Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết triệt để vụ việc phát sinh từ cơ sở

Việt Tuấn| 01/08/2017 07:08

(HNM) - Để giảm đơn, thư vượt cấp, việc các cấp chính quyền cần làm là nắm chắc tình hình, giải quyết triệt để từng vụ việc ngay tại cơ sở.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trong một buổi tiếp công dân.


Vẫn tiềm ẩn phức tạp

Theo đánh giá của HĐND TP Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực; chất lượng giải quyết các vụ việc được nâng cao, giảm vụ khiếu kiện đông người, hiện chỉ còn các vụ đơn lẻ. Dù vậy, qua giám sát ở một số địa phương cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiềm ẩn phức tạp, chủ yếu phát sinh trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng một số dự án phát triển giao thông đô thị; chuyển đổi mô hình chợ; công tác dồn điền, đổi thửa xây dựng nông thôn mới... Theo tổng hợp của Thanh tra thành phố, các quận, huyện, thị xã: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Ứng Hòa, Gia Lâm, Sơn Tây, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Hoài Đức… có số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh nhiều. Đáng lưu ý, một số vụ việc đã được các cấp, ngành giải quyết hết thẩm quyền, có lý, có tình, nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo.

Điển hình là vụ việc tố cáo vi phạm trật tự xây dựng và việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của hộ ông Bạch Huy Cường (số 23, tập thể Công ty Xây dựng nhà Bưu điện, Học viện Bưu chính Viễn thông, phường Mộ Lao, Hà Đông). Ngày 13-7-2016, UBND TP Hà Nội đã có Kết luận số 16/KL-UBND, giao UBND quận Hà Đông chỉ đạo kiểm tra, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với cá nhân, tập thể, tổ chức liên quan đến việc thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng của hộ ông Bạch Huy Cường. UBND quận Hà Đông đã xử lý kỷ luật 4 cán bộ lãnh đạo và cán bộ phụ trách trật tự xây dựng phường sở tại, nhưng người đứng đơn là bà Nguyễn Thị Bích Liên (liền kề nhà ông Bạch Huy Cường) vẫn cố tình đi khiếu kiện, đòi hỏi những quyền lợi không hợp pháp, gây mất trật tự công cộng. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, nhiều trường hợp công dân sau khi khiếu kiện, không đạt được mục đích đã quay sang tố cáo người giải quyết vụ việc và trường hợp bà Nguyễn Thị Bích Liên là ví dụ.

Tại huyện Phú Xuyên, do công tác dồn điền, đổi thửa còn vướng mắc ở một số nơi khiến một số công dân gửi đơn, thư vượt cấp. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn tồn đọng 9 vụ việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật liên quan đến đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Bảo cho rằng, nguyên nhân là do một số xã, thị trấn giải quyết chưa dứt điểm; công tác tiếp nhận, giải quyết đơn, thư của các phòng chuyên môn của huyện còn chậm. “UBND huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết triệt để trong thời gian tới” - ông Nguyễn Hữu Bảo nhấn mạnh.

Xử lý đi đôi với khắc phục hậu quả

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam, nguyên nhân của các vụ việc tồn đọng, kéo dài là do các địa phương mới chú trọng kiểm điểm xử lý cán bộ, chưa chỉ đạo khắc phục triệt để hậu quả. Đặc biệt, ở những địa phương triển khai công tác dồn điền, đổi thửa có xu hướng tăng số vụ việc khiếu nại, tố cáo do bức xúc của người dân chưa được chính quyền tháo gỡ, xử lý kịp thời, dứt điểm. Theo Chánh Thanh tra huyện Phú Xuyên Nguyễn Lương Khải, ngoài một số cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai chưa phù hợp, do lịch sử để lại khó giải quyết… thì trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở còn yếu; một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác này...

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng: “Để giảm đơn, thư vượt cấp, khiếu nại, tố cáo nhiều lần, các cấp chính quyền cần chỉ đạo xử lý trách nhiệm cán bộ đi liền với khắc phục hậu quả”. Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội”. Trong đó, người đứng đầu các địa phương cần chủ động đối thoại, nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở.

Đối với một số vụ việc đã có kết luận, quyết định của cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa đạt được sự đồng thuận trong nhân dân, Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị các địa phương nghiêm túc xem xét gắn với vận động, tuyên truyền, thuyết phục, trên cơ sở tuân thủ pháp luật giải quyết thấu tình đạt lý, chấm dứt khiếu kiện kéo dài. Những vụ việc quận, huyện, thị xã đã giao cho phường, xã, thị trấn nhưng không giải quyết đúng thời hạn, cần nghiêm túc xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan. Có như vậy, mới giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp từ cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết triệt để vụ việc phát sinh từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.