Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo qua thư điện tử, tin nhắn

Bảo Hân| 16/06/2017 19:31

(HNMO) - Chiều 16-6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã có nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi, đa chiều về các hình thức tiếp nhận tố cáo và tố cáo nặc danh.

(HNMO) - Chiều 16-6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã có nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi, đa chiều về các hình thức tiếp nhận tố cáo và tố cáo nặc danh. 

Tố cáo qua thư điện tử,  không tìm ra người tố cáo là ai

"Tôi rất ủng hộ việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiếp nhận, giải quyết đơn thư tố cáo. Đó là biểu hiện của một nhà nước văn minh và tiên tiến. Tuy nhiên, thực tế, chúng ta không thể quản lý hết được tên miền, số điện thoại và hộp thư điện tử" - ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nêu thực tế.

ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng).


Theo ĐB này, chỉ trong vòng 2 phút người ta có thể tạo ra được một hộp thư điện tử và gửi thông tin tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, sau đó không thể tìm ra người tố cáo đó là ai. Vì vậy, sẽ không có cơ sở xác định nội dung tố cáo đó có thật hay không. Do đó, quy định này cần được bàn thảo và cân nhắc kỹ lưỡng.

Về tố cáo nặc danh, ĐB Nguyễn Bá Sơn phân tích, khi có đơn tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý, đồng nghĩa phát sinh mối quan hệ pháp lý giữa người tố cáo và người chịu trách nhiệm giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, do đây là đơn nặc danh nên thiếu mất một chủ thể. Do đó, ĐB tán thành, đối với đơn thư nặc danh có căn cứ, cơ sở thì vẫn giải quyết theo hướng sử dụng như một nguồn tài liệu để phục vụ việc quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nó phải được xử lý bằng một trình tự, thủ tục khác mà trình tự, thủ tục đó đã được điều chỉnh bằng Luật Thanh tra. Vì vậy không cần quy định trong Luật Tố cáo (sửa đổi).

Cùng quan điểm,  ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, về hình thức tố cáo, Luật Dân sự có đề cập đến hình thức giao kết bằng các thể loại điện tử, qua fax, nhưng riêng tố cáo thì giải quyết theo trình tự của Luật Tố cáo. 

Nhất trí với ĐB Nguyễn Bá Sơn, ĐB Nguyễn Văn Chiến khẳng định, không thể xác định để chấp nhận loại hình này vào Luật Tố cáo. Luật phải điều chỉnh minh bạch và rõ ràng, chính danh để bảo đảm quy trình giải quyết cũng như trách nhiệm của người tố cáo.

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội).


ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) bày tỏ băn khoăn khi  tiếp nhận đơn thư tố cáo qua hình thức như email hay gọi điện thì bộ máy cơ quan chức năng có đủ sức tiếp nhận hay không? Theo ĐB này, các quy định trong Luật thể hiện tính dân chủ nhưng phải kiểm soát được tình hình.

Hình thức có nhiều, quan trọng là chính danh

Tranh luận về những nội dung trên, ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng, nếu không chấp nhận tố cáo bằng thư điện tử thì sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Sử dụng thư điện tử là biện pháp văn minh nhất và khả thi nhất, người tố cáo sẽ tự bảo vệ được mình, tránh bị trả thù. Do đó, ĐB thiết tha đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung hình thức này vào dự thảo luật.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) dẫn chứng, Điều 20 của dự án luật "khuôn" lại 2 hình thức tố cáo bằng đơn thư có ký tên và tố cáo trực tiếp. Hai hình thức này nhằm xác định rõ danh tính người tố cáo, thời gian, địa điểm, nội dung. Do đó, nếu hình thức khác đáp ứng được yêu cầu này thì cũng có thể chấp nhận được.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương).


"Tôi dùng email của tôi, có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, có thể xác định rõ tôi là ai thì sao lại hạn chế? Phải chăng còn tư tưởng "không quản được thì cấm"" - ĐB Hồng chất vấn thẳng thắn.

