Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ Quốc hội tham luận sang tranh luận

Hà Phong| 23/06/2017 06:58

(HNM) - Lần đầu tiên, Quốc hội “phá lệ” kéo dài thời gian họp thêm 1 giờ 30 phút để các đại biểu thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Thời gian chất vấn cũng tăng thêm giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề...

Lần đầu tiên, Quốc hội “phá lệ” kéo dài thời gian họp thêm 1 giờ 30 phút để các đại biểu thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Thời gian chất vấn cũng tăng thêm giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Tất cả đã thể hiện sự chuyển biến từ Quốc hội tham luận sang tranh luận.


Với không khí dân chủ, trách nhiệm, Quốc hội đã tổ chức chất vấn và tranh luận nhiều vấn đề “nóng”. Ảnh: Nhật Nam


Cải tiến mạnh mẽ cách thức điều hành

Xuyên suốt kỳ họp đã cho thấy sự cải tiến mạnh mẽ về cách thức điều hành. Trong đó lần đầu tiên, một phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước ở Quốc hội (ngày 9-6) kéo dài đến 18h30 thay vì kết thúc lúc 17h như thông lệ. Sự thay đổi này xuất phát từ mong muốn của nhiều đại biểu và phiên thảo luận đã có thêm 15 đại biểu được phát biểu. Điều đó đồng nghĩa có thêm nhiều vấn đề, nguyện vọng của hàng nghìn cử tri được đưa ra thảo luận. Sự thay đổi này cần được tiếp tục, bởi theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, dù đã tăng thời gian vẫn còn 28 đại biểu đăng ký chưa kịp phát biểu.

Cũng tại kỳ họp, dù đã thống nhất không làm việc vào ngày thứ bảy để đại biểu có thời gian nghiên cứu tài liệu, nhưng sau đó Quốc hội đã “phá lệ” để có thêm một phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Đây là bộ luật rất quan trọng, dù Quốc hội đã dành một ngày (24-5) thảo luận tại hội trường, nhưng vẫn còn 24 đại biểu đăng ký chưa được phát biểu.

Với quyết định này, các đại biểu không bị giới hạn để thảo luận, làm rõ vấn đề còn có ý kiến khác nhau như phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em đủ 14 đến dưới 16 tuổi; trách nhiệm của pháp nhân thương mại; quy định về miễn hình phạt, xóa án tích... Đây là cơ sở để cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), đơn vị thẩm tra (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) hoàn thiện luật. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự sau đó được thông qua với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành cao.

Chất vấn và tranh luận đến cùng

Một nội dung khác được cử tri đặc biệt quan tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề bức thiết của cuộc sống và những quyết sách có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo. Theo dõi sát sao các kỳ họp của Quốc hội, cử tri Lương Hồng Lý (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) nhận xét, với không khí dân chủ, trách nhiệm, Quốc hội đã tổ chức chất vấn và tranh luận đến cùng những vấn đề đặt ra đối với các thành viên Chính phủ.

Đặc biệt, cử tri rất phấn khởi khi thời gian chất vấn kéo dài thêm so với các kỳ họp trước, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong công tác quản lý, điều hành, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của nhân dân về các vấn đề nổi lên trong đời sống xã hội. Đó là sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các bộ, ngành, ban chỉ đạo liên ngành với chính quyền địa phương trong quá trình đầu tư, phát triển nông nghiệp; tình trạng lãng phí và dàn trải trong đầu tư công…

Không chỉ chất vấn, đã có 58 lượt đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận (bằng gần 30% tổng số lượt đại biểu Quốc hội chất vấn) với tinh thần trách nhiệm cao. Sau phần trả lời của các thành viên Chính phủ, nhiều đại biểu đã chất vấn lại, phản biện hoặc tranh luận thêm, làm rõ hơn nội dung chất vấn; đồng thời đề cập những kế sách, giải pháp sáng tạo để đưa đất nước phát triển. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: "Không khí thảo luận, tranh luận tại kỳ họp sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện sự chuyển biến từ Quốc hội tham luận sang tranh luận với số lượt tranh luận tăng lên đáng kể".

Một điểm nhấn nữa là, với mỗi nhóm vấn đề chất vấn, cùng với phần trả lời của các "tư lệnh" ngành, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đã trực tiếp tham gia giải trình, làm rõ những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Cũng tại kỳ họp, Quốc hội đã dành hơn nửa thời gian để thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật.

Phát huy những kết quả tích cực tại kỳ họp trước, việc thảo luận các dự án luật tiếp tục có sự tham gia của các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan. Cuối mỗi phiên thảo luận, bộ trưởng, trưởng ngành trả lời, giải đáp các nội dung đại biểu Quốc hội còn băn khoăn. Không ít dự thảo luật, Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo phải xin thêm ý kiến đại biểu (dự án Luật Tố cáo sửa đổi), cũng có dự thảo phải lùi lại để xem xét kỹ lưỡng hơn (dự án Luật Quy hoạch chưa được thông qua)... Điều đó thể hiện trách nhiệm cao của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội trước cử tri, trước lợi ích quốc gia.

"Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, thông qua 12 luật và một số nghị quyết với nhiều nội dung tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật về tư pháp, quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...". 

Ông Lê Bộ Lĩnh
Phó Tổng Thư ký Quốc hội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ Quốc hội tham luận sang tranh luận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.