Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Giao ban trực tuyến về an toàn giao thông, trật tự đô thị, quản lý đất đai, phòng cháy chữa cháy

PV HNMO - Ảnh: Viết Thành| 25/09/2017 08:12

(HNMO) - Sáng 25-9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III-2017.

Sáng 25-9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III-2017.

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Thường trực Thành ủy: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND và đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.


Quang cảnh hội nghị.


Về phía đại biểu Trung ương có đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Dân vận Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng.

Hội nghị nhằm nghe các thông tin và thảo luận về công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự đô thị; quản lý đất đai, xử lý lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 98% cho các hộ gia đình 

Báo cáo kết quả công tác quản lý đất đai, xử lý vi phạm đối với các trường hợp lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, căn cứ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất năm 2017, UBND thành phố quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 263 dự án, với diện tích là 270,8 ha. Kết quả, đã thu nghĩa vụ tài chính từ đất được 12.523/26.769 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 46,78% kế hoạch. UBND thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành tập trung thực hiện thu từ đất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch.

Về công tác cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, thành phố đã thành lập 4 tổ công tác liên ngành làm việc với các quận, huyện, thị xã để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp GCN lần đầu, hướng dẫn thực hiện việc đăng ký đất đai lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; hướng dẫn giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để lập hồ sơ đăng ký, cấp GCN cho các thửa đất còn tồn đọng; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, các nông-lâm trường lập quy hoạch, xây dựng phương án sử dụng đất.

Kết quả đã cấp GCN cho 1.328.810/1.355.510 thửa đất hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu dân cư cần cấp GCN và đăng ký kê khai (đạt 98%); đã cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu cho các thửa đất còn tồn đọng, vướng mắc chưa cấp được là 196.441/196.441 thửa, đạt 100%.

Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở khi chủ đầu tư đã xây dựng xong và đã lập hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định cấp được cho 152.229/178.278 căn, đạt 85,39% (còn 26.049 căn đang tiếp tục triển khai cấp GCN). 

Giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư: đã cấp cho 12.350/14.027 căn (đã có quyết định bán nhà), đạt 88,04%.

Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa, đất sản xuất nông nghiệp đã cấp được 611.370/625.257 GCN (đạt 98%).

Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông đã báo cáo về việc xử lý các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2017, Sở đã triển khai 25 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai; đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 trường hợp với tổng số tiền 260 triệu đồng; ban hành 02 quyết định thu hồi với tổng diện tích 100.944 m2 đất...(xem tại đây).

11 giải pháp giữ vững an toàn giao thông, trật tự đô thị

Trước khi đưa ra các giải pháp nhằm giữ vững an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian tới, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã báo cáo về công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố trong 3 quý đầu năm 2017(xem tại đây)

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và trật tự công cộng trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã đề xuất 11 giải pháp. Bên cạnh việc chỉ đạo các lực lượng chức năng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hoạt động sắp diễn ra trên địa bàn Hà Nội, sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn tới ùn tắc và tai nạn giao thông. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh xử lý vi phạm giao thông đường bộ qua hệ thống camera giám sát.


Thành phố giao Công an thành phố chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải khảo sát nghiên cứu phát hiện những điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông, kịp thời khảo sát, nghiên cứu, phát hiện những điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông; tổ chức phân làn, phân tuyến, bổ sung hoặc cắm lại các biển báo, sơn kẻ vạch, duy tu sửa chữa mặt đường hư hỏng, bảo đảm êm thuận, thông suốt, giảm ùn tắc giao thông, xóa các “điểm đen” về tai nạn giao thông; điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiệu quả trong công tác của cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ, bảo đảm cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, văn hoá ứng xử... thực hiện hiệu quả chỉ đạo của thành phố Hà Nội về “Năm kỷ cương hành chính”.

Dân gọi điện báo vi phạm xây dựng, đoàn kiểm tra có mặt ngay sau 2 tiếng

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng .


Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, các lực lượng thanh tra Sở xây dựng đã kiểm tra toàn diện 14.483 công trình xây dựng (đạt 100%) có quy mô từ công trình nhỏ đến các dự án lớn cấp thành phố, cấp bộ quản lý.

"So với cùng kỳ năm 2016, Sở đã kiểm tra không bỏ sót công trình nào. Khi người dân gọi điện, nhắn tin thì chỉ sau 2 tiếng, đoàn kiểm tra đã có mặt. Với những công trình có sai phạm vượt thẩm quyền, đoàn kiểm tra sẽ có báo cáo và nếu thuộc thẩm quyền thì giải quyết luôn. Cụ thể, đoàn sẽ lập biên bản với chủ đầu tư và đưa ra đề xuất kịp thời gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý địa bàn" - Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Sau kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, từ ngày 10-7 đến 26-8, 5 đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng đã rà soát tại 30 quận, huyện, thống kê tất cả công trình vi phạm tồn đọng. Kết quả đã giải quyết được 176 trường hợp và còn 240 trường hợp vi phạm đang tiếp tục được xử lý.

Các vi phạm trên đất nông nghiệp qua rà soát còn 153 trường hợp mới xảy ra, chủ yếu trên đất dân tự san nền, tranh thủ ban đêm hoặc ngày nghỉ để xây dựng.

