Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật: “Căn bệnh” khó chữa!

Hà Phong| 13/05/2017 08:04

(HNM) - Kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tình hình xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đang nợ đọng và các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1-6 và 1-7-2017 cho thấy, các bộ, ngành đang nợ đọng 25 văn bản


Nhiều bộ nợ đọng

Theo kết quả kiểm tra vào cuối tháng 4-2017, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương đều nợ 2 thông tư. Các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Kế hoạch và Đầu tư… đều có 1 thông tư hoặc 1 dự thảo nghị định đến hạn mà... chưa có. Đáng lưu ý, nhiều văn bản đã chậm trễ quá lâu, đặc biệt như Thông tư về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự (của Bộ Công an) chậm tới hơn 4 năm, tính từ thời điểm Luật Giám định tư pháp có hiệu lực.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc, đôn đốc các bộ, cơ quan về việc xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh.



Bên cạnh đó, 17 văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh gồm 8 nghị định, 2 quyết định và 7 thông tư (có hiệu lực từ ngày 1-6 và 1-7) có khả năng cũng sẽ bị chậm. Trong số này, có những văn bản đang được dư luận quan tâm như dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh ngành nghề sản xuất lắp ráp, nhập khẩu ô tô do Bộ Công Thương xây dựng.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, chủ yếu do các đơn vị chưa thực hiện quyết liệt. Công tác phối hợp giữa các cơ quan cũng còn bất cập. Bên cạnh đó, có nội dung khi xây dựng luật không lường được những kẽ hở phát sinh.

Theo đại diện Bộ Công an, ngoài chức năng giám định tư pháp phục vụ hoạt động tố tụng chung của các cơ quan tiến hành tố tụng, các phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh còn có nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường và tiến hành công tác kỹ thuật phòng chống tội phạm theo chức năng được giao. Việc chậm ban hành thông tư về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự do phải xây dựng tiêu chuẩn định mức chung cho phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh chứ không chỉ riêng nhiệm vụ giám định tư pháp. Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng quy định trang bị tối thiểu cho các lực lượng cảnh sát trong cả nước về lĩnh vực này và đang thẩm định.

Về thông tư quy định chi tiết Pháp lệnh Quản lý thị trường (có hiệu lực từ ngày 1-9-2016) chậm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện dự thảo thông tư đã hoàn thành. Tuy nhiên, nội dung thông tư phụ thuộc vào mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường các cấp trong đề án của Bộ Công Thương. Do đó, sau khi có quy định về mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công Thương sẽ ban hành thông tư này.

Đơn vị chậm soạn thảo và ban hành văn bản nhiều nhất là Bộ Y tế (1 dự thảo nghị định và 7 thông tư) liên quan đến Luật Dược và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đại diện Bộ cho biết, chậm trễ do một số nội dung còn có ý kiến khác nhau và cam kết sẽ khẩn trương hoàn thiện để ban hành các văn bản trước ngày 30-5.

Công khai đơn vị làm tốt, chưa tốt

Điểm đáng lưu ý là dù nợ đọng văn bản diễn ra khá trầm trọng, nhưng tại một số cuộc kiểm tra rà soát chuyên đề về tình hình xây dựng các văn bản chi tiết thi hành luật do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ triển khai, lãnh đạo các bộ thường vắng mặt. Điển hình là ngày 24-3, chỉ có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự họp. Điều này cho thấy, lãnh đạo nhiều bộ chưa quan tâm đúng mức tới công tác xây dựng thể chế. Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng yêu cầu, các bộ cần tập trung thời gian và điều kiện tối đa để hoàn thành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ thượng tôn pháp luật, không để khoảng trống pháp lý. Tại phiên họp Chính phủ tới đây, các cơ quan chức năng sẽ công khai bộ nào làm tốt, bộ nào không làm tốt. Đơn vị nào chậm do chủ quan, phải nhận lỗi trước Thủ tướng, nợ đọng do khách quan, cần báo cáo rõ nguyên nhân.

Văn phòng Chính phủ cam kết phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để khẩn trương hoàn thành các văn bản còn nợ đọng. Trường hợp các bộ có xung đột về quan điểm, Văn phòng Chính phủ sẽ là cơ quan trung gian, cùng làm việc trực tiếp với các bộ để xử lý, tránh tình trạng văn bản “đẩy đi đẩy lại” giữa các bên.

Về phía Bộ Tư pháp, Chánh văn phòng - Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, trong quý I-2017, Bộ đã thẩm định 41 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 22 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 24 điều ước quốc tế; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc ban hành văn bản đúng tiến độ. Thời gian tới, bên cạnh nhắc nhở các bộ, ngành về thời hạn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chú trọng rà soát, cho ý kiến về chất lượng các văn bản xây dựng, bảo đảm tiêu chí không có lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, văn bản đã ban hành phải đi vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật: “Căn bệnh” khó chữa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.