Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội với cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945

TS Trần Anh Tuấn| 19/08/2017 06:36

(HNM) - Cách đây 72 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hà Nội đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đập tan ách thống trị của thực dân, phát xít, góp phần quan trọng quyết định nhanh chóng kết thúc cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước.

Chiếm Phủ Khâm sai - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8-1945. Ảnh tư liệu



Chuẩn bị tích cực, chớp đúng thời cơ

Bước sang năm 1945, những điều kiện tích cực cho một cao trào khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước đang đến gần. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Trên cơ sở bản Chỉ thị của Trung ương Đảng và xác định Hà Nội là địa bàn đặc biệt quan trọng, Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng quân sự chuẩn bị khởi nghĩa, đồng thời phát động nhiều phong trào đấu tranh để rèn luyện, tập dượt quần chúng. Đến trước ngày khởi nghĩa, các tổ chức cứu quốc trong công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh… trên địa bàn Hà Nội được thành lập, củng cố. Lực lượng vũ trang Hà Nội đã có bước phát triển nhảy vọt. Riêng lực lượng được huấn luyện có trên 700 người. Những hoạt động ở Hà Nội và các địa phương trên khắp cả nước đã tạo ra khí thế cách mạng, động viên, lôi cuốn đông đảo nhân dân lên trận tuyến đấu tranh trong cao trào tiền khởi nghĩa.

Đêm 13-8, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Chiều 15-8, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (Ủy ban Khởi nghĩa) do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch. Ngày 17-8, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc kỳ và Thành ủy Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, biến diễn đàn của Chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc mít tinh tuyên truyền đường lối cách mạng, kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và từ kinh nghiệm cuộc biểu tình ngày 17-8, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19-8 bằng phương thức tổ chức mít tinh hiệu triệu quần chúng, rồi biến thành cuộc tuần hành vũ trang, dùng áp lực của quần chúng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt chiếm đóng các cơ quan trọng yếu trong thành phố, giành chính quyền.

Sáng sớm 19-8, cả Hà Nội vùng dậy. Lực lượng vũ trang tổ chức thành hai cánh tỏa đi đánh chiếm cơ quan trọng yếu của địch. Cánh thứ nhất do Đội Công nhân xung phong dẫn đầu có nhiệm vụ chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Kho bạc, Bưu điện và Sở Cảnh sát. Cánh thứ hai do Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu dẫn đầu có nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh và Ty Liêm phóng Bắc kỳ. Đồng thời, Mặt trận Việt Minh cử đoàn cán bộ trực tiếp gặp gỡ, đàm phán với quân Nhật tại Tổng hành dinh của chúng. Cuộc đàm phán diễn ra gay go, phức tạp nhưng do sự linh hoạt, khôn khéo của ta buộc quân Nhật phải chấp nhận yêu cầu, án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh, chấp nhận chính quyền cách mạng, đổi lại họ được bảo đảm an toàn… Thắng lợi của cuộc đàm phán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cuộc khởi nghĩa Hà Nội: Tránh cho lực lượng khởi nghĩa không phải đối đầu trực tiếp với quân Nhật và loại trừ được các lực lượng chính trị khác có ý đồ đảo ngược tình thế. Tối 19-8-1945, các cơ quan quan trọng của triều đình Bảo Đại tại Hà Nội đã về tay cách mạng, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố.

Bài học còn nguyên giá trị

Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội thắng lợi là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, đấu tranh gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng quyết định kết thúc nhanh chóng cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Đánh giá về khởi nghĩa ở Hà Nội, đồng chí Trường Chinh nhận định: “Hà Nội khởi nghĩa vào ngày 19-8, sớm hơn nhiều tỉnh khác là nhờ cuộc biểu tình ngày 17-8, ta biết thái độ của địch là co vào doanh trại; sáng kiến và anh dũng của nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội đã cướp ngay lấy thời cơ nổi dậy giành chính quyền”.

Sau khởi nghĩa chỉ một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ TP Hà Nội, các lực lượng đã nhanh chóng ổn định tình hình, mọi công tác chuẩn bị như bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được gấp rút triển khai để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về tổ chức Lễ tuyên bố Độc lập vào ngày 2-9, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khởi nghĩa ở Hà Nội thành công là kết quả của một quá trình chuẩn bị mọi mặt của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, từ tổ chức, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, đến tập dượt quần chúng. Đó là thắng lợi của nghệ thuật biết giành thời cơ cách mạng và năng lực tổ chức, phát huy sức mạnh vô địch của nhân dân “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Khi thời cơ đến, Đảng bộ Hà Nội đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy cao độ lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân, giành thắng lợi trong một khoảng thời gian ngắn, không để lỡ thời cơ. Đặc biệt, ở thời điểm có tính chất quyết định, Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã chủ động, táo bạo tìm ra phương thức khởi nghĩa phù hợp, tổ chức thành công các cuộc đấu tranh ngoại giao, vô hiệu hóa kẻ thù để giành được thắng lợi lớn nhất với tổn thất ít nhất. Đó còn là thành công to lớn của Đảng bộ Hà Nội trong việc vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chiến lược, sách lược của Đảng vào thực tiễn Hà Nội.

Từ bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, rút ra một số nội dung cơ bản đối với công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền của Thủ đô. Đó là, Đảng bộ luôn quán triệt và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, có suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo vận dụng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi địa phương, trên cơ sở đó, đóng góp hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng. Cán bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng phải vì dân, vì Đảng, hiểu đúng, làm đúng chủ trương, chính sách của Đảng, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Đồng thời, phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng thực hành dân chủ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội. Mỗi địa phương phải không ngừng xây dựng đảng bộ vững mạnh toàn diện. Cùng với đó là khai thác hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự phối hợp của các địa phương trong nước, bạn bè quốc tế, sự ủng hộ, chung tay của đội ngũ nhân sĩ, trí thức và nhân dân trong quá trình xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhân dân Hà Nội qua đấu tranh dựng nước, giữ nước, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền luôn đoàn kết, gắn bó chặt chẽ vì mục tiêu chung của Đảng, của đất nước. Đó là truyền thống lịch sử quý báu cần được tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội với cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.