Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực đáp ứng kỳ vọng của cử tri

Việt Tuấn| 11/04/2017 06:50

(HNM) - Chất lượng, hiệu quả của kỳ họp HĐND có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tác động đến hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Những cách làm hiệu quả

Thời gian qua, HĐND các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp. Trong đó, công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp được chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Ngoài các nội dung thường kỳ, HĐND một số quận, huyện, thị xã còn ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề thiết thực với địa phương. Tiêu biểu như HĐND quận Hoàn Kiếm ban hành nghị quyết về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị và bảo đảm vệ sinh môi trường; HĐND quận Thanh Xuân có nghị quyết về quản lý, chống lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp; HĐND quận Hoàng Mai có nghị quyết về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; HĐND huyện Đan Phượng ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; HĐND huyện Thạch Thất là nghị quyết về nâng cao chất lượng cải cách hành chính, năng lực công tác và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020…


Từ việc thực hiện nghị quyết về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, tuyến phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) đã phong quang, sạch sẽ. Ảnh: Anh Tuấn


Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngoài phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ quận chuẩn bị kỹ lưỡng về xây dựng báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết…, Thường trực HĐND quận thường mời khoảng 100 cử tri dự các kỳ họp. Cách làm mới này giúp cử tri quan sát ngay cả cách điều hành của chủ tọa, cách thức chất vấn, phát biểu của từng đại biểu - người mình trực tiếp bầu làm đại diện. Từ đó nhận xét từng đại biểu qua các cuộc tiếp xúc cử tri, ghi nhận những gì họ làm, chưa làm được.

HĐND quận Cầu Giấy lại có sự đổi mới trong việc chuẩn bị tài liệu kỳ họp, bảo đảm chuyển cho các đại biểu nghiên cứu trước khai mạc kỳ họp 5 ngày. Các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp đều được Thường trực, các ban HĐND quận nghiên cứu, xem xét, thu thập thông tin, khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động... Do vậy, báo cáo thẩm tra thể hiện tính nghiêm túc, chính xác, đúng thực tế, có tính phản biện sâu sắc, tính thuyết phục cao.

Còn với huyện Sóc Sơn, theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Tất Thanh, đổi mới kỳ họp của HĐND huyện chính là việc trình bày các báo cáo ngắn gọn để dành thời gian cho các đại biểu thảo luận ở tổ, tại hội trường và chất vấn trực tiếp… nhằm phát huy dân chủ, sự tích cực của từng đại biểu. Đặc biệt, 2/3 chương trình của tất cả các kỳ họp đều được truyền thanh trực tiếp để cử tri, nhân dân trong huyện nắm rõ, giám sát việc thực hiện của các cơ quan chức năng.

Đổi mới, nâng chất lượng kỳ họp

Dù đã nỗ lực, nhưng thực tiễn cho thấy, kỳ họp HĐND các quận, huyện, thị xã còn một số điểm cần khắc phục trong quá trình chuẩn bị, tổ chức, để đáp ứng tốt hơn sự kỳ vọng của cử tri. Đó là một số đại biểu HĐND tham gia lần đầu, chưa chú trọng nâng cao kỹ năng hoạt động, nên cách thức phát biểu thảo luận các nội dung, đặt câu hỏi chất vấn tại kỳ họp còn chưa tốt; thời gian dành cho đặt câu hỏi từ 3 đến 5 phút, nhưng câu hỏi của một số đại biểu kéo dài đến 10 phút, không đi thẳng vào vấn đề, gây lãng phí thời gian.

Tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở HĐND một số nơi chưa sôi nổi, thực chất, hiệu quả, cử tri chưa đồng tình với phần trả lời của chính quyền, phòng, ban. Việc bố trí cán bộ giúp việc cho HĐND cấp huyện chưa cụ thể trong luật, thiếu hướng dẫn nên việc chuẩn bị tài liệu cho kỳ họp ở một số địa phương chưa kịp thời, nộp báo cáo chậm, thông tin chưa liên thông ở bộ phận văn phòng HĐND - UBND với thường trực, các ban và đại biểu HĐND.

Nhiều đại biểu HĐND các quận, huyện: Cầu Giấy, Sóc Sơn, Đống Đa, Chương Mỹ cho rằng, để hoạt động của HĐND hiệu quả, trong đó có tổ chức, điều hành các kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố cần tham mưu với Thành ủy thống nhất cơ cấu bí thư kiêm chủ tịch HĐND, hay phó bí thư kiêm chủ tịch HĐND. Bởi hiện nay, có địa phương chủ tịch HĐND là bí thư cấp ủy, có nơi là phó bí thư cấp ủy; phó chủ tịch thường trực HĐND cấp huyện có nơi cơ cấu ủy viên ban thường vụ, có nơi là cấp ủy viên.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn và Phó Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Trần Lan Hương cùng đề xuất, thành phố cho thực hiện việc tách, kiện toàn Văn phòng HĐND cấp huyện để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ cho HĐND, trong đó có việc chuẩn bị, tổ chức các kỳ họp.

Bên cạnh đó, một yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND chính là chất lượng tham gia của mỗi đại biểu. Nếu đại biểu có kiến thức, kỹ năng tốt, ý thức trách nhiệm cao trong việc tham gia họp thì chắc chắn chất lượng kỳ họp được nâng lên, giải quyết tốt các vấn đề đang đặt ra tại địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đáp ứng kỳ vọng của cử tri

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.