Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và các đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Thạch Thất

Võ Lâm - Ảnh: Bùi Tuấn| 24/09/2017 14:07

(HNMO) - Chiều 24-9, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XIV, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri huyện Thạch Thất tại trụ sở UBND xã Yên Bình.


Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri huyện Thạch Thất.


Tham gia tiếp xúc cử tri có Trưởng ban Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động Việt Nam), Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu; Thành ủy viên, đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng; đại diện các sở, ban, ngành và cử tri huyện Thạch Thất.


Trả lời của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội đối với kiến nghị của cử tri huyện Thạch Thất

Mở đầu hội nghị, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Ngọ Duy Hiểu thông báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư. Tiếp theo bà Bùi Huyền Mai báo cáo trả lời của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội đối với kiến nghị của cử tri huyện Thạch Thất.  

Về kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng hệ thống chế biến thịt gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tránh tình trạng thịt gia súc, gia cầm dư thừa, không xuất khẩu được của . Trả lời ý kiến này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản phối hợp với Cục Thú y, trong giai đoạn 2017-2018, xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến thực phẩm có nguồn gốc động vật. Trong đó, có nội dung quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hướng tới hài hoà với tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Trên cơ sở các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật nêu trên, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương hướng dẫn các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống chế biến thịt gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của quốc tế thì mới có thể xuất khẩu được, giảm thiểu tình trạng dư thừa thịt gia súc, gia cầm như thời gian qua.


Trả lời kiến nghị cử tri về cơ chế chính sách tận dụng lao động từ người cao tuổi, đồng thời quan tâm tăng cường an sinh xã hội, phát triển và củng cố những trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi, người già neo đơn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Người cao tuổi đã quy định Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho người cao tuổi truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức kinh tế, khoa học, công nghệ cho thế hệ trẻ; khuyến khích người cao tuổi phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp. Nhà nước thực hiện các biện pháp như tạo điều kiện cho người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân và người cao tuổi khác có kỹ năng, kinh nghiệm được tiếp tục cống hiến, ưu đãi về vốn tín dụng đối với người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chăm sóc, phát huy hơn nữa vai trò của người cao tuổi; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, có cơ chế hỗ trợ hợp lý đối với các hoạt động của tổ chức Hội người cao tuổi tại các địa phương…



Cử tri huyện Thạch Thất kiến nghị thành phố thúc đẩy xây dựng các đô thị vệ tinh

Mở đầu phát biểu kiến nghị với đại biểu Quốc hội, cử tri Hoàng Trung Kiên (xã Yên Bình) kiến nghị thành phố thúc đẩy xây dựng các đô thị vệ tinh, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hoà Lạc, khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội để giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của khu vực ngoại thành, trong đó có huyện Thạch Thất.

Cử tri Đinh Như Khôi (xã Yên Bình) đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ thôn, công an viên…

Cử tri Đoàn Thị Tình (xã Yên Trung) cho biết, sau 3 năm đi vào thực hiện, Luật Hộ tịch đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc cấp lại giấy khai sinh đang gặp nhiều khó khăn. Cử tri đề nghị bổ sung quy định về cấp lại bản chính giấy khai sinh để tạo điều kiện cho người dân.

Cử tri Nguyễn Thị Thanh (xã Yên Bình) đề nghị thành phố có ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số trong việc xem xét tuyển dụng cán bộ công chức nguồn làm việc cho các xã, nhất là các xã dân tộc miền núi như xã Yên Bình.




Thay đổi vượt bậc của 3 xã sau 9 năm hợp nhất

Cử tri Nguyễn Tất Dần (xã Yên Bình) cho biết, sau 9 năm hợp nhất vào huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, xã Yên Bình nói riêng và 3 xã miền núi trước thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) nói chung đã có bước phát triển vượt bậc. Trong đó, tính đến tháng 8-2017, thành phố và huyện đã đầu tư cho 3 xã trên 600 tỷ đồng, riêng xã Yên Bình được đầu tư trên 200 tỷ đồng cho 22 công trình. Từ sự quan tâm của thành phố và huyện cùng những giải pháp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã năm sau luôn đạt cao hơn năm trước và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất nông nghiệp đã đạt bình quân 180 triệu đồng/ha/năm. Tổng lương thực quy ra thóc năm 2016 đạt trên 3.500 tấn, tăng so với trước khi hợp nhất 287 tấn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2007 mới có 9 triệu đồng/người/năm; đến năm 2016 đã đạt 38 triệu đồng/người/năm; năm 2017 ước đạt khoảng 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 của xã là 14,2%, năm 2016 còn 3,1%. Năm 2017, xã cũng đã bình xét xong tỉ lệ hộ nghèo còn 1,9%, bao gồm cả hộ nghèo chính sách. 10/10 thôn của xã đã được công nhận làng văn hoá; 88% hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hoá; tỷ lệ hoả táng khi từ trần đạt trên 80%...