Phát biểu sau đó, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) tán thành với ý kiến của ĐB Nguyễn Thanh Hồng, nếu email có đầy đủ nội dung thông tin hay người gọi điện có thể được xác định rõ ràng thì nên tiếp nhận tố cáo của họ. 

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phân tích, phải phân biệt rõ, hình thức tố cáo gồm nhiều loại như đơn thư, nói, ký hiệu, âm thanh... và được gửi qua các phương tiện như đưa tay, bưu điện, gửi thư điện tử, qua zalo, gọi điện... song điều quan trọng là phân định rõ có danh, không có danh hay không chính danh để xem xét.

"Nếu có danh, nên xem xét và xét triệt để. Còn không có danh, không chính danh, sẽ dùng để tham khảo. Hình thức thì có nhiều nhưng quan trọng là chính danh hay không. Tôi đề nghị nếu người sử dụng mạng xã hội như Youtube, Facebook mà không chính danh thì tội đó là rất nặng" - ĐB Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

Trả thù, trù dập người tố cáo thật sự tinh vi đến tầm văn minh

Về tố cáo bằng đơn nặc danh, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu, cơ chế của chúng ta hiện nay bảo vệ người tố cáo không đầy đủ, dẫn đến họ bị đe dọa bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, tâm lý người Việt ngại va chạm, ngay cả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, có những vấn đề liên quan đến đồng chí, đồng đội, người thân...  Do đó, với mục tiêu cao nhất trong đấu tranh chống vi phạm pháp luật, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân, trong thời điểm hiện nay, ĐB Hồng đề nghị nên chấp nhận hình thức tố cáo nặc danh nhưng có trình tự, thủ tục, cơ chế kiểm soát để chống nặc danh vu khống.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình).


Cùng tham gia phát biểu ý kiến về việc có nên xem xét tố cáo nặc danh hay không, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, việc trù dập người tố cáo là chuyện có thật, được nhiều lần nêu tại các diễn đàn. Cơ chế bảo vệ người tố cáo của chúng ta hiện nay chưa đi vào cuộc sống. Người tố cáo có lẽ bản thân họ không sợ gì nhưng lo vì mình mà liên luỵ đến nhiều người. Họ còn có người thân thích như cha mẹ, anh em nên không dám đứng tên tố cáo.

"Trả thù, trù dập người tố cáo thật sự tinh vi đến tầm văn minh. Chỉ có người trong cuộc mới biết mình bị trả thù. Bên ngoài, họ vẫn phải tươi cười còn trong lòng thì đắng chát" - ĐB Phương nêu và dẫn chứng một ví dụ cụ thể  cho thấy việc người tố cáo không dám đứng tên nên luật cần phải xem xét, tính toán, vì đây là quy định để cụ thể hóa quyền công dân được Hiến pháp quy định. 

Giải trình làm rõ các vấn đề mà ĐB tranh luận, cuối phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan của Quốc hội cân nhắc, chọn lọc ý kiến của các ĐB để chỉnh lý, hoàn thành dự án luật trong thời gian tới. 

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu.


Về hình thức tố cáo, cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra 2 hình thức là tố cáo trực tiếp và đơn thư có ký tên. Tuy nhiên, qua ý kiến thảo luận hôm nay, để tạo điều kiện cho công dân được cung cấp thông tin, thực hiện quyền tố cáo của mình, có thể mở rộng thêm hình thức thư điện tử có chữ ký điện tử. Các hình thức điện tử khác có xác nhận rõ họ tên, địa chỉ, nội dung thông tin thì cũng được xử lý theo đúng quy trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. 

Về tố cáo nặc danh có 2 trường hợp: Có nội dung tố cáo không chính xác, bịa đặt, vu khống thì sẽ không được xem xét; nếu có nội dung rõ ràng, cụ thể, gửi kèm bằng chứng thì sẽ được xem xét, xử lý để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo qua thư điện tử, tin nhắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.