Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về đề xuất hợp nhất một số sở: Cần cân nhắc tính đặc thù của đô thị lớn

Phong Thu| 06/04/2017 07:20

(HNM) - Nhiều ý kiến cho rằng, việc tinh gọn bộ máy là cần thiết, nhưng phải căn cứ vào tình hình thực tế từng nơi, đặc biệt là các yếu tố đặc thù của đô thị lớn...

Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Phú Khánh


Tâm điểm chú ý của dư luận hiện nay là việc dự thảo Nghị định đề xuất hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Kế hoạch - Tài chính; hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông - Vận tải (và Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) thành Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị. Theo đó, số lượng phòng, ban và số lượng cấp phó thuộc sở tiếp tục giảm so với quy định hiện hành.

Theo lý giải của Bộ Nội vụ, chức năng của Sở Tài chính với Sở Kế hoạch - Đầu tư có mối quan hệ liên thông với nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính và bố trí cân đối các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc hợp nhất sẽ bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt, việc hợp nhất sẽ tạo điều kiện để tham mưu cho UBND quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách hiệu quả hơn. Đối với việc hợp nhất Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cơ quan soạn thảo phân tích: Việc hình thành và phát triển các không gian đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông.

Nhiều ý kiến nêu rõ, việc hợp nhất sẽ giúp tinh gọn bộ máy, giảm trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và tiết kiệm chi tiêu công. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có những phản biện cho rằng không nên hợp nhất các sở. Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định: “Bộ máy gọn như một tỉnh thì không thể nào quản lý được công việc của một thành phố mười mấy triệu dân”.

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định, đại diện TP Hà Nội nêu rõ: Thực hiện Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 4-4-2014 của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ hướng dẫn, UBND thành phố đã quyết liệt triển khai sắp xếp, hoàn thành đồng bộ trong năm 2016. Đến nay, tổ chức bộ máy và tư tưởng cán bộ, công chức bắt đầu đi vào ổn định. Nếu sắp xếp giảm phòng, ban ngay theo dự thảo Nghị định sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ, công chức. TP Hà Nội kiến nghị, dự thảo Nghị định cần tính đến sự ổn định của chính sách và có điều khoản chuyển tiếp về lộ trình phù hợp đối với các địa phương đã triển khai mạnh mẽ, hoàn thành việc sắp xếp theo Nghị định 24/2014/NĐ-CP và các thông tư liên tịch.

Về nội dung hợp nhất các sở, quan điểm của thành phố là: Hà Nội là đô thị lớn, phạm vi quản lý rộng (quy mô hai tỉnh hợp nhất), khối lượng công việc quản lý nhà nước rất lớn nên cần tính toán kỹ, phù hợp từng giai đoạn; tránh việc sau hợp nhất, khối lượng công việc quá lớn dẫn đến công tác chỉ đạo điều hành quá tải...

Sau gần hai tháng dự thảo Nghị định được đăng tải trên trang website của Bộ Nội vụ để lấy ý kiến nhân dân (từ ngày 15-2), đến nay đã có hơn 100 ý kiến góp ý. Trong đó, có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Việc hợp nhất các sở là một vấn đề có tác động lớn. Người dân mong muốn, sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến nhân dân (ngày 16-4), Bộ Nội vụ nghiên cứu thấu đáo các góp ý của người dân, các chuyên gia và bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Nghị định. Trong đó, việc cân nhắc yếu tố đặc thù của các đô thị lớn để xây dựng được bộ máy tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả là điều hết sức cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về đề xuất hợp nhất một số sở: Cần cân nhắc tính đặc thù của đô thị lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.