Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luồng gió mới từ Nghị quyết số 18-NQ/TƯ

PGS.TS Bùi Đình Phong| 02/11/2017 07:09

(HNM) - Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật những hạn chế, bất cập trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chắc chắn sẽ đem đến một luồng gió mới...


Đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Trên cơ sở đánh giá tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ’’, “mô hình tổng thể chưa được hoàn thiện, một số lĩnh vực, bộ phận chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới”, Nghị quyết có những quan điểm mới về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nghị quyết xác định việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vừa là nhiệm vụ những năm trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài trong vài ba nhiệm kỳ đại hội, đến năm 2030.

Vì vậy, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phải bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ và các văn kiện của Đảng. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phải thực hiện đồng bộ với đổi mới kinh tế, gắn liền với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế…

Đảng ta nhận thức một cách đúng đắn rằng, trước những khó khăn, thách thức trên con đường đổi mới, cùng với việc chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phải xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị.

Bàn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không thể xa rời những vấn đề có tính nguyên tắc là rường cột của tổ chức. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy lần này được xác định đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân. Sắp xếp tổ chức bộ máy không thể làm tùy tiện, tùy hứng, chủ quan mà phải theo nguyên tắc “Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị”.

Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là quan điểm về “tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo”. Quan điểm này cho thấy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được nhận thức cả bề rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt là tính hệ thống của bộ máy. Bộ máy, bao gồm nguồn lực con người - nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, các ngành, các cấp, các công việc, các mối quan hệ...

Mọi người đều phải được phân công và việc nào, người nào cũng quan trọng. Cơ chế, bộ máy tốt mà con người cố tình xuyên tạc nó, thì không cơ chế, bộ máy nào phát huy nổi hiệu lực, thậm chí còn có thể thành công cụ của cái xấu. Con người không có đạo đức thì tài năng dễ mai một, nguy hiểm hơn nữa là dễ bị dùng vào những việc xấu xa, gây tác hại không lường được cho cách mạng. Cán bộ là cái “dây chuyền” của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt.

Thể hiện quyết tâm chính trị cao

Nhận thức như vậy để thấy rằng, Nghị quyết lần này bàn về sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần tiếp tục đổi mới với điểm nhấn “tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” là một cách nhìn mới, thể hiện tư duy biện chứng, khoa học và cách mạng. Nghị quyết lần này cho thấy hai phạm trù “cơ chế, tính khoa học của bộ máy, cơ bản nhất là nền dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân” và “chất lượng đội ngũ cán bộ” được đặt ngang nhau, tạo thế hỗ trợ, bổ sung cho nhau sẽ tạo ra bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nghị quyết cũng xác định rõ mối quan hệ giữa trách nhiệm tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu. Quan điểm này của Nghị quyết nhằm khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ. Đồng thời cũng tập trung giải quyết việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Qua 30 năm đổi mới, Đảng ta đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, đáng chú ý là việc ban hành, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhìn một cách tổng thể, trong những năm qua, bộ máy vẫn chạy đều, thông suốt, có những đổi mới; hệ thống chính trị cơ bản ổn định trong quỹ đạo của Cương lĩnh và Hiến pháp, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của Đảng. Cùng với những nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gần đây, chúng ta tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết sẽ tạo ra bước đột phá mới trong việc sắp xếp tinh giản, nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luồng gió mới từ Nghị quyết số 18-NQ/TƯ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.