Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 10: Bước phát triển mới của y tế Thủ đô

Thu Trang| 21/04/2017 07:01

(HNM) - Nhờ đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu; xây dựng các cơ sở y tế hiện đại, ngang tầm với các nước trong khu vực, 5 năm qua, ngành Y tế Thủ đô đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, hạn chế tình trạng người dân vượt tuyến hay ra nước ngoài điều trị.

Điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn).
Ảnh: Bá Hoạt


Xây dựng thương hiệu riêng Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020”, thời gian qua, TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của ngành Y tế, trong đó có những lĩnh vực chuyên sâu đòi hỏi kỹ thuật cao như: Ung bướu, tim mạch, tiêu hóa… Nhờ đó, hệ thống các bệnh viện của Hà Nội ngày càng khẳng định khả năng chuyên môn, tạo dựng được thương hiệu riêng.

Có mặt tại Bệnh viện (BV) Ung bướu Hà Nội vào những ngày tháng 4 này, chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự “thay da, đổi thịt” ở nơi đây. Từ một BV hạng 3, nay đã vươn lên thành bệnh viện hạng 1, với cơ ngơi khang trang, thiết bị y tế hiện đại. Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội Trần Đăng Khoa chia sẻ, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại của thành phố, BV đã vươn lên làm chủ nhiều kỹ thuật cao, nhất là những kỹ thuật giúp phát hiện sớm và điều trị bệnh ung thư một cách hiệu quả nhất. Giờ đây, BV không chỉ là nơi KCB cho người dân Thủ đô mà còn là địa chỉ tin cậy của bệnh nhân đến từ các tỉnh miền Bắc. Nếu như cách đây 10 năm, quyết toán tiền bảo hiểm y tế mỗi năm của BV chỉ khoảng 3 tỷ đồng, thì nay con số đó đã lên tới 250 tỷ đồng...

Sau 7 tháng xây dựng, tu bổ và hoàn thiện, cuối tháng 11-2016, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (BV Đa khoa Xanh Pôn) chính thức đi vào hoạt động, với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại thuộc tốp đầu châu lục. Trong đó, có một phòng mổ tích hợp đầy đủ hệ thống camera truyền hình, có thể kết nối và hội chẩn quốc tế; hệ thống mổ nội soi chẩn đoán ung thư 4K đầu tiên tại Việt Nam; hệ thống tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa của Nhật Bản… Chỉ sau 4 tháng hoạt động, trung tâm đã khám cho hơn 4.000 lượt bệnh nhân và phẫu thuật nội soi cho 148 bệnh nhân. Đặc biệt, tại đây cứu sống nhiều bệnh nhân đã ở trạng thái hôn mê do tắc hoàn toàn động mạch não…

BV Tim Hà Nội hiện là một trong những cơ sở y tế tuyến thành phố hiếm hoi được Bộ Y tế công nhận là BV chuyên khoa tuyến cuối và là một trong 3 trung tâm tim mạch lớn nhất của cả nước. Từ chỗ chỉ phẫu thuật được 500 bệnh nhân/năm vào năm 2014, thì đến năm 2016, BV Tim Hà Nội đã phẫu thuật cho trên 7.000 lượt bệnh nhân, trong đó thực hiện thành công nhiều ca khó, với kỹ thuật tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới. Không chỉ hoạt động trong phạm vi của Thủ đô, BV còn đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, giúp đỡ các cơ sở y tế của 32 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng thời mở rộng liên kết với nước ngoài. Một số cơ sở y tế ở Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore… đã cử cán bộ sang bệnh viện học tập, trao đổi kinh nghiệm về can thiệp nội mạch.

Tạo sự chuyển biến đồng đều

Chỉ riêng giai đoạn 2011-2016, TP Hà Nội đã đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng từ ngân sách để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Trong đó, riêng kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các BV công lập là hơn 1.000 tỷ đồng và có 43 đề án xã hội hóa đầu tư trang thiết bị y tế, với tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, nếu không đầu tư phát triển kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại sẽ không đáp ứng được yêu cầu KCB của nhân dân. Hiện các cơ sở KCB tuyến thành phố với 23 chuyên khoa đầu ngành đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, chất lượng dịch vụ ngang tầm với BV trung ương cũng như khu vực Đông Nam Á. Song, sự chuyển biến chưa đồng đều; đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa mới thực hiện được thành công ở các BV tuyến thành phố, còn với một số BV tuyến huyện vẫn gặp khó khăn.

Thời gian qua, BV Đa khoa huyện Ba Vì đã mạnh dạn thực hiện xã hội hóa cho hệ thống máy chạy thận nhân tạo và máy chụp cắt lớp CT. Giám đốc BV Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hằng tháng, bệnh viện phải chịu 75 triệu đồng tiền lãi vay đầu tư các thiết bị, nhưng vẫn duy trì giá lọc thận như mức quy định của bảo hiểm y tế (544.000 đồng), giá chụp CT cũng chỉ tính bằng giá của một phòng khám tư nhân (650.000 đồng). Bởi lẽ, nếu tính giá cao hơn sẽ không thu hút được người bệnh. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Nhà nước nên đầu tư vốn cho các BV tuyến huyện và ấn định thời gian hoàn trả vốn thì sẽ giải quyết được những khó khăn, người dân được thụ hưởng kỹ thuật cao trong KCB.

Để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngay từ đầu năm 2017, Sở Y tế Hà Nội đã phê duyệt đề án tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa y tế Thủ đô giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của đề án đề ra là nhằm huy động hiệu quả nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào công tác xã hội hóa, từ đó nâng cao chất lượng KCB của các cơ sở y tế, giảm khoảng cách giữa các tuyến, hạn chế tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu và phát triển nguồn nhân lực y tế. Đây chính là tiền đề để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ của y tế Thủ đô xứng với vị trí của mình như Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị đã xác định.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 10: Bước phát triển mới của y tế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.