Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa công bộc

PGS.TS Bùi Đình Phong| 20/05/2017 06:38

(HNM) - Đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững, văn hóa công bộc đóng vai trò là một trong những nhân tố quan trọng nhất, bởi vì những người phục vụ dân mà không có văn hóa sẽ trở thành cản lực lớn nhất trên đường phát triển...


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo TP Hà Nội trong một buổi tiếp công dân. Ảnh: Nhật Nam


1
. Hai chữ “công bộc” (đày tớ) có nghĩa là người phục vụ chung của xã hội. Người xưa nói quan là công bộc của dân. Bác Hồ nói Chính phủ là công bộc của dân với mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Giá trị lớn nhất của cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đem lại cho đất nước là thay cũ đổi mới, đưa người dân từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ và cán bộ phải là đày tớ của dân. Từ đây, những người công bộc mang chở một giá trị văn hóa - văn hóa công bộc. Dân chủ và công bộc đều là những giá trị văn hóa lớn.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sợi chỉ đỏ xuyên suốt của văn hóa công bộc là theo đúng đường lối nhân dân, xoay quanh trục phục vụ nhân dân. Người chỉ rõ “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đày tớ cho quần chúng. Nhiệm vụ của Đảng là làm đày tớ cho quần chúng”; “Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”; “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân”.

Văn hóa công bộc là cán bộ, đảng viên phải tin dân, trọng dân, kính dân, thương dân, gần dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, lắng nghe ý kiến của dân, cái gì cũng phải bàn bạc, giải thích cho dân… Văn hóa công bộc là người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Kinh nghiệm cho thấy sự hiểu biết và kinh nghiệm của người lãnh đạo cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng để "làm giàu" thêm kho tri thức của mình.

Văn hóa công bộc là cán bộ phải dám hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Văn hóa công bộc là văn hóa của những người: “Giàu sang không thể quyến rũ/Nghèo khó không thể chuyển lay/Uy lực không thể khuất phục”. Văn hóa công bộc là phải thấy cả Đảng và dân. Dân không có Đảng thì không ai dẫn đường. Đảng không có dân thì không đủ lực lượng. Bác Hồ nói rằng: “Không có dân thì không có Bác”. Theo Người, nếu cán bộ quan niệm mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ, thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy, nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ.

Văn hóa công bộc là cán bộ phải “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Phải gom góp ý kiến, kinh nghiệm rời rạc của quần chúng thành hệ thống, tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, làm thành ý kiến của quần chúng. Cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải mạnh dạn đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc. Phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng…

Bàn về văn hóa công bộc cần phải nhận thức được rằng, phục vụ dân, lấy dân làm gốc... chỉ nói thôi thì chưa là văn hóa. Mới chỉ hiểu thôi vẫn chưa là văn hóa. Mới chỉ có tuyên ngôn, nghị quyết cũng chưa là văn hóa. Mới chỉ dừng lại ở nhận thức lý lẽ dù sâu sắc đến đâu cũng vẫn chưa là văn hóa. Những người công bộc của dân phải hiểu rằng, chỉ khi nhận thức biến thành hành động tự nhiên thường ngày với những hành vi chính trị, lập trường, thái độ đúng thì mới trở thành văn hóa. Văn hóa công bộc phải thể hiện ở quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, kiên quyết, kiên trì nói đi đôi với làm, “xây” đi đôi với “chống” tất cả vì dân, do dân. Văn hóa công bộc là phải biết và dám từ chức nếu dân không còn tín nhiệm.

2. Sở dĩ Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; vừa qua tiến hành kỷ luật nghiêm khắc hàng loạt cán bộ, có cả cán bộ cấp cao là nhằm ngăn chặn sự xuống cấp, suy thoái của văn hóa công bộc.

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII vừa kết thúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ, hệ thống chính trị địa phương có nơi mất sức chiến đấu. Một trong những lý do là vì một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, cả lãnh đạo cấp cao, miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân nhưng hành động thì trái với lợi ích của quần chúng. Họ mắc các chứng bệnh chủ quan, hẹp hòi, ba hoa, thiếu trách nhiệm, vô cảm trước đời sống của nhân dân, say sưa với lợi ích nhóm, kéo bè kéo cánh, “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Họ không biết học cách làm dân, không hiểu dân, tranh công đổ lỗi, không dám chịu trách nhiệm cá nhân, không có dũng khí từ chức.

Vì sao những hạn chế, yếu kém của công tác cán bộ được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn? Có nhiều lý do, trong đó phải kể đến việc tu dưỡng ý thức, đạo đức của bản thân cán bộ; cơ chế, tính khoa học của quy trình công tác cán bộ; dân chủ trong công tác cán bộ; kiểm soát quyền lực, nhất là vai trò của nhân dân; kỷ luật Đảng, tính nghiêm minh của pháp luật còn nhiều vấn đề nổi cộm, yếu kém. Một bộ phận cán bộ có chức quyền và trình độ học vấn nhưng thiếu văn hóa công bộc, tự đánh mất mình, xa rời đội ngũ nhân dân, tạo ra khoảng cách lớn giữa họ với nhân dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Mà mất lòng tin của dân là mất tất cả.

Phải giải quyết đồng bộ, dứt điểm các vấn đề nêu trên, tức là xây dựng văn hóa công bộc. Để làm được điều đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện chất lượng cao hơn, hiệu quả cao hơn Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là suy thoái về văn hóa. Văn hóa công bộc lâm nguy còn đáng sợ hơn Tổ quốc lâm nguy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa công bộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.