Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động giám sát, phản biện: Yêu cầu của Đảng, nguyện vọng của dân

Hương Ly| 14/06/2017 06:39

(HNM) - Hơn 56 nghìn cuộc giám sát, phản biện xã hội đã được thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trong 3 năm triển khai Quyết định của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được tiếp thu...

Cán bộ MTTQ phường Yết Kiêu, quận Hà Đông (Hà Nội) giám sát hoạt động cải tạo một công trình văn hóa. Ảnh: BÁ HOẠT


Giám sát từ trung ương tới địa phương

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ, nhiều hoạt động giám sát, phản biện trên tinh thần dân chủ đã được triển khai rộng khắp trên cả nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, qua 3 năm triển khai, hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như: Chính sách với người có công; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội… 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức 721 cuộc giám sát cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể đã góp phần thực hiện đúng, hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật.

Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu. Điển hình như việc triển khai phương án cải tạo, chỉnh trang Nghĩa trang bãi Xém, phường Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội), giáp với đất thuộc phường Ngọc Thụy (quận Long Biên).

Ông Tạ Văn Thức, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 33, phường Ngọc Thụy cho biết, UBND phường Ngọc Thụy đã đề xuất cải tạo Nghĩa trang bãi Xém để quy tập về khoảng 2.200 ngôi mộ. Nhưng bãi Xém vốn là khu đất nông nghiệp nằm sát khu dân cư, trạm cấp nước sạch và trường tiểu học. Tại Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 8-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ: “Có kế hoạch đóng cửa các nghĩa trang phân tán có quy mô nhỏ, không bảo đảm khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường hoặc không nằm trong quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang”.

Trong khi đó, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự án Nghĩa trang bãi Xém chưa được cơ quan chức năng công khai lấy ý kiến của nhân dân địa phương. Do vậy, các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương đã có ý kiến đóng góp, phản biện và cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tạm dừng việc nghiên cứu, lập dự án cải tạo Nghĩa trang bãi Xém; yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp với quy chuẩn hiện hành.

Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố 33, phường Ngọc Thụy, Nguyễn Văn Hội cho rằng, qua hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương đã đến được với các cơ quan chức năng, qua đó hạn chế những bất cập nảy sinh. Đây không chỉ là yêu cầu của Đảng mà còn là nguyện vọng của nhân dân nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch khi thực thi các chính sách pháp luật.

Nắm bắt nguyện vọng của người dân


Theo đánh giá của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, qua giám sát, phản biện xã hội và nắm bắt những bức xúc của người dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với cơ quan đảng, chính quyền các cấp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, nếu không có quyết tâm chính trị của Đảng, MTTQ và các tổ chức thành viên thì không có hơn 56 nghìn cuộc giám sát với hơn 3 vạn ý kiến phản biện của người dân được gửi đến chính quyền các cấp. Con số 178 nghìn lần tổ chức giám sát, phản biện, hoạt động đối thoại trong 3 năm qua là kết quả thực sự ý nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị vẫn còn những hạn chế như có hiện tượng né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát, phản biện xã hội. Do đó, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề xuất, trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng và ban hành cơ chế cụ thể để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện chức năng phản biện xã hội. Bên cạnh đó, cần xây dựng lực lượng cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm vận động quần chúng. Đặc biệt, phải sớm ban hành nghị quyết liên tịch về các hình thức giám sát, phản biện xã hội quy định tại Điều 27, Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam…

Trước kiến nghị của các địa phương, thời gian tới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Ban Dân vận Trung ương có văn bản phối hợp hướng dẫn việc MTTQ và các tổ chức thành viên giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền để tăng hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong các hoạt động này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động giám sát, phản biện: Yêu cầu của Đảng, nguyện vọng của dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.