"So với cùng kỳ năm 2016, số công trình được kiểm tra đạt 100%. Số vi phạm giảm 548 trường hợp. Số công trình giải quyết nhanh hơn cùng kỳ là 12%. Công tác quản lý đất đai, xử lý vi phạm đối với các trường hợp lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố thời gian qua đang đi vào nền nếp, có nhiều tiến bộ. Các vi phạm xảy ra chỉ trong phạm vi nhỏ, không phải là vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận", ông Lê Văn Dục nêu.

Lần đầu tiên báo cáo của Thành phố đã thống kê đầy đủ các vi phạm đất nông nghiệp

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố về hơn 15.000 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp mà báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã chỉ ra.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội.


Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết, giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo cho thấy, việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng là hết sức nóng bỏng, tiềm ẩn nguy cơ không tốt về an ninh trật tự, đặc biệt là an ninh nông thôn. Do đó, giải pháp trong thời gian tới phải là tập trung xử lý, khắc phục sai phạm để tránh việc tiếp tục tố cáo nhất là với những sai phạm đã tồn tại trong nhiều năm cần phải được xử lý dứt điểm. Trưởng ban Pháp chế mong Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tiếp tục chỉ đạo các quận huyện có lộ trình, kế hoạch xử lý sai phạm cụ thể. 

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, ngoài những nguyên nhân do Ban Cán sự UBND thành phố nêu ra trong báo cáo, chủ yếu vẫn do công tác kiểm tra của UBND cấp xã, huyện về xử lý vi phạm trong quản lý đất đai, đất công, đất đô thị còn yếu. Ngoài ra, việc xử lý mới cần quan tâm áp dụng xử lý hành chính, đình chỉ thi công xây dựng, mà chưa quyết liệt áp dụng các biện pháp cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả.

Về các giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Nguyên Quân đề nghị chủ tịch các quận, huyện quán triệt sâu sắc, bám sát 8 nhóm giải pháp mà Chỉ thị 08 của Thành ủy đã nêu rõ, rà soát, xử lý dứt điểm các đối tượng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, xử lý nghiêm theo quy định. Việc này đã nhiều lần ra quân nhưng chưa hiệu quả.

Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố.


Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các quận, huyện cần phân loại từng trường hợp vi phạm về đất đai để có phương án xử lý phù hợp. Đối với 240 trường hợp mới vi phạm được Sở Xây dựng rà soát, cần thống nhất với các quận, huyện để có phương án xử lý theo chỉ đạo của UBND thành phố.

"Trách nhiệm xử lý đối với các vi phạm về trật tự xây dựng và quản lý đất đai thuộc chủ tịch cấp xã. Do đó, lãnh đạo cấp xã cần tăng cường trách nhiệm trong quản lý đất đai; xử lý vi phạm, áp dụng kiên quyết cưỡng chế theo thẩm quyền và quan tâm đến tuyên truyền để các hộ dân chấp hành các quy định pháp luật", ông Nguyễn Nguyên Quân phát biểu.

9 tháng, xảy ra hơn 620 vụ cháy, thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng

Thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội  về “Tình hình, kết quả công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn thành phố trong tình hình mới”.

So với cùng kỳ năm 2016, toàn thành phố đã tăng 4 vụ cháy; tăng 14 người chết, giảm 6 người bị thương; thiệt hại về tài sản tăng hơn 300 tỷ đồng.

Để kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, Ban Cán sự đảng UBND thành phố xác định 9 nhóm giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới (xem tại đây).

Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải: "Đeo bám" theo các tồn tại để xử lý 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải khẳng định, các nội dung về công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị; quản lý đất đai, xử lý lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp; công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố đều là những vấn đề thời sự, nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo thành phố cũng như nhân dân Thủ đô. HĐND thành phố đã liên tục giám sát, chất vấn, tái chất vấn về các vấn đề này. 


Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị.


Qua 3 báo cáo chính và ý kiến phát biểu của người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện, Bí thư Thành ủy đánh giá, các cấp, các ngành đã quan tâm xử lý nghiêm túc những tồn tại và đã chỉ ra được người chịu trách nhiệm với từng vấn đề.

Biểu dương tính quyết liệt, cụ thể, tính trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường trong khắc phục 3 nội dung rất thời sự này, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp, ngành phải "đeo bám" những vấn đề đang tồn tại để xử lý dứt điểm. 

"Những nội dung này người dân thành phố đều rất quan tâm, mong muốn có tiến bộ, mỗi tháng, mỗi năm phải khác lên" - Bí thư Thành uỷ lưu ý.

Cụ thể, những trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, đất đai, phòng cháy chữa cháy... phát sinh trong năm 2017 phải được kiên quyết xử lý, gắn với cụ thể hoá trách nhiệm, đưa vào công tác đánh giá cán bộ, không để việc "trôi" đi mà không ai chịu trách nhiệm. 

Công tác tuyên truyền cũng phải được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là việc phổ biến các quy định pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân và rõ trách nhiệm của từng sở, ngành; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Bí thư Thành uỷ đặc biệt lưu ý lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) tăng cường hơn trong xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết, tự trang bị các kiến thức để bảo vệ gia đình, bản thân khi có hoả hoạn, không để xảy ra những vụ việc gây mất mát lớn, nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Giao ban trực tuyến về an toàn giao thông, trật tự đô thị, quản lý đất đai, phòng cháy chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.