Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao tại CSOM

Quỳnh Dương - Minh Hiếu| 07/11/2017 18:30

(HNMO) - Chiều 7-11, tại TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn đã chủ trì buổi họp báo về kết quả Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp APEC (CSOM).


Khẳng định Hội nghị CSOM mở đầu Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã kết thúc tốt đẹp, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị đã chốt lại toàn bộ công tác cuối cùng về mặt nội dung để trình lên Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra trong những ngày tới. Sau 2 ngày họp, Hội nghị đã tổng kết hoạt động của hơn 50 ủy ban, các nhóm công tác APEC trong năm 2017, nhằm triển khai chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và 4 ưu tiên hợp tác mà Việt Nam đề xuất.

Hội nghị cũng đã nghe Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) 2017 trình bày công tác chuẩn bị cho cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với ABAC vào ngày 10-11. Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính (SFOM) cũng đã chia sẻ những kết quả nổi bật về hợp tác trong lĩnh vực tài chính.Trên cơ sở các hoạt động này, Hội nghị đã đạt được những kết quả chính:


Thứ nhất, Hội nghị thông qua báo cáo tổng kết hoạt động của 4 ủy ban APEC về thương mại và đầu tư, kinh tế, hợp tác kinh tế kỹ thuật và ngân sách. Các báo cáo cho thấy những bước phát triển tích cực trong triển khai kế hoạch, mục tiêu hành động chung của APEC, nổi bật là trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, hợp tác giáo dục, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vươn ra thị trường toàn cầu, vấn đề khởi nghiệp và sáng tạo trong kỷ nguyên số, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, cải cách cơ cấu kinh tế...

Hội nghị cũng thảo luận về các nỗ lực duy trì thương mại mở, tự do và thuận lợi hóa đầu tư. Việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương được nhiều đại biểu đề cập. Các quan chức cao cấp cũng thông qua lộ trình về kinh tế mạng và kinh tế số để báo cáo lên các bộ trưởng APEC. Các nền kinh tế thành viên đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, tiếp tục nâng cao năng lực các thành viên trong kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ tại Châu Á - Thái Bình Dương, góp phần giữ đà hội nhập, liên kết kinh tế khu vực. Nhiều thành viên ủng hộ các nỗ lực hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Hội nghị đã được thông tin về kết quả các hội nghị bộ trưởng diễn ra từ SOM 3 tới nay, nổi bật là việc thông qua Tuyên bố Cần Thơ về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, được các đại biểu đánh giá cao đối với phát triển bền vững và bao trùm của Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế APEC nói chung.

Hội nghị đã thông qua kế hoạch hành động chung của Ủy ban Kinh tế, nhất trí duy trì hoạt động lâu dài của Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU) nhằm tăng cường phối hợp giữa các tiến trình hợp tác, hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động APEC trong thời gian tới. Các quan chức cao cấp cũng thông qua kế hoạch hành động chung giữa Ủy ban Kinh tế và kênh tài chính, thông qua khuôn khổ giữa APEC với Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD về đánh giá chính sách cạnh tranh.

Hội nghị nhất trí trình lên Hội nghị bộ trưởng và Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo APEC xem xét một số văn kiện mang tính chiến lược, định hướng cho hợp tác dài hạn của APEC trong những thập niên tới, có nội dung gắn với chủ đề và các ưu tiên của năm APEC 2017, tiếp nối kết quả các năm trước. Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu bắt tay xây dựng tuyên bố các nhà lãnh đạo APEC và tuyên bố của các bộ trưởng. Các kết quả nêu trên sẽ được báo cáo lên các bộ trưởng APEC trong cuộc họp ngày 8-11.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới các sáng kiến cụ thể của Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh cả thế giới và khu vực bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nền kinh tế rất ủng hộ chủ đề và 4 ưu tiên được nước chủ nhà Việt Nam đưa ra. Trên cơ sở đó, Việt Nam cùng phối hợp các nền kinh tế thành viên và các tổ chức quốc tế đưa ra sáng kiến phù hợp. Cho đến nay, sau 9 hội nghị bộ trưởng cấp chuyên ngành, 6 hội nghị quan chức cao cấp, những sáng kiến này đều bám sát vào chủ đề và các ưu tiên. Ví dụ như khuôn khổ tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới; sáng kiến liên quan tới phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; sáng kiến của Việt Nam về phát triển bao trùm.


Về triển vọng của TPP, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc thực hiện hợp tác tại Châu Á - Thái Bình Dương bao gồm rất nhiều kênh khác nhau. Ngoài TPP, còn có Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, trên 150 hiệp định thương mại tự do song phương, hiệp định đối tác toàn diện gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác trong khu vực đang được đàm phán.


Việc Việt Nam tham gia TPP là thể hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ đa dạng hóa đa phương hóa quan hệ. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với các nền kinh tế khác để thu hẹp khoảng cách, tạo ra cân bằng lợi ích. Việc Mỹ quay trở lại TPP đang được bỏ ngỏ, bởi đây vẫn là một tiến trình mở và mang tính lâu dài.

Về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn nhận định đây là sự kiện thể hiện sự quan tâm của Mỹ không chỉ với khu vực mà còn với Việt Nam. Chuyến thăm sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Mỹ với sự hợp tác thịnh vượng tại Châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam và Mỹ làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương, phù hợp với xu thế chung tại Châu Á - Thái Bình Dương.


Về các vấn đề liên quan tới tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa được thảo luận tại CSOM, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cho biết, tự do hóa thương mại là vấn đề cốt lõi của nguyên tắc trong hợp tác APEC. Đây là khu vực rộng lớn, đa dạng về văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế. Từ khi thành lập, APEC đã thể hiện rõ là cơ chế hàng đầu khu vực về thúc đẩy liên kết hợp tác và tự do hóa thương mại và đầu tư, mang lại những kết quả rất tích cực. Mức thuế quan giảm từ gần 20% xuống 4-5%, trao đổi buôn bán tại khu vực tăng nhanh, giúp hàng trăm triệu người vượt đói nghèo. Riêng với Việt Nam, quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, trong đó có tham gia APEC, đưa Việt Nam từ một nước thu nhập thấp thành nước có thu nhập trung bình. 


Trong bối cảnh xu thế chống toàn cầu hóa đang nổi lên, tác động tới hợp tác khu vực, cộng với trình độ phát triển khác nhau giữa các nền kinh tế, việc tiếp tục thúc đẩy tự do hóa đầu tư còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng tất cả các nền kinh tế thành viên APEC đều mong muốn tăng cường hợp tác và coi đây là động lực để phát triển. Cách tiếp cận của Việt Nam là tham gia và tranh thủ các mặt thuận lợi từ quá trình hợp tác này, đồng thời có nhiều đóng góp tích cực vào diễn đàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao tại CSOM

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.