Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế phát triển tích cực, nhưng công tác cán bộ chuyển biến còn chậm

Hà Phong| 04/08/2017 06:27

(HNM) - Thông qua các số liệu tháng 7 và 7 tháng năm 2017 đã cho thấy xu hướng phát triển tích cực của kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, lĩnh vực cải cách hành chính, công tác cán bộ chuyển biến còn chậm...


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp Chính phủ tháng 7-2017. Ảnh: TTXVN


Mong các thành viên Chính phủ “hiến kế”

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 3-8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2017 với nội dung trọng tâm là đánh giá tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm; cho ý kiến về đề án quy hoạch, quản lý báo chí đến năm 2025 và công tác xây dựng thể chế.

Báo cáo của các bộ, ngành thấy rõ xu hướng phát triển tích cực của kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua. Điển hình là lạm phát tiếp tục được kiểm soát, tín dụng tăng mạnh, lãi suất ngân hàng giảm 0,5%. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát, tháng 7 tăng 0,31% so với tháng 12-2016 và tăng 0,11% so với tháng trước. Sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu đem lại kết quả tốt. Thị trường chứng khoán đạt điểm cao nhất trong 9 năm gần đây. 7 tháng qua, cả nước có 73.000 doanh nghiệp mới đăng ký và trên 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng nhìn nhận, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, hàng loạt vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đang khẩn trương được xử lý, đặc biệt là vụ Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê và một số vụ việc khác. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các thành viên Chính phủ đánh giá, một số chủ trương trong lĩnh vực kinh tế còn triển khai chậm như việc chuyển một phần trong tổng số 5 triệu hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công tăng nhưng chưa đạt yêu cầu khi 7 tháng mới đạt 38,5% dự toán năm. Tình trạng cháy, nổ, tai nạn giao thông còn phức tạp, mà gần đây là vụ cháy nghiêm trọng ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) làm chết 8 người.

Một bất cập nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là lĩnh vực cải cách hành chính, công tác cán bộ chuyển biến chậm, nhũng nhiễu phiền hà còn nhiều, kỷ luật hành chính chưa được thực hiện nghiêm ở một số cán bộ công chức. Thủ tướng hoan nghênh TP Hà Nội đã đình chỉ công tác để kiểm điểm Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu và yêu cầu những vụ việc quan liêu, gây chậm trễ cần xử lý nghiêm.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của bộ trưởng, vai trò của UBND các tỉnh, thành phố trong điều hành, quản lý. “Tư lệnh các ngành phải nhận diện đúng tình hình, những vấn đề đặt ra đối với từng ngành, từng lĩnh vực để suy nghĩ, đề xuất chủ trương, biện pháp khắc phục”. Theo Thủ tướng, nếu Chính phủ có nói chủ trương hay nói thông điệp chỉ đạo quyết liệt nhưng bộ trưởng không chuyển biến thì khó thành công. “Anh nào chưa có lửa trong lòng mình, trong ngành mình thì hãy nhóm lên” - Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn, các thành viên Chính phủ “hiến kế”, đề xuất giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017...


Lĩnh vực cải cách hành chính được Chính phủ nhận định đạt kết quả chưa như mong muốn. Ảnh: Thái Hiền


Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hiện không được thôi việc

Cũng tại cuộc họp báo, việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa xin thôi việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo giới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Ban Cán sự đảng Chính phủ đã nhận được đơn xin thôi việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Thủ tướng đang giao cho Bộ Nội vụ xem xét. Nhưng theo quy định, trường hợp đang trong giai đoạn xem xét, điều tra thì không được chấp thuận thôi việc”. Còn về tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa, theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, cần xem xét, nếu việc hình thành tài sản là hợp pháp, đúng quy định thì Nhà nước không tiến hành thu hồi. “Đến thời điểm này, các cơ quan chưa đặt vấn đề thu hồi tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa và gia đình mà đang tập trung thực hiện theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương” - Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.

Về vấn đề bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đang gây nhiều tranh cãi, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thông tin, bộ này căn cứ đúng tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ được Bộ Nội vụ ban hành. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Sang đạt tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ; đạt chuyên viên chính trở lên, chứ không phải đang giữ ngạch chuyên viên chính. Ông Nguyễn Xuân Sang được bổ nhiệm ngày 10-7-2015, trước đó nằm trong diện quy hoạch cục trưởng khi giữ chức Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh. Khi chọn nhân sự bổ nhiệm, ông Nguyễn Xuân Sang được tập thể lãnh đạo Cục Hàng hải nhất trí cao vì đáp ứng đúng tiêu chuẩn trong thời điểm đó.

Với việc nhận chìm gần 1 triệu mét khối vật chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Nhiệt điện Vĩnh Tân 1) xuống vùng biển Bình Thuận cũng đã được người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến chính thức. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hiện có thông tin cho rằng, vật chất nạo vét ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là chất thải nhưng theo tiêu chuẩn quốc tế, đó không phải là chất thải, có thể nghiên cứu tái sử dụng. Trước đó đã từng diễn ra việc nhận chìm như vậy khi xây dựng cảng Cái Lân và một số cảng biển khác, thực hiện theo Luật Biển và các văn bản có liên quan.

Về phản ánh một số vướng mắc khi cho vay vốn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin, dư nợ của các ngân hàng thương mại cho vay chương trình này khoảng 32.000 tỉ đồng. Đây là chương trình mới được thực hiện từ tháng 3 đến nay, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh hướng dẫn các chi nhánh triển khai. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, khi thực hiện cũng có vướng mắc, ví dụ như các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao số lượng còn ít, về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

“Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn nêu trên” - bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế phát triển tích cực, nhưng công tác cán bộ chuyển biến còn chậm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.