Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tháng ngày đầy dấu ấn trước những việc lớn của Thủ đô

Đức Anh| 23/10/2017 09:22

(HNM) - Hơn 2 năm gắn bó với ngôi nhà 44 Lê Thái Tổ là quãng thời gian đáng nhớ đối với nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới Hồ Quang Lợi...



- Thưa nhà báo Hồ Quang Lợi! Ông giữ cương vị Tổng Biên tập Báo Hànộimới từ tháng 1-2008 đến tháng 3-2010 thì nhận công tác mới do Thành ủy phân công. Quãng thời gian ấy tuy ngắn nhưng hẳn là rất đáng nhớ?

- Khoảng giữa năm 2007, tôi nhận được lời mời về làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới. Thời điểm đó tôi đang công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Đây là nơi tôi đã trưởng thành, gắn bó 30 năm, quá là sâu nặng. Phải mất rất nhiều tháng suy nghĩ, cuối cùng một câu nói của lãnh đạo thành phố Hà Nội tuy ngắn gọn nhưng đã thuyết phục tôi: “Quân đội là của nhân dân, Thủ đô là của cả nước”.

Tôi làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới trong 2 năm 3 tháng 1 ngày. Quãng thời gian đó rất ngắn nhưng có nhiều dấu ấn sâu đậm. Tôi nhận nhiệm vụ mới được vài tuần thì xảy ra trận rét lịch sử năm 2008. Báo Hànộimới đã phát động chiến dịch “Lửa ấm về các miền quê”, huy động hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn trâu bò ủng hộ cho người dân bị thiệt hại ở các tỉnh, thành phố. Từ đó Báo gây được Quỹ Trái tim nhân ái và đến nay vẫn còn hoạt động.

Một dấu ấn đáng nhớ, có thể nói là trận “thử sức” đầu tiên là vụ việc đòi đất ở 142 Nhà Chung đầu năm 2008, tương tự sau đó là ở 178 Nguyễn Lương Bằng và Núi Chẽ (Mỹ Đức). Cả 3 vụ việc đều là những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến đất đai có nguồn gốc tôn giáo. Báo Hànộimới đã khẳng định là lực lượng xung kích sắc sảo, thể hiện tinh thần chiến đấu rất mạnh mẽ để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ kỷ cương phép nước, đồng thời cũng thể hiện tinh thần nhân văn, tuyên truyền, vận động giúp dư luận hiểu rõ đúng sai, đấu tranh mạnh mẽ với những người lợi dụng vấn đề này để theo đuổi mưu đồ đi ngược lợi ích của đất nước và nhân dân.

Trong lĩnh vực văn hóa, có một việc vẫn diễn ra hằng ngày, kéo dài năm này qua năm khác là tệ đổ rác ra đường. Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại mà rác dọc đường, dân cứ vô tư đổ rác ra đường thì không chấp nhận được, vì vậy phải đấu tranh, mở một đợt tuyên truyền tập trung. Tôi và anh em viết loạt bài này đã bàn bạc rất kỹ, từ ý định đến ý tứ. Loạt bài “Người Hà Nội quyết tẩy trừ nạn đổ rác ra đường” của Báo Hànộimới đã gây chấn động dư luận, từ đó lan tỏa, trở thành chiến dịch chung của thành phố. Tiếp đến là các đợt tuyên truyền “quét sạch rác trên tường”, “rác trên trời” cũng thu hút sự vào cuộc rất quyết liệt của bộ máy chính quyền và nhân dân Thủ đô. Dịp chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Báo Hànộimới đã mở chiến dịch tuyên truyền bài bản, quy mô, thu hút sự vào cuộc của báo chí cả nước, góp phần quan trọng vào thành công của Đại lễ.

Không thể kể hết những việc Báo Hànộimới đã làm được trong thời gian tôi công tác ở đây. Đó là một thời kỳ làm báo rất hào hứng, đã nhân lên ngọn lửa yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm đối với xã hội, đối với thành phố.

- Một mốc son trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội là sự kiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô từ ngày 1-8-2008, cùng với đó là việc sáp nhập hai tờ báo Đảng của Hà Nội và Hà Tây. Có thể nói đây cũng chính là mốc son quan trọng trong hành trình phát triển 60 năm của Báo Hànộimới, thưa ông?

- Tôi thấy mình may mắn khi được phục vụ Báo Hànộimới ở thời điểm Hà Nội có biến chuyển lịch sử: Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là vấn đề có tính chiến lược và là cột mốc lịch sử không phải chỉ với Thăng Long - Hà Nội, mà đối với cả đất nước. Sự hợp nhất Hà Nội - Hà Tây tạo vị thế mới rất lớn cho Thủ đô và cũng chính là bệ phóng, là cơ sở, nền tảng cho Báo Hànộimới phát triển.

Ngày 1-8-2008, tờ Báo Hànộimới ra số đầu tiên khi Hà Nội hợp nhất, số lượng phát hành tăng rất nhiều so với trước. Tôi vẫn nhớ cảm xúc khi cầm số báo đầu tiên sau khi Hà Nội mở rộng và nghĩ tới thời kỳ phát triển mới của tờ báo. Lúc đó tôi càng thấm thía một điều là Hànộimới không chỉ là tờ báo của Hà Nội mà là tờ báo vừa mang tính Thủ đô vừa mang tính quốc gia và phải xây dựng nó trở thành một trong những tờ báo quan trọng của đất nước. Vì thế, từng con người cũng như cả tập thể người làm Báo Hànộimới phải vào cuộc với một tinh thần mới, một năng lượng sáng tạo mới.

