Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ chức chính quyền địa phương: Gỡ vướng để nâng cao hiệu quả

Việt Tuấn| 10/03/2017 06:53

(HNM) - Nhiệm kỳ 2016-2021, tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp thực hiện theo quy định mới tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về chi tiêu của HĐND các cấp.

Tuy nhiên, bước đầu áp dụng, nhiều đơn vị, địa phương gặp khó khăn, vướng mắc. Nhiều vấn đề đã được đặt ra tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm diễn ra ngày 9-3 nhằm để tổ chức chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả...

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa có sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn. Trong ảnh: Người dân giao dịch tại UBND xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai).Ảnh: Bá Hoạt

Khó khăn khi áp dụng


Được áp dụng từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 có nhiều điểm mới so với các luật cũ. Nghị quyết số 04/2016/NQ - HĐND ngày 1-8-2016 của HĐND thành phố quy định một số chế độ, mức chi phục vụ hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động HĐND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong áp dụng, thực hiện. Tổng hợp các kiến nghị từ HĐND các quận, huyện, thị xã đến hội nghị gồm 56 vấn đề cụ thể, mong muốn, đề xuất HĐND thành phố kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản hướng dẫn.

Đại biểu HĐND các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thạch Thất cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn, nên cần có giải thích rõ. Thường trực HĐND thành phố nên báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Đồng thời cần ban hành quy chế hoạt động của HĐND theo luật mới.

Đối với tổ chức hoạt động của HĐND cấp xã, bà Khuất Thị Thu Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ và đại biểu HĐND các huyện Đan Phượng, Đông Anh băn khoăn: Hiện tại cơ cấu tổ chức HĐND cấp xã không có tổ đại biểu gây khó khăn cho hoạt động thảo luận, xem xét các báo cáo được trình tại kỳ họp. Phó Chủ tịch HĐND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Sỹ phản ánh, hiện nay khó khăn đối với HĐND cấp xã là thành viên các ban hoạt động kiêm nhiệm, không chuyên sâu, có đại biểu là công chức thuộc UBND do vậy công tác giám sát, thẩm tra hoạt động của chính quyền gặp khó khăn.

Đặc biệt, về nội dung chi cho hoạt động HĐND các cấp, nhiều đại biểu HĐND các địa phương cho biết, mức chi phục vụ các kỳ họp HĐND phải do Thường trực HĐND thành phố quyết định hằng năm và sớm ban hành kịp thời để làm căn cứ thực hiện. Ví dụ như đại biểu quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố cần quy định rõ hơn mức chi mua báo và khoán kinh phí khai thác internet. Vì với cấp phường, kinh phí 100.000 đồng để mua 2 tờ báo và kinh phí internet là không đủ.

Cơ bản rõ những vấn đề quan tâm

"Trong Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐND có quy định việc mua báo và khoán chi khai thác internet cho đại biểu. Đây là văn bản quy phạm pháp luật, áp dụng cho toàn thành phố, không được chi ít hơn, nhiều hơn quy định. Ngoài việc được chi mua Báo Hànộimới, Báo Đại biểu nhân dân, mỗi đại biểu cấp xã còn được khoán khai thác internet 100.000 đồng/tháng; các địa phương phải áp dụng đúng, chi đủ chung trên toàn thành phố. Nếu quá trình xây dựng dự toán có vướng mắc thì báo cáo, đề xuất thành phố".

Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam

Tại hội nghị, những ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND các quận, huyện, thị xã đều được giải đáp khá cụ thể. Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, đối với việc phân biệt sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và nông thôn, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 là luật khung, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành quy chế hoạt động HĐND để hướng dẫn; nay Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 được xây dựng cơ bản chi tiết để thực hiện ngay, nên Quốc hội chỉ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ hướng dẫn một số nội dung cụ thể...

Về cơ cấu các ban của HĐND cấp xã, Ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết, ngay tại thời điểm xây dựng luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao các ban của HĐND cấp xã, nhất là trong hoạt động giám sát và thẩm tra. Thực tiễn, cán bộ cấp xã đều nắm rất rõ các hoạt động ở cơ sở, chỉ có điều có phản biện thẳng thắn hay không? Do vậy, trong luật đã quy định có thêm các ban HĐND cấp xã, nhưng cán bộ tham gia kiêm nhiệm để không tăng bộ máy.

Đối với quy định về một số chế độ, mức chi theo Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐND ngày 1-8-2016 của HĐND thành phố, Ban Pháp chế HĐND thành phố chia sẻ băn khoăn, kiến nghị của HĐND các quận, huyện, thị xã về việc chưa quy định chi phục vụ kỳ họp của HĐND, vì đây là nội dung mới, Quốc hội cũng để “mở” chưa ban hành quy định đối với các kỳ họp của Quốc hội, mà để căn cứ nội dung, thời gian cụ thể của kỳ họp mới quyết định mức chi.

Nhiều đại biểu HĐND các quận, huyện, thị xã đánh giá cao hội nghị trao đổi giữa Ban Pháp chế HĐND thành phố với Thường trực, Ban Pháp chế HĐND quận, huyện, thị xã, khẳng định, hội nghị đã giúp HĐND các địa phương nắm rõ hơn nội hàm các điều khoản, quy định trong các luật, nghị quyết mới, từ đó áp dụng vào các hoạt động cụ thể của HĐND các cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức chính quyền địa phương: Gỡ vướng để nâng cao hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.