Ông Nguyễn Tất Dần kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng cho xã. Vì hiện nay trên địa bàn Yên Bình còn khoảng 10 km đường trong thôn chưa được bê tông hoá, 10 nhà văn hoá thôn chưa được đầu tư. Đặc biệt, ông Dần đề nghị thành phố lắp đặt hệ thống kỹ thuật giúp 3 xã miền núi của huyện Thạch Thất giao ban trực tuyến, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành.

Trao đổi về các kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho biết, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá; 15/21 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chiếm 68,5%, thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 21,7%, nông nghiệp chiếm 9,8%...

Sẽ nỗ lực kêu gọi đầu tư, ưu tiên tập trung vốn cho các dự án dân sinh cấp bách


Phát biểu với cử tri huyện Thạch Thất, đồng chí Hoàng Trung Hải vui mừng về kết quả phát triển mọi mặt của huyện, đặc biệt là sự phát triển ngày càng tích cực của 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân. Trong vòng chưa đầy 10 năm về với Hà Nội, 3 xã đều có bước phát triển vượt bậc về thu nhập đầu người và giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, nhất là kết quả xoá đói giảm nghèo... Đây là kết quả nỗ lực phấn đấu vượt bậc của nhân dân 3 xã, là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bí thư Thành ủy cũng đánh giá cao nhu cầu được đầu tư hệ thống máy móc kỹ thuật để phục vụ giao ban trực tuyến của xã Yên Bình, đồng thời cho rằng tư duy như vậy rất cần thiết trong bối cảnh thành phố đang nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.


Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp thu và trả lời kiến nghị của cử tri


Đồng tình với cử tri về việc cần tập trung phát triển các đô thị vệ tinh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cho rằng, đây chính là cơ hội của Hà Nội. Vì đầu tư mạnh cho các đô thị vệ tinh cũng sẽ thu hút được các nguồn lực xã hội đầu tư cho hạ tầng giao thông đô thị. Nhận thức sâu sắc về điều này, thành phố đã xác định phải đổi mới tư duy trong đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, làm bài bản, chuẩn mực, từng bước vững chắc với mục tiêu xây dựng các đô thị vệ tinh hiện đại, có khả năng thu hút dân cư, giảm tải cho khu vực nội đô, vì vậy tiến độ thực hiện còn chậm. Hiện nay, cả 5 đô thị vệ tinh đã được quy hoạch, trong đó riêng quy hoạch đô thị Hòa Lạc đã được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành phố cũng đã giao cho 3 nhà đầu tư tiến hành lập quy hoạch chi tiết đô thị vệ tinh này.

Về ý kiến của cử tri đề nghị thúc đẩy tiến độ dự án Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố chỉ làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Nhưng tới đây, thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan trung ương để thúc đẩy tiến độ dự án. Với trách nhiệm của mình, thành phố đang tập trung thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc, hiện đang đàm phán với các nhà đầu tư Nhật Bản để tiến hành dự án sản xuất linh kiện điện tử với mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội, Luật Thủ đô quy định thành phố được để lại nguồn vượt thu ngân sách để đầu tư phát triển, nhưng hiện nay thành phố chưa được hưởng, nên kinh phí đầu tư vẫn rất khó khăn. Hiện nay, vốn ngân sách của thành phố mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đầu tư trung hạn. Đồng chí Hoàng Trung Hải mong muốn cử tri chia sẻ với những khó khăn của thành phố, cùng tham gia tích cực cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn. Mặc dù khó khăn về vốn, thành phố vẫn sẽ nỗ lực tìm cách kêu gọi đầu tư, cân đối để ưu tiên tập trung đầu tư cho những công trình, dự án cấp bách phục vụ đời sống dân sinh. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định sẽ tiếp thu nghiêm túc các kiến nghị của cử tri phát biểu trực tiếp cũng như gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố bằng văn bản để chỉ đạo, phân công các cơ quan thành phố giải quyết; đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giải quyết để báo cáo, trả lời cử tri trong thời gian tới.

Các đại biểu dự tiếp xúc cử tri tại huyện Thạch Thất cùng trồng cây lưu niệm tại UBND xã Yên Bình

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và các đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Thạch Thất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.