Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức sống mãnh liệt của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Quốc Bình| 18/10/2017 10:45

(HNMO) - Sáng nay (18-10), tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông chủ trì hội thảo. Tham dự còn có 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu cơ quan trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang năm thứ hai với bao khó khăn, thách thức. Trước kẻ địch mạnh hơn, để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng non trẻ, giữ vững quyền làm chủ, tự do và hạnh phúc của nhân dân, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phải dựa vào sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, sự ưu việt của chế độ mới. Muốn vậy, Đảng phải đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng toàn diện, làm cho Đảng thực sự xứng tầm là đảng cầm quyền, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm và phẩm giá dân tộc, đảm trách lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc đi đến thắng lợi cuối cùng.

Trong khi đó, hai năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thắng lợi và Đảng trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo mọi mặt đời sống xã hội, đã xuất hiện những khuyết điểm trong hoạt động lãnh đạo, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, gây nên những trở lực đối với cách mạng.

Nhận thức sâu sắc tình hình trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” làm tài liệu cho tổ chức đảng các cấp và các cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Tác phẩm gồm sáu phần lớn, đề cập việc sửa chữa, đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nhằm sửa chữa khuyết điểm, phát huy những ưu điểm.

Từ khi ra đời, “Sửa đổi lối làm việc” đã thực sự trở thành cuốn cẩm nang hết sức bổ ích, thiết thực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

45 tham luận đã được gửi tới hội thảo. Cùng với thảo luận trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ những nội dung và giá trị lý luận, thực tiễn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; nêu nhiều đề xuất vận dụng tác phẩm kinh điển này vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” và Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Các nhà khoa học, quản lý khẳng định sửa đổi lối làm việc là nhiệm vụ thường xuyên, khách quan của cách mạng và là quy luật phát triển của đảng cầm quyền. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” hàm chứa những nguyên lý xây dựng Đảng về đạo đức, những chỉ dẫn quý báu về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng.

“Sửa đổi lối làm việc” là sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân. Tinh thần của tác phẩm gợi mở, vận dụng vào việc cải cách bộ máy, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong điều kiện mới.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn còn nguyên giá trị thời sự, thể hiện sức sống mãnh liệt cả về lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mãnh liệt của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.