Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện pháp luật về kê khai tài sản

Phong Thu| 07/11/2017 06:56

(HNM) - Trong phiên thảo luận ngày 6-11 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, các đại biểu Quốc hội đánh giá: Công tác phòng, chống tham nhũng cần nỗ lực lớn, giải pháp đồng bộ từ nhiều bộ, ngành, địa phương...


Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu thảo luận về công tác an ninh trật tự và phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN


Thu hồi tài sản tham nhũng đạt thấp

Báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 đã đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,113 triệu người, đạt 99,8% so với số người phải kê khai, và đã công khai hơn 1,111 triệu bản, đạt 99,8%. Có 39 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, tham nhũng nhìn chung vẫn nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều.

Cơ bản thống nhất với đánh giá trong báo cáo, đại biểu Cao Thị Giang (Đoàn Quảng Bình) chỉ rõ thêm: “Tham nhũng chưa giải quyết triệt để xuất phát từ việc xử lý đối tượng tham nhũng chưa triệt để. Không ít người đứng đầu vẫn bao che, dung túng cho cán bộ mình quản lý”. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng: “Dù cơ quan điều tra, viện kiểm sát có làm tốt công tác điều tra, truy tố, tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, không đạt mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra”. Đại biểu dẫn chứng, báo cáo tổng kết 10 năm về công tác phòng, chống tham nhũng, thiệt hại được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và 400ha đất, tuy nhiên chỉ thu hồi được 54,75% về đất, 7,82% về tiền và tài sản… Năm 2016, tỷ lệ thu hồi mới đạt 38,3%. Nguyên nhân là đa số người phạm tội có trình độ học vấn, chuyên môn cao, vì vậy việc phạm tội thường có sự chuẩn bị kỹ càng với thủ đoạn tinh vi, tài sản phạm tội được che giấu kỹ…

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh, thu hồi tài sản là việc rất quan trọng, song báo cáo của Chính phủ mới chỉ phản ánh trong một câu: “Thu hồi có tích cực, nhưng tỷ lệ còn thấp” và cũng không đưa ra giải pháp cụ thể. Dẫn chứng một loạt vụ án lớn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (các vụ việc xảy ra tại Vinashin, Vinalines), đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhận định, số tiền thu về ngân sách quốc gia còn quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tội phạm tham nhũng gây ra. Chưa kể, theo đại biểu Trương Phi Hùng (Đoàn Long An), nhiều cơ quan, đơn vị đang xảy ra tình trạng “cái tốt thì thích thổi phồng, cái xấu thì tìm cách để bưng bít”.

Cần công khai, minh bạch hơn


Sai phạm xảy ra tại Vinalines là một trong những vụ án lớn gây hậu quả nghiêm trọng.


Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra rằng, việc công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị mặc dù được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo, thực hiện và có cải thiện so với những năm trước, nhưng kết quả vẫn hạn chế.

Cùng với việc phân tích, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, các đại biểu đã hiến kế nhiều giải pháp. Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) cho rằng: Công khai, minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp. Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, không chỉ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà cần sự đồng lòng của toàn dân. Mọi vấn đề cần được dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra mới tạo được niềm tin cho dân, để dân đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước trên mặt trận chống tham nhũng. Đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng kê khai để hạn chế tẩu tán tài sản, để tất cả người dân có thể kiểm tra, như vậy mới tận dụng được sức mạnh của toàn dân. Sau đó, cần công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, xử lý.

Theo đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An), số lượng phát hiện kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không trung thực bị phát hiện còn quá ít so với thực tế. Việc này cho thấy, biện pháp phòng, chống tham nhũng còn hình thức và hiệu quả còn thấp. “Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương, quà biếu, quà tặng, quà cảm ơn... chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng thu nhập, nhưng chưa có cơ chế kiểm soát và chưa có chế tài xử lý việc kê khai không trung thực”, đại biểu Trần Văn Mão nhấn mạnh. Theo đại biểu, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành không buộc cán bộ, công chức, đặc biệt là những người giữ chức vụ lãnh đạo phải công khai rộng rãi bản kê khai tài sản nên khó đánh giá sự minh bạch trong kê khai tài sản và người dân cũng không thể tiếp cận bản kê khai đó một cách có cơ sở. Vì vậy, rất cần lấp kẽ hở này.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ nhỏ ở cấp xã, huyện; dư luận xã hội và nhân dân rất quan tâm, lo ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý. “Phải chăng, chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu “khép kín nội bộ”, “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”… Đại biểu nêu rõ, cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, không thể "giơ cao đánh khẽ" mãi được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện pháp luật về kê khai tài sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.