- Thời điểm sáp nhập hai cơ quan báo Đảng của Hà Nội và Hà Tây hẳn là có rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là áp lực rất lớn đối với người giữ vai trò chèo lái lúc đó. Làm thế nào ông có thể giải quyết ổn thỏa mọi việc, giúp tờ báo ổn định, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao?

- Sự kiện sáp nhập hai tờ báo vừa là cơ hội, vừa là thách thức, rất trực tiếp và rất “nóng”. Đều là báo Đảng địa phương nhưng cách thức hoạt động của hai tờ báo không giống nhau. Bài toán lớn nhất là phải xây dựng được tinh thần đoàn kết, tình đồng nghiệp để mọi người đều nhận thức được đây thực sự là ngôi nhà chung của mình và cùng có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ, xây đắp nó. Tinh thần này từ Đảng ủy, Ban Biên tập lan tỏa ra toàn tòa soạn và được anh em ủng hộ, chia sẻ. Bí quyết thành công của cuộc hợp nhất chính là chúng ta đã làm cho tinh thần này “thấm sâu” vào mỗi người để hướng tới mục đích cùng nhau xây dựng Báo Hànộimới.

Cái khó lúc đấy chính là công tác tổ chức. Hai Ban Biên tập dồn thành một, các phòng, ban đều dôi dư cán bộ, sắp xếp thế nào để chọn đúng người đúng việc thì công tác tổ chức phải rất linh hoạt. Thời điểm đó, Đảng ủy và Ban Biên tập quyết định chưa bổ nhiệm ai làm trưởng ban và các Phó Tổng Biên tập sẽ kiêm nhiệm trưởng ban một thời gian để các lãnh đạo ban của Báo Hànộimới cũng như Báo Hà Tây có thời gian khẳng định mình. Kết quả là việc lựa chọn, bổ nhiệm sau đó đã làm mọi người “tâm phục, khẩu phục”. Sau khi tiến hành một loạt biện pháp phù hợp thì tòa soạn đã ổn định, các vị trí lãnh đạo từ Ban Biên tập cho đến các phòng, ban cũng được sắp xếp ổn thỏa, công ăn việc làm và thu nhập của gần 300 con người trong cơ quan được ổn định.

Việc sáp nhập hai tờ báo này là cuộc sáp nhập thành công theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thành ủy nhưng có sự sáng tạo, phù hợp với đặc thù báo chí. Vì thực ra chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là phải sáp nhập, phải sống hòa thuận với nhau để làm việc.

- Một thời điểm rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội và thành công, phải không thưa ông?

- Đây là thời kỳ trong tòa soạn bừng lên không khí hồ hởi, phấn khởi, tươi vui và lan tỏa trong giới báo chí Hà Nội. Thời kỳ này Hànộimới cũng thắt chặt mối quan hệ mật thiết với các báo Đảng địa phương, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giao lưu với các đồng nghiệp trên phạm vi toàn quốc, triển khai nhiều chương trình từ thiện, công tác xã hội... Đây cũng là thời kỳ chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác chuyên môn nghiệp vụ. Các cuộc họp giao ban luôn đầy dấu ấn nghiệp vụ. Đặc biệt là việc khen thưởng, xử phạt rất kịp thời, ai làm tốt được đánh giá công tâm, khách quan, còn sai sót thì rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm khắc. Nếu có sai sót, khuyết điểm thì Ban Biên tập chịu trách nhiệm trước hết. Chính sự gương mẫu của tập thể lãnh đạo làm anh em thấy là không có ai ở ngoài các quy định chung, càng là cán bộ thì càng phải gương mẫu. Nhờ đó, chúng ta xây dựng được đội ngũ cán bộ phát huy tốt mặt mạnh, ưu điểm của đội ngũ làm Báo Hànộimới cũng như Báo Hà Tây những giai đoạn trước. Đây cũng là thời điểm Báo Hànộimới có số lượng phát hành rất cao.

- Ông có lời khuyên hay bày tỏ mong muốn gì với các thế hệ làm Báo Hànộimới đi sau?

- Tôi nghĩ, nghề báo là một nghề rất đặc biệt và bất cứ ai được làm việc trong ngôi nhà 44 Lê Thái Tổ đều thấy đó là một điều may mắn và vinh dự được cống hiến, phục vụ cho tờ báo Đảng Thủ đô, một tờ báo có bề dày truyền thống rất vẻ vang và có vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội của Hà Nội cũng như cả nước. Cho dù thế nào thì Thủ đô vẫn phải có Báo Hànộimới và tờ báo phải phát triển. Cho dù bây giờ đang là báo in ra hằng ngày, báo điện tử, báo tuần, báo tháng và sau này chúng ta tiến đến xây dựng cơ quan truyền thông đa phương tiện, tòa soạn hội tụ, ứng dụng các công nghệ mới của thời đại truyền thông kỹ thuật số thì tất cả đều phải nhằm làm cho Hànộimới thật sự xứng đáng là tờ báo của Thủ đô, một cơ quan truyền thông mạnh và là gương mặt văn hóa tinh thần tiêu biểu của Hà Nội.

Muốn làm được điều đó thì trách nhiệm của người làm Báo Hànộimới hết sức nặng nề, đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu rất cao về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt là không ngừng tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp - vấn đề rất sống còn, cốt lõi hiện nay trong hoạt động báo chí.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tháng ngày đầy dấu ấn trước những việc lớn của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.