Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giai cấp công nhân đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước

Phương Nguyên| 29/06/2017 06:38

(HNM) - Sáng 28-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: VGP


Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí đánh giá rằng đời sống của giai cấp công nhân đã khá hơn. Giai cấp công nhân đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2016 cũng như 6 tháng đầu năm 2017. Thủ tướng cũng nhìn nhận việc phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn ngày càng hiệu quả, thực chất. Tổng Liên đoàn đã tham gia góp ý kiến vào 182 dự thảo luật, nghị định, thông tư.

Nêu ra một số trọng tâm phối hợp công tác thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục tích cực tham gia xây dựng thể chế, chủ động đóng góp ý kiến xây dựng, phổ biến chính sách, pháp luật, nhất là chính sách liên quan đến chế độ của người lao động, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp...

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý, giải quyết các kiến nghị cụ thể của Tổng Liên đoàn. Về việc xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của người lao động theo Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn đề xuất, tham gia ý kiến với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với Hội đồng Tiền lương quốc gia để trình Thủ tướng xem xét. Thủ tướng nêu rõ tinh thần giải quyết hài hòa, các bên thảo luận thấu tình đạt lý, chặt chẽ, “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, bởi nếu tăng lương tối thiểu cao quá thì khó thu hút đầu tư, đồng nghĩa không giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, nhưng để thấp quá thì đời sống người lao động gặp khó khăn.

Tổng Liên đoàn cũng nêu kiến nghị sớm ban hành quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn tập thể hoặc dịch vụ bữa ăn ca của người lao động tại các doanh nghiệp. Mặc dù Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định an toàn thực phẩm có áp dụng cho cả đối tượng nêu trên, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định và Tổng Liên đoàn, các tổ chức Công đoàn phải tăng cường kiểm tra thực hiện chủ trương này.

“Ủy ban phải bảo đảm bữa ăn cho công nhân, bảo đảm cả số lượng, chất lượng, nguồn cung cấp thực phẩm an toàn ra sao. Trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra ngộ độc cũng như việc phải xử lý nghiêm khắc thế nào? Cần công khai hóa chuyện này trong các bếp ăn tập thể”, Thủ tướng chia sẻ và cho rằng, lương công nhân còn thấp, phải dựa vào tái sản xuất sức lao động thông qua bữa ăn tập thể giữa ca, buổi trưa. “Đây là việc quan trọng mà tất cả chúng ta đều phải quan tâm”.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chính quyền địa phương các cấp và các cấp Công đoàn tạo mọi điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển hợp tác xã, FDI và các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam nhằm giải quyết tốt nhất việc làm cho người lao động; các cấp, các ngành và các doanh nghiệp phải quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, giúp lực lượng này có điều kiện tái sản xuất sức lao động, xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa lao động và doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giai cấp công nhân đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.