Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến mạnh hơn trong lề lối làm việc

Thành Tâm| 17/06/2017 07:17

(HNM) - Một trong những nội dung quan trọng của việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính mà thành phố đang thực hiện là thay đổi căn bản tư duy, thái độ, đổi mới lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức...


Ảnh minh họa


Kết quả còn mờ nhạt

Kế hoạch 69/KH-UBND ngày 20-3-2017 của UBND thành phố về “siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội” thể hiện quyết tâm rất lớn của thành phố trong tạo bước chuyển mạnh mẽ về công tác này. Từ khi Kế hoạch được ban hành, lãnh đạo UBND thành phố xác định đây là một chuyên đề cần theo dõi, đánh giá định kỳ. Sau gần 3 tháng, những thay đổi ban đầu đã được ghi nhận. Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị chưa tích cực triển khai.

Một trong những mục tiêu mà Kế hoạch 69/KH-UBND hướng đến là thay đổi căn bản tư duy, thái độ, đổi mới lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận, thụ lý, giải quyết thủ tục hành chính. Lộ trình tiến tới mục tiêu đó gồm nhiều bước chuẩn bị, từ tập huấn, bồi dưỡng nâng cao ý thức chính trị... đến đăng ký nội dung thi đua và cam kết thực hiện “Năm kỷ cương hành chính năm 2017”… Kế hoạch cũng nêu cụ thể 10 nguyên tắc ứng xử, giao tiếp với công dân để công khai và cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện. Nhưng thực tế chưa nhiều đơn vị triển khai đầy đủ các bước, yêu cầu Kế hoạch đề ra.

Theo thống kê của Sở Nội vụ, ngay từ việc tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức đăng ký thi đua, cam kết thực hiện quy tắc ứng xử, đến hết tháng 5 mới có các quận, huyện: Long Biên, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Đan Phượng và các sở, ngành: Giao thông - Vận tải, Tư pháp, Thanh tra thành phố thực hiện. Việc hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức xây dựng kế hoạch công tác hằng tuần, hằng tháng, hằng quý mới được triển khai ở các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên và huyện Thường Tín. Khối các đơn vị sự nghiệp có cung cấp dịch vụ công thực hiện chưa tốt việc niêm yết 10 nguyên tắc ứng xử, giao tiếp với công dân. Việc “đo lường sự hài lòng” ở khối các quận, huyện, thị xã được triển khai sớm nhưng lại thực hiện khác nhau về thời gian, nội dung, phạm vi, cách thức khảo sát… Với thực tiễn đó, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của HĐND thành phố Trần Thế Cương cho rằng, những kết quả đạt được còn “mờ nhạt”.

Đẩy nhanh các biện pháp đồng bộ

Tổ chức thực hiện Kế hoạch 69/KH-UBND chưa đồng đều nên việc triển khai Đề án “Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội” chưa thể thực hiện rộng khắp. Thực trạng đó đòi hỏi phải có những bước đi quyết liệt hơn nữa…

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, Sở đã trình UBND thành phố kế hoạch triển khai 3 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về công tác này. Sở cũng đã xây dựng xong dự thảo đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc đối với trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp xã... Bên cạnh đó, thành phố ghi nhận và sẽ nghiên cứu nhân rộng sáng kiến cách làm tiêu biểu trong thực hiện công việc này; đồng thời sẽ thành lập các tổ kiểm tra, rà soát, khen thưởng, kỷ luật rõ ràng…

“Tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND thành phố đề ra từ nay đến hết năm 2017. Để đạt hiệu quả, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có những chỉ đạo sâu sát, nhấn mạnh vào trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, địa phương. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ, đặc biệt là khu vực dịch vụ công. Việc kiểm tra cần chú trọng đánh giá tác phong cán bộ, công chức theo quy chế ứng xử ở cơ quan, nguyên tắc ứng xử giao tiếp với công dân đã được thành phố ban hành, đánh giá thực chất hiệu quả công tác tiếp dân, công tác tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 69/KH-UBND không chỉ là việc làm để xây dựng hình ảnh của chính quyền từ thành phố đến cơ sở mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến mạnh hơn trong lề lối làm việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.