và vượt 16/20 chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 5,2%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt hơn 300.000 ha, trong đó diện tích tôm đạt hơn 278.000 ha; tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 490.000 tấn.

Đáng chú ý, tổng diện tích thu hoạch lúa Hè-Thu, diện tích mía, rau màu, tổng đàn gia súc gia cầm đều tăng so với cùng kỳ. Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt kế hoạch (24,5%). Mặc dù còn nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, nhưng năm qua thu ngân sách của Cà Mau vẫn đạt hơn 4.400 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng hơn so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tiếp tục giảm, còn 7,96%...

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cà Mau. Ghi lưu bút tại đây, Tổng Bí thư bày tỏ xúc động đến thăm khu tưởng niệm, một công trình do Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau đầu tư xây dựng, không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa, giàu tính nhân văn sâu sắc với tấm lòng thành kính tưởng nhớ Bác, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Tổng Bí thư mong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau mãi mãi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, quyết tâm phấn đấu thực hiện con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, xây dựng tỉnh Cà Mau ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trước đó, chiều 20-2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Công viên Văn hóa Mũi Cà Mau thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, khảo sát kè tạo bãi trồng rừng, lấn biển và trồng cây lưu niệm tại đây.

Do địa hình thấp, ​ba mặt tiếp giáp biển với 254 km bờ biển, Cà Mau chịu tác động trực tiếp của hai chế độ thủy triều (biển Tây và biển Đông). Mỗi năm, bờ biển của tỉnh bị sạt lở, mất khoảng 450 ha đất rừng phòng hộ. Vào mùa mưa, tình trạng sạt lở đê biển xảy ra nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, tài sản và đời sống của hàng ngàn hộ dân. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai nhiều giải pháp kè phòng chống sạt lở; đến nay đã thực hiện 22.667 m kè, kinh phí đầu tư khoảng 640 tỷ đồng, trong đó có dự án đầu tư nâng cấp đê biển Tây, tạo bãi và khôi phục rừng…


Tại Đất Mũi, đến thăm Khu du lịch Khai Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghe báo cáo phương án đầu tư Cảng nước sâu Hòn Khoai; Dự án điện gió Khai Long. Xuất phát từ lợi thế vị trí nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế, Cảng biển Hòn Khoai đã được bổ sung vào Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Cảng biển Hòn Khoai là cảng tổng hợp địa phương (loại II) đáp ứng cho tàu trọng tải lớn, là dự án trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh cụm đảo Hòn Khoai, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế của Cà Mau nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư: Cà Mau tập trung phát triển kinh tế biển, kinh tế